Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa?

Bảo Phương |

Hồ sơ phá hủy môi trường của Formosa đã vào sách giáo khoa Luật Môi trường tại Mỹ như một ví dụ minh họa sống động. Tại sao Hà Tĩnh vẫn chào đón doanh nghiệp này?

"Không đánh đổi môi trường đề thu hút đầu tư nước ngoài"

Do những thành tích phá hủy môi trường tai tiếng trên thế giới, Tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) từng bị trao giải "hành tinh đen" năm 2009 - giải thưởng dành cho những tổ chức/cá nhân vì phá hủy môi trường thế giới. Doanh nghiệp (DN) này cũng từng chịu phạt nhiều lần tại các nước mà họ đầu tư.

Hồ sơ phá hủy môi trường của Formosa thậm chí đã vào sách giáo khoa Luật Môi trường tại Mỹ như một ví dụ minh họa sống động.

Trên chính quê hương Đài Loan, tập đoàn Formosa đã gây ra nhiều vi phạm về môi trường khiến cho người dân bức xúc và phản đối việc xả nước gây ô nhiễm.

Formosa từng có nhiều vi phạm trong đầu tư, vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón? Đây là câu hỏi của giới báo chí đặt ra trong buổi họp báo Chính phủ công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt ở miền Trung chiều ngày 30/6.

Vì sao Hà Tĩnh vẫn chào đón Formosa? - Ảnh 1.

Đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân Việt Nam. Ảnh cắt từ clip.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Về quá trình tham gia thẩm định dự án Formosa năm 2008, thời điểm đó việc thẩm định các dự án đầu tư của nước ngoài thực hiện theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Đầu tư năm 2005.

"Tại thời điểm đó đều phân cấp cho UBND tỉnh, Bộ ngành chỉ đóng vai trò thẩm định. Chúng tôi nhận ý kiến UBND Hà Tĩnh hỏi thẩm định dự án này và có văn bản như sau:

Phần đánh giá tác động môi trường của dự án sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như phần gây tác động, đối tượng, quy mô gây tác động, biện pháp khắc phục tác động xấu, phòng ngừa rủi ro về sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phế duyệt.

Chúng tôi khẳng định chính sách thu hút đầu tư của VN là nhất quán. Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm. Qua đây là bài học để rà soát, đảm bảo việc thu hút FDI theo đúng các quy định pháp luật.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của VN gần nhất đưa ra một số định hướng chọn lọc dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đây là là định hướng quan trọng.

Chúng tôi khẳng định định hướng của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường đề thu hút đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông thông tin.

"Xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm"

Cũng trong buổi họp báo chiều ngày 30/6, báo giới đặt câu hỏi: "Khi Formosa vận hành đã kiểm tra xả thải như thế nào? Hà Tĩnh đã kiến nghị gì? Giờ Chính phủ đã xác định lỗi của Formosa, trách nhiệm của địa phương để xảy ra ô nhiễm như thế nào?".

Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Thời gian qua, nhân dân Hà Tĩnh đã kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân.

Hôm nay, Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân, Formosa đã xin lỗi, phần nào giải tỏa được sự chờ đợi của người dân.

Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát.

Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở, ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình".

Tại Đài Loan: Tập đoàn Formosa đã gây ra nhiều vi phạm về môi trường khiến cho người dân bức xúc và phản đối việc xả nước gây ô nhiễm. Formosa cũng đã phải chi ra nhiều triệu USD để xử lý các sự cố về môi trường mà tập đoàn này gây ra.

Cụ thể, năm 2010, Cơ quan bảo vệ môi trường đã phạt nhà máy hóa dầu Formosa Plastics tại Nhân Vũ, thành phố Cao Hùng, với số tiền là 150 triệu đài tệ (4,7 triệu USD) do hành vi gây ô nhiễm đất và môi trường.

Năm 2011, Formosa Plastics Corp cũng đã bị phạt 1 triệu đài tệ (34.662 USD) do ô nhiễm vượt mức cho phép tại nhà máy sản xuất VCM ở Mạch Liêu.

Cũng năm 2011, EPA đã phạt tập đoàn Formosa Plastics 2,8 triệu USD, do đã không kiểm soát ô nhiễm nước ngầm.

Năm 2015, người dân ở xã Đài Tây, huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan) đã đâm đơn kiện Formosa, yêu cầu đền bù 70 triệu tân đài tệ (khoảng 2,16 triệu USD), với cáo buộc khu phức hợp sản xuất hóa dầu của tập đoàn này tại xã Mạch Liêu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe.

Tại Campuchia: Vào cuối tháng 11/1998, Formosa đã sử dụng hơn 140 container chứa khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, đưa tới thị trấn ven biển Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, những container độc hại trên bị bỏ lại tại một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo.

Đỉnh điểm là một nhân viên tại cảng Sihanoukville làm công việc dọn dẹp các tàu chở chất thải của Formosa từ Đài Loan đến Campuchia chết.

Trước những cuộc biểu tình của người dân, cuối cùng, Formosa phải thu hồi khoảng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ và xin lỗi người dân Campuchia.

Tại Mỹ: Có mặt ở Mỹ từ năm 1978 tại các bang Delaware, Illinois, Baton Rouge, Louisiana và Texas, Tập đoàn Formosa đã để lại nhiều tai tiếng về việc gây ô nhiễm môi trường, và cũng đã có nhiều vụ vi phạm các quy định về môi trường của nước này dẫn đến việc phải nộp phạt hàng chục triệu USD.

Tại Point Comfort, Texas, Formosa đã bị phạt hai lần với số tiền phạt về môi trường lớn nhất trong lịch sử bang vào năm 1990. Ủy ban về Nước của Texas đã phạt Formosa 247.000 USD cho 17 hành vi vi phạm trong thời gian 3 năm, bao gồm lưu trữ dầu và các chất thải khác không đúng cách, nứt ao giữ nước thải và xả nước thải với nồng độ axit cực kỳ cao vào mặt nước.

Năm 1991, Formosa đã bị EPA phạt mức 3,7 triệu USD, do vi phạm về chất thải nguy hại khi nguồn nước ngầm bên dưới nhà máy của họ bị phát hiện ô nhiễm nghiêm trọng.

Vào năm 2009, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã phạt Formosa Plastics 13 triệu USD đối với nhiều vi phạm của họ tại các nhà máy ở Louisiana và Texas.

Năm 2013, Formosa Plastics cũng đã bị EPA phạt số tiền gần 1,5 triệu USD, do đã không lắp đạt hơn 8.000 thiết bị phát hiện và sửa chữa rò rỉ tại nhà máy nhựa và hóa chất ở Point Comfort.

Tháng 4/2014, theo nhật báo Victoria Advocate của Texas, Formosa đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas phạt 615.000 USD cho 14 vi phạm trong suốt 15 năm qua.

Năm 2014, Formosa Plastics Corp tại Point Comfort đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường của Texas phạt 15.775 USD về việc xả độc tố vào không khí trong năm 2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại