Đã hơn hai tuần trôi qua kể từ ngày Donald Trump đánh bại Hillary Clinton để trở thành Tổng thống đắc cử của Mỹ, song một bộ phận không nhỏ người Mỹ dường như vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Trong lịch sử Mỹ, việc kiểm phiếu lại rất hiếm khi xảy ra. Ngoại lệ gần nhất là cuộc bầu cử năm 2000. Với cách biệt vô cùng sít sao giữa George W. Bush và Al Gore, bang Florida đã tổ chức kiểm phiếu lại, với kết quả chiến thắng thuộc về Bush. Kết quả này đã gây nhiều tranh cãi vì Jeb Bush, em trai của George, bấy giờ là thống đốc bang Florida.
Vài ngày gần đây, một nhóm các luật sư và kĩ sư tin học Mỹ đang kêu gọi bà Clinton đề xuất kiểm lại phiếu, bởi họ cho rằng các lá phiếu có khả năng bị tin tặc, mà cụ thể là tin tặc làm việc cho chính phủ Nga, tác động, dẫn đến kết quả bất lợi cho cựu Ngoại trưởng Mỹ, người mà điện Kremlin vốn không có mấy thiện cảm.
Trong một bài viết đăng ngày 23/11 liên quan đến vấn đề này, tác giả Timothy Lee của tạp chí Vox (Mỹ) cho rằng dù Nga có tác động đến kết quả bầu cử hay không, thì ông cũng đồng tình với việc cần kiểm phiếu lại, vì những lý do dưới đây.
Hệ thống bỏ phiếu tại Mỹ rất dễ bị tấn công
Sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi vào năm 2000, Quốc hội Mỹ đã chi hàng tỉ USD ngân sách để các bang nâng cấp hệ thống bỏ phiếu. Nhiều bang quyết định "lên đời" bằng cách áp dụng hệ thống bỏ phiếu qua màn hình điện tử để thay thế hình thức bỏ phiếu giấy truyền thống.
Thắng lợi với cách biệt chỉ vài trăm phiếu của Bush tại Florida năm 2000.
Tuy nhiên, sự thay đổi tưởng chừng như nâng cấp này thực chất lại là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu sau đó của giới tin học Mỹ cho thấy, các điểm bỏ phiếu điện tử rất dễ bị tin tặc tấn công, dẫn tới kết quả sai lệch. Đến năm 2016, tất cả các bang đã quay trở về hình thức bỏ phiếu giấy.
Dù loại bỏ được nguy cơ hệ thống điện tử bị tấn công, xong theo tác giả Lee, do máy móc chứ không phải con người làm nhiệm vụ kiểm phiếu. nên khả năng những chiếc máy kiểm phiếu bị tấn công là hoàn toàn có thể xảy ra.
"Trước mỗi kì bầu cử, các nhân viên trong ban kiểm phiếu sẽ copy mẫu phiếu bầu từ một chiếc máy tính bình thường, sau đó dùng một thiết bị bộ nhớ lưu động (như thẻ nhớ của một chiếc máy ảnh) để tải mẫu đó lên các máy kiểm phiếu.
Chiếc máy tính gốc nơi mẫu phiếu bầu được copy gần như chắc chắn không được bảo mật cẩn thận, và nếu tin tặc nhắm vào đây, malware sẽ được chuyển đến tất cả các máy kiểm phiếu trong một khu vực nhất định" - Alex Halderman, chuyên gia nghiên cứu vấn đề bảo mật trong hệ thống bỏ phiếu, giải thích.
Về mặt lý thuyết, nếu máy kiểm phiếu có dấu hiệu dồn phiếu cho một ứng viên nhất định, nhân viên trực sẽ kiểm tra và phát hiện được vấn đề. Nhưng với luật bầu cử hiện nay ở đa số các bang, việc các nhân viên kiểm tra lại kết quả máy kiểm phiếu thường không xảy ra.
Luật kiểm phiếu lại ở Mỹ đã lỗi thời
Đa số các bang ở Mỹ cho phép ứng viên đề xuất kiểm phiếu lại nếu kết quả sít sao. Trong trường hợp cách biệt rất thấp (ví dụ như dưới 0,5% ở bang Wisconsin), các bang sẽ tự chi trả cho việc kiểm phiếu lại, ngoài ra thì ứng viên sẽ phải chịu trách nhiệm chi phí.
Luật lệ này đã được áp dụng từ thời máy tính còn chưa thông dụng, và lỗi kiểm phiếu chủ yếu xuất phát từ yếu tố con người. Nhưng nay, khi công nghệ phát triển và malware có thể dễ dàng thay đổi chênh lệch lên đến vài %, thì liệu có còn nên tiếp dụng dùng cách biệt làm thước đo để đánh giá xem liệu có cần thiết phải kiểm phiếu lại hay không?
Phải chăng đã đến lúc Mỹ thay đổi luật lệ kiểm phiếu lại? Ảnh: Newsmakers/Vox
Do đó, tác giả Lee cho rằng, việc kiểm phiếu lại nên được thực hiện rộng khắp trên tất cả các bang để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
Kiểm phiếu lại sẽ gia tăng lòng tin nơi công chúng về kết quả bầu cử
Theo ông Lee, có hai lý do bà Clinton nhiều khả năng sẽ không đề xuất kiểm phiếu lại, trong bối cảnh hạn chót để làm điều đó chỉ còn chưa đầy một tuần.
Thứ nhất là tiền. Việc kiểm phiếu lại mà không dùng máy móc sẽ tiêu tốn hàng triệu USD nhân công. Nhưng đây không phải rào cản quá lớn, khi một bộ phận không nhỏ các nhà tài trợ thân đảng Dân chủ, những người đang hết sức thất vọng và vẫn tìm cách níu kéo chút hi vọng, sẽ sẵn sàng "mở hầu bao".
Lý do thứ hai, và cũng là lý do chính, là việc đề xuất kiểm phiếu lại có thể dẫn tới xói mòn lòng tin nơi công chúng về kết quả bầu cử. Bản thân bà Clinton trong suốt chiến dịch tranh cử cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấp nhận kết quả bầu cử.
Trong trường hợp kiểm phiếu lại và bà Clinton "chuyển bại thành thắng", thì hàng loạt những "thuyết âm mưu" cũng sẽ xuất hiện theo, cùng với đó là những hoài nghi về độ tin cậy của nền dân chủ Mỹ, và đương nhiên đảng Cộng hòa và nhóm ủng hộ Trump sẽ không để yên.
Nhưng theo ông Lee, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, khi các máy kiểm phiếu có thể dễ dàng rơi vào tầm ngắm của tin tặc, thì việc bỏ qua quy trình kiểm phiếu lại thực sự là một "bước lùi" đối với Mỹ.
Ông cũng hiểu rõ lý do bà Clinton không muốn kiểm phiếu lại, và đưa ra giải pháp rằng kể từ năm nay, Mỹ cần coi việc kiểm phiếu lại như một phần tất yếu trong quy trình bầu cử hàng năm. Làm như vậy sẽ phần nào đập tan các "thuyết âm mưu", và góp phần gia tăng lòng tin nơi công chúng về kết quả bầu cử.
Ngoài ra, việc kiểm phiếu lại cũng ngăn chặn được các thế lực bên ngoài tác động vào kết quả bầu cử. Theo ông Lee, việc không kiểm phiếu lại hiện nay đang tạo "động lực" cho các thế lực bên ngoài, bởi khả năng cao là những gì họ làm sẽ không bị phát hiện.
Tóm lại, tác giả bài viết kết luận, "better be safe than sorry", thà cứ kiểm lại cho chắc ăn.