Khi đi tìm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, các bên liên quan đều tham vấn lẫn nhau – ngoại trừ tham vấn Hàn Quốc. Trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản bàn về Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dường như bị đứng ở ngoài lề. Tình trạng "qua mặt Hàn Quốc" như vậy đã diễn ra từ lâu, khi các cường quốc đã liên tục phớt lờ hoặc công khai phản đối đất nước phía nam bán đảo trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đi thăm chính thức Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 11 tới, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thì mới tới Hàn Quốc vào ngày 27/10 vừa qua, tình trạng "qua mặt Hàn Quốc" được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn, khi Thủ tướng Shinzo Abe vừa thắng cử vang dội ở Nhật và Chủ tịch Tập Cận Bình đã được củng cố quyền lực hơn sau ĐH ĐCS Trung Quốc lần thứ 19.
Cả ông Abe và ông Tập đều là những người được cho là có cách làm trái với ông Moon Jae In trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Vì sao Hàn Quốc bị "bỏ qua"?
Một phần nguyên nhân của việc Hàn Quốc bị "qua mặt" bấy lâu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo là họ đã thể hiện không có tiếng nói hiệu quả với Triều Tiên, không thể kiềm chế Triều Tiên thực hiện những hành động khiêu khích về quân sự ngày càng leo thang như phóng tên lửa qua Nhật Bản, thử nghiệm bom hạt nhân hay bom H.
Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae In đã liên tục có các nỗ lực ngoại giao với nước láng giềng phía Bắc, như mời Triều Tiên tham gia Olympic Mùa đồng 2018 ở Pyeongchang, đề xuất đối thoại quốc phòng, cố gắng sắp xếp các cuộc đoàn tụ gia đình hay đề nghị hỗ trợ y tế, nhưng Triều Tiên đã làm ngơ trước tất cả những nỗ lực này của ông Moon.
Một lý do khác để Hàn Quốc thường xuyên bị "bỏ qua" là ông Moon và Tổng thống Mỹ Trump có những cách tiếp cận đối ngược nhau trong vấn đề Triều Tiên. Hệ quả là Mỹ không còn tham vấn Hàn Quốc nhiều như trước. Trong khi Tổng thống Moon cố gắng mở ra đối thoại với Triều Tiên thì ông Trump thường xuyên có những phát ngôn rất mạnh, mang tính đe dọa ngày càng leo thang đối với nước này.
Một cách tự nhiên, với quan điểm cứng rắn của mình, ông Trump và ông Abe trở thành những đối tác thân thiết, còn Hàn Quốc dường như ngày càng bị cô lập.
Trước khi tiếp ông Tập Cận Bình, ông Trump đã gặp và điện đàm với ông Abe mà chẳng mảy may quan tâm tới việc liên hệ với Tổng thống lâm thời của Hàn Quốc lúc đó là ông Hwang Kyo Ahn. Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, ông Trump cũng điện đàm với ông Abe trước khi gọi cho ông Moon.
Ông Trump và ông Abe cùng là những người có quan điểm và phát ngôn rất cứng rắn đối với Triều Tiên. Ảnh: Getty
Ông Trump còn công khai chỉ trích và dọa "xem xét lại" thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, phàn nàn về chi phí để duy trì quân lính Mỹ tại Hàn và mới chỉ chỉ định một đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cách đây một tuần – sau gần 7 tháng vị trí này bị bỏ trống.
Gần đây, ông Trump còn "nói lời cay đắng" khi cho rằng cách tiếp cận của ông Moon đối với Triều Tiên là "thỏa hiệp".
Chuyên gia về Nhật Bản Sohn Yul, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của ĐH Yonsei, đánh giá: "Ông Trump và ông Abe đang trong giai đoạn trăng mật. Họ rất thân thiết và thường xuyên trao đổi các vấn đề về Triều Tiên mà không tham vấn chính phủ Hàn Quốc. Có những lo ngại rằng vì ông Trump không hiểu nhiều về bán đảo Triều Tiên nên ông ấy dựa nhiều vào các quan điểm của ông Abe, mà ông Abe lại có xu hướng cứng rắn đối với Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc thì ít cứng rắn hơn. Vì thế, sự hợp tác Trump – Abe càng tạo điều kiện cho việc ‘bỏ qua Hàn Quốc’".
Ngoài việc Mỹ và Nhật để Hàn Quốc "ra rìa" trong vấn đề Triều Tiên, Tokyo cũng đã tỏ ý không tán thành với quyết định của Hàn Quốc về việc hỗ trợ nhân đạo Triều Tiên trị giá 8 triệu USD – một quyết định mà Tổng thống Moon tái khẳng định ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân gần đây.
Việc "qua mặt Hàn Quốc" là vấn đề cũ
Giáo dư Jo Dong Joon, ĐH Quốc gia Seoul, cho rằng việc Hàn Quốc bị "qua mặt" hay "bỏ qua" như trên là không có gì mới.
"Cuối những năm 1960, đầu những năm 70, khi ông Nixon trở thành tổng thống Mỹ và cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, lúc đó Hàn Quốc và Nhật Bản gần như bị bỏ rơi hoàn toàn. Đây đã là một vấn đề lâu năm ở Đông Á", giáo dư Jo nói.
Theo giáo sư Jo, ít nhất đã có vài thời điểm khi Hàn Quốc bị "bỏ qua", đó là: Từ năm 1949 đến 1950 – ngay trước cuộc chiến tranh Triều Tiên; khi Nixon bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc những năm 1960-1970; ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (vào khoảng 1989 đến 1991) khi Mỹ dự định rút quân khỏi Hàn Quốc. Tuy nhiên, lần này, việc "bỏ quan Hàn Quốc" có phần khác biệt.
"Lợi ích chiến lược chung của Hàn Quốc và Mỹ đã giảm, và Hàn Quốc đã ít phụ thuộc vào Mỹ hơn. Triều Tiên không phải là vấn đề sống còn đối với Mỹ, mà nó là vấn đề sống còn với Hàn Quốc. Vì vậy, các nước sẽ cùng hợp tác khi các giải pháp ngoại giao được theo đuổi, còn một khi các giải pháp quân sự được đưa ra, Hàn Quốc sẽ thận trọng hơn, và cuối cùng, có thể lợi ích chiến lược của Hàn Quốc sẽ trở nên hoàn toàn khác", giáo sư Jo nhận định.
Thêm vào đó, trong khi cách tiếp cận của Hàn Quốc được Mỹ và Nhật đánh giá là quá mềm mỏng, thì trong mắt Nga và Trung Quốc, cách tiếp cận đó vẫn quá cứng rắn.
Hơn nữa, khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, Trung Quốc đã coi đó là một mối đe dọa đối với mình và Bắc Kinh thậm chí đã trả đũa bằng những đòn trừng phạt không chính thức đối với Seoul. Tháng trước, Phó Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov cũng phát biểu rằng THAAD đã làm dấy lên câu hỏi về "sự cân bằng quân sự của chúng tôi".
Trong tình thế này, một số người đã hoài nghi về năng lực của Tổng thống Moon, nhưng một số khác lại cho rằng ông Moon đang "ở ẩn chờ thời".
Giáo sư David Mason của ĐH Chung Ang bày tỏ: "Tôi tin rằng ông Moon đang thận trọng bước đầu để sẵn sàng có những bước đi mạnh mẽ hơn vào đúng thời điểm. Ông Moon bắt đầu tiếp cận Triều Tiên nhưng đã bị họ khước từ mạnh mẽ, ông ấy cũng đã đối thoại với ông Trump nhưng rõ ràng Trump không có một chiến lược thực sự. Vì vậy, ông Moon phải chờ đợi cho tới lúc thích hợp, tôi nghĩ đó là bước đi khôn ngoan".
Theo giáo sư Mason, thật khó tin nếu một người giàu kinh nghiệm đối phó với Triều Tiên như Tổng thống Moon lại không có một chiến lược và chiến thuật gì đối với nước láng giềng, nhưng hiện tại ông Trump đang trở thành một nhân tố khó đoán trong một cuộc chơi có phần ổn định từ trước tới nay, vì vậy ông Moon phải lùi lại và có phần bị đánh giá là không hiệu quả.