Vì sao HAGL kỳ vọng vào trái cây hơn bò và bất động sản?

Ngọc Thủy |

Theo dự kiến, HAGL sẽ trồng 17 loại cây ăn trái và sẽ nâng diện tích trồng cây lên hơn 20.000ha.

Dù mới triển khai từ năm ngoái nhưng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại đặt nhiều kỳ vọng vào mảng trái cây. Theo kế hoạch năm 2017, đóng góp của trái cây sẽ vượt trội hơn bò và bất động sản ở Myanmar, chiếm hơn 40% doanh thu cho HAGL. Trước mắt, HAGL sẽ dựa vào 3 loại cây gồm chanh dây, chuối và thanh long.

Tính đến 18.5.2017, theo thông tin công bố, HAGL đã trồng được 1.482ha chanh dây. Đây là loại cây cho thời hạn thu hoạch nhanh (6 tháng) nên HAGL kỳ vọng năm 2017, chanh dây dự kiến sẽ đem về 1.055 tỉ đồng doanh thu. Đây là con số HAGL tính toán dựa trên giá bán chanh dây trung bình khoảng 20.000 đồng/kg.

Đối với chuối, HAGL ước đạt doanh thu 843 tỉ đồng. Trong khi đó, HAGL dành diện tích gần 3.000ha để trồng thanh long và ước đạt 680 tỉ đồng doanh thu năm 2017.

Thị trường tiêu thụ trái cây của HAGL sẽ là Trung Quốc. Theo nhận định của HAGL, đây là thị trường gần Việt Nam, đang tăng trưởng tốt và cây trái nhiệt đới của Việt Nam cũng có lợi thế hơn.

Ngoài ra, HAGL đã bắt tay với Thế Giới Di Động để bán trái cây trong nước. Để hạn chế rủi ro từ việc nhu cầu thị trường thay đổi cũng như bệnh dịch, dự kiến HAGL sẽ trồng 17 loại cây ăn trái và sẽ nâng diện tích trồng cây lên hơn 20.000ha. Hơn 2/3 diện tích trồng cây ăn trái của HAGL nằm ở Lào và Campuchia.

Vì sao HAGL kỳ vọng vào trái cây hơn bò và bất động sản? - Ảnh 1.

Mục tiêu của HAGL trong phát triển cây ăn trái là tạo dòng tiền nhanh hơn. Tập đoàn cũng kỳ vọng, nhờ quy mô lớn, bán trực tiếp, rõ nguồn gốc, nhờ vùng trồng tập trung và nằm gần các sông lớn.... HAGL sẽ đạt biên lợi nhuận cao.

Mức biên lợi nhuận mà HAGL dự tính cho cây ăn trái trong năm 2017 đều trên 40%. Xa hơn, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, kỳ vọng, hằng năm, mỗi hecta trái cây có thể mang về 1 tỉ đồng doanh thu.

Liệu kế hoạch của HAGL khả thi đến đâu? Ông Lý Hải Long, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Bảo Thanh, cho rằng ông không nghi ngờ về khả năng tham gia mảng trồng cây ăn trái của HAGL.

Trong quá khứ, HAGL đã bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp với cao su, mía đường nên việc doanh nghiệp này rẽ hướng sang mảng trái cây cũng có những lợi thế nhất định.

Đó là lợi thế về quy mô diện tích cũng như kinh nghiệm hợp tác làm ăn với các đối tác. Trên thực tế, nông dân trồng thanh long ở Long An, Bình Thuận đã ít nhiều lo âu về sự hiện diện của HAGL.

Tuy nhiên, như thừa nhận của ông Đức, trái cây của HAGL sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc là chính.

Theo Tổng cục Thống kê, 5 năm qua, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng trung bình hơn 40%/năm. Trung Quốc trở thành thị trường chủ lực của xuất khẩu hoa quả Việt Nam, chiếm 70% thị phần năm 2016.

Ông Lý Hải Long cũng đồng tình, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, doanh nghiệp cần bán bao nhiêu vẫn có người mua hết. Nhưng quan trọng là các công ty sẽ bán với giá bao nhiêu và kết nối được với ai.

Nếu HAGL kết nối làm ăn được với những người đứng đầu về phân phối, những người có khả năng bán hàng trên nhiều địa bàn của Trung Quốc, hay HAGL bán hàng vào những địa điểm giống như chợ sỉ ở Việt Nam, đầu ra thanh long nói riêng và trái cây nói chung của HAGL sẽ được đảm bảo hơn.

Vì sao HAGL kỳ vọng vào trái cây hơn bò và bất động sản? - Ảnh 2.

Liên quan đến giá bán, Trung Quốc là thị trường dễ tính và có thể xuất theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, vào những thời điểm Trung Quốc siết lại điều kiện nhập khẩu, nhiều loại trái cây Việt Nam gồm chuối, vải, thanh long, dưa hấu... đã bị ứ đọng ngay cửa khẩu. Trung Quốc cũng nổi tiếng về độ bấp bênh giá cả.

Đây là lý do vì sao Bảo Thanh không chọn Trung Quốc làm thị trường tiêu thụ thanh long. Từ nhiều năm trước, công ty này đã tìm đường xuất sang châu Âu và Mỹ.

Đáng chú ý, khoảng 3 năm trở lại đây, nhận thấy thanh long là loại trái cây chịu tác động khó lường về thổ nhưỡng, khí hậu, sâu bệnh…, lại cần phải cải tiến liên tục để đạt chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bảo Thanh đã tự mở trang trại riêng và trồng thanh long theo hướng hữu cơ sinh học.

Hãy trở lại câu chuyện thanh long của HAGL. Giống thanh long mà HAGL trồng là giống ruột đỏ và tím, cho giá trị cao hơn thanh long ruột trắng. Ở những thời điểm như dịp lễ, Tết, giá loại thanh long này có thể đạt mức 40.000-60.000 đồng/kg. HAGL tính toán các con số kinh doanh dự kiến cũng dựa trên mức giá khả quan này.

Tuy nhiên, ông Long lưu ý, giá cả thanh long tiêu thụ nội địa cũng như xuất sang Trung Quốc thường theo vụ mùa. Tại những giai đoạn thấp điểm hoặc nguồn cung tăng đột biến, giá thanh long có khi rớt thảm hại, chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg. Đây là các rủi ro thị trường mà HAGL cần tính đến.

Với mảng chanh dây (chanh leo), Nafoods, đơn vị dẫn đầu trong ngành chanh dây ở Việt Nam, đã có cách làm khác với HAGL. Nafoods thu mua chanh dây tươi, sau đó chế biến thành chanh dây cô đặc để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật.

Công ty này liên kết với các đối tác để chủ động vùng nguyên liệu 10.000ha, thu mua 80% sản lượng chanh dây ở Việt Nam. Công ty cũng đầu tư nhà máy sản xuất nước ép hoa quả. Với hoạt động đầu tư này, Nafoods cung cấp cho thị trường thế giới 8% sản lượng chanh dây và dẫn dầu châu Á về xuất khẩu chanh dây cô đặc.

Ngoài ra, Nafoods còn kinh doanh cây giống chanh dây. Quy mô là thế, nhưng theo con số báo cáo, năm 2016, Nafoods chỉ đạt tổng doanh thu 460,5 tỉ đồng. HAGL đi sau, lại chỉ xuất khẩu chanh tươi sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thì con số hơn 1.000 tỉ đồng doanh thu từ chanh dây ngay trong năm nay sẽ chịu nhiều áp lực.

Đối với chuối, "vua chuối" Võ Quan Huy, chủ thương hiệu chuối Fohla, cho biết, trồng chuối cũng có những đòi hỏi riêng.

Chẳng hạn, trong gần 1.000ha của ông, ông mới chỉ có thể phát triển khoảng 200ha chuối, bởi còn tùy điều kiện đất đai, nhân công và phải tính đến yếu tố đầu ra. Chuối muốn xuất khẩu cũng phải đầu tư quy trình trồng trọt chuyên nghiệp, theo hướng công nghiệp chứ không như trồng chuối truyền thống.

Hiện tại, chuối Fohla đã được xuất sang Nhật và Hàn Quốc. Đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe với các quy chuẩn về an toàn thực phẩm.

Ngoài tiêu chuẩn VietGAP, chuối Fohla phải bổ sung thêm các tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu. Nhưng bù lại, theo ông Huy, xuất khẩu chuối qua các thị trường này diễn ra quanh năm, giá cả lại ổn định. Dự tính năm 2017, vườn chuối của ông sẽ đạt sản lượng lên gấp đôi, khoảng 8.000 tấn.

Để trồng chuối đạt chất lượng cao, ông Huy đã đầu tư mạnh cho quy trình, giống cây, kỹ thuật trồng trọt, phân bón, đường cáp tải chuối, kho lưu trữ, hệ thống tưới tiêu...

Đó là chưa kể phải đầu tư nhân lực. Chẳng hạn, để quản lý 200ha, mỗi người phải được đào tạo 1,5 năm. Đầu tư là thế nhưng ông Huy cũng có những lo âu nhất định, về sai sót kỹ thuật, nhất là sai sót trong khâu bảo vệ trái.

Rõ ràng, qua chia sẻ của những người lâu năm trong ngành trồng cây ăn trái thì kỹ thuật canh tác, quản lý chất lượng, vi lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các yêu cầu khách hàng, để có được đầu ra ổn định luôn là thách thức cho những ai tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại