Vì sao Hải quân Nga "ruồng bỏ" tên lửa Moskit?

Hải Dương |

Việc Hải quân Nga quyết định sẽ trang bị tên lửa đối hạm Uran cho 2 tàu Molniya đang đóng dở thay vì Moskit liệu có phải là sự "cải lùi"?

Hôm 8/4, Văn phòng báo chí của Nhà máy đóng tàu Vympel ở thành phố Rybinsk, miền Trung nước Nga cho biết, họ sẽ hoàn thiện, sửa chữa và nâng cấp 2 tàu tên lửa Molniya 1242.1 thành biến thể 1241.8 cho cho Hải quân Nga.

Thay đổi đáng kể nhất của gói nâng cấp trên chính là các bệ phóng tên lửa chống hạm siêu âm 3M80 Moskit sẽ được tháo bỏ và thay thế bằng loại cận âm 3M24 Uran.


Hai tàu tên lửa Molniya Dự án 1242.1 đang đóng dở tại nhà máy Vympel

Hai tàu tên lửa Molniya Dự án 1242.1 đang đóng dở tại nhà máy Vympel

Việc Hải quân Nga lựa chọn tên lửa Uran thay vì Moskit để trang bị cho 2 chiếc Molniya trên đã gây ra khá nhiều tranh cãi, trong đó không ít ý kiến tỏ ra lo ngại rằng sức tấn công của chúng sẽ bị suy giảm.

Nếu nhìn qua các thông số kỹ thuật cơ bản thì đúng là tên lửa Moskit gây ấn tượng mạnh hơn hẳn Uran.

Cụ thể, mặc dù tầm bắn tương đương (120 - 250 của Moskit so với 130 - 260 km của Uran) nhưng tốc độ của Moskit đạt tới Mach 3, trong khi Uran chỉ là Mach 0,8, đối phương sẽ có rất ít thời gian phản ứng khi phải đối đầu với loại tên lửa này.

Để bắn chặn Moskit, tàu chiến phải được trang bị hệ thống tên lửa phòng không có tốc độ phản ứng cực nhạy, do các cuộc thử nghiệm của Hải quân Mỹ đã chỉ ra rằng pháo bắn nhanh kiểu Phalanx chỉ thích hợp để chống lại tên lửa cận âm.

Bên cạnh đó, trọng lượng đầu đạn của 3M80 lên tới 320 kg, đủ sức đánh chìm một khu trục hạm cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn, còn 3M24 do mang đầu đạn nhẹ hơn (nặng 145 kg) nên nếu muốn hủy diệt mục tiêu buộc phải bắn bồi thêm mới đảm bảo.


Tên lửa Moskit được phóng đi từ tàu tên lửa Molniya Dự án 1242.1

Tên lửa Moskit được phóng đi từ tàu tên lửa Molniya Dự án 1242.1

Tuy vậy, tên lửa Moskit cũng mang trong mình không ít nhược điểm.

Đầu tiên, do phải mang động cơ khỏe để đạt tới tốc độ siêu âm nên kích thước của Moskit rất đồ sộ (dài gấp 2,5 lần và nặng gấp hơn 7 lần Uran) dẫn tới việc tăng diện tích phản xạ radar, đồng thời khiến cơ số đạn mang theo trở nên eo hẹp.

Thêm vào đó, nhiệt lượng lớn tỏa ra từ động cơ cộng với ma sát không khí cũng khiến mức độ bộc lộ hồng ngoại của Moskit cao hơn rất nhiều so với Uran.

Điểm yếu cố hữu của các loại tên lửa đối hạm siêu âm cũ do Liên Xô sản xuất là độ cao hành trình lớn, Moskit chỉ hạ được xuống cách mặt biển 20 m trong giai đoạn công kích, sẽ bị các hệ thống radar cảnh giới hiện đại phát hiện từ cự ly 30 - 50 km.

Tên lửa Uran mặc dù tốc độ chậm nhưng bù lại do kích thước nhỏ, bay bám biển ở độ cao dưới 5 m, khả năng điều hướng tốt, khiến nó dễ dàng tiếp cận tàu chiến đối phương mà không bị phát hiện.

Thực tế chiến đấu cho thấy khi bị tên lửa đối hạm cận âm tấn công, các tàu chiến như USS Stark của Mỹ hay INS Harnit của Israel đều không đưa ra được một phản ứng nào. Do vậy tốc độ cao chưa chắc đã là lợi thế của Moskit.

Ngoài ra tốc độ quá lớn cũng khiến đường bay của Moskit kém linh hoạt, đầu dò có ít thời gian để khóa mục tiêu, làm cho nó gặp khó khăn trước các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương.

Do vậy với những ưu nhược điểm trên, việc Hải quân Nga lựa chọn Uran thay vì Moskit để lắp đặt trên 2 chiếc Molniya đang đóng dở không phải là sự "cải lùi" như nhiều người vẫn nghĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại