Mở mắt số ca mắc SXH đã tăng
Số ca mắc SXH đang tăng từng ngày, từ đầu năm 2017 đến ngày 10.8, cả nước ghi nhận 80.000 ca mắc SXH, trong đó có 22 ca tử vong.
TPHCM đang là địa phương dẫn đầu về số ca mắc SXH với 14.000 ca. Tại Hà Nội, những tuần gần đây, số ca mắc SXH gia tăng chóng mặt, mỗi tuần trên 2.000 ca mắc mới.
Hiện Hà Nội là địa phương thứ 5 trong cả nước có số ca mắc cao nhất tính theo tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân.
Ngay trong sáng 10.8, lại có thêm một ca tử vong do SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nữ 56 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đó 5 ngày, bệnh nhân phát bệnh và được điều trị tại BV Bưu điện, Hà Nội.
Vào trưa ngày 9.8, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch: Suy đa tạng, chảy máu nhiều, không đo được huyết áp... Đặc biệt, bệnh nhân mắc SXH trên nền bệnh bazedow bướu cổ.
Hiện mới có tỉnh Hà Nam công bố có dịch SXH, trong khi đa phần bệnh nhân của tỉnh Hà Nam đều đi lao động ở Hà Nội trở về. Trong số 114 ca SXH của địa phương, đa số công tác, sinh sống tại Hà Nội.
Hà Nội lý giải vì sao chưa công bố dịch?
SXH là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo quy định của Bộ Y tế, điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm này là khi một xã, phường, thị trấn có số người bệnh vượt quá số ca trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất.
Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi từ 2 xã xuất hiện dịch.
Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi từ 2 huyện có ổ dịch trở lên. Hiện nay trách nhiệm công bố dịch bệnh thuộc về UBND các tỉnh thành.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, 10 năm nay SXH vẫn lưu hành ở Hà Nội.
Năm 2009, Hà Nội có trên 9.000 ca mắc SXH và 4 ca tử vong; năm 2015 có trên 15.000 ca mắc và không có tử vong; các năm còn lại có 6.000-7.000 ca mắc SXH. Năm 2017, Hà Nội có trên 13.000 ca ghi nhận mắc SXH, có 6 ca tử vong.
“Số người mắc SXH nhiều khả năng còn tăng cao. Theo các chuyên gia, đỉnh dịch SXH thường diễn ra vào tháng 9-11. Năm nay, thời tiết thay đổi nên đỉnh dịch đến sớm và khó lường trước” ông Hạnh lo lắng.
Cũng theo ông Hạnh, bệnh SXH lưu hành quanh năm nên Hà Nội luôn chủ động, sẵn sàng trong việc phòng chống SXH. Các ban ngành đã có chỉ thị, chỉ đạo việc phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm.
Lý giải tại sao Hà Nội chưa công bố dịch SXH khi mà toàn thành phố số ca mắc tăng mạnh từng ngày, ông Hạnh cho rằng: Việc công bố dịch nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, công khai tình hình dịch bệnh để nhân dân biết.
Thứ hai, là huy động nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, Hà Nội đã công khai có bệnh SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng với số ca mắc và tử vong.
Ngoài ra, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh SXH. Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP.HN đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc.
Kinh phí cho công tác phòng, chống SXH đã lên tới gần 20 tỷ, các địa phương cũng trích ngân sách cho công tác phòng, chống SXH.
Như vậy, cả 2 yếu tố công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ. Tuy nhiên, do tình hình SXH hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ.
Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch SXH sao cho phù hợp.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết: Hiện nay tất cả địa phương đã thông báo ca bệnh SXH, còn việc công bố là do quyền của UBND các tỉnh nhưng quan trọng là đáp ứng dịch đến đâu.
Một việc quan trọng hơn cả hiện nay mà theo PGS.TS Phu cần làm là tuyên truyền cho người dân diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các vùng nước thải, nước tù, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, đi ngủ mắc màn... là những việc làm cần thiết để đề phòng SXH.
Để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...