Giá bất động sản tăng vọt từ khi cải cách kinh tế
Trước năm 1998, các hộ gia đình ở Trung Quốc thường được chính quyền địa phương cấp phát nhà ở. Thế hệ trưởng thành trong giai đoạn này không phải đối mặt với vấn đề nhà ở vì hầu hết mọi gia đình đều có một căn hộ, hoặc một ngôi nhà với mức giá hợp lý.
Sau đó, tiến trình cải cách kinh tế cho phép các doanh nghiệp và người dân tự do giao dịch bất động sản với nhau và thị trường bất động sản thực sự hình thành, giá nhà đất theo đó thay đổi do nhu cầu xã hội ngày càng tăng dần.
Sự dịch chuyển dân cư từ nông thôn ra thành thị ở Trung Quốc đang diễn ra cực kỳ mạnh mẽ. Điều này có thể tốt cho nền kinh tế, nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho mọi người, đặc biệt là thói quen xem trọng "của hồi môn" của người Trung Quốc.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu người tiêu dùng China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, có đến 30% giao dịch nhà đất ở Trung Quốc do các cặp đôi sắp cưới tiến hành và 90% những người mua nhà lần đầu ở Trung Quốc dùng đến nguồn tiền vay mượn từ gia đình.
Thu nhập của một lao động bình thường tại Trung Quốc thường không đủ để họ mua căn hộ hoặc ngôi nhà. Giá bất động sản tại Trung Quốc đã tăng hơn bốn lần kể từ năm 2000. Theo thống kê của Forbes, một nhân viên văn phòng bình thường phải dành dụm khoảng 35 năm tiền lương trung bình để mua một ngôi nhà/căn hộ trung bình.
Trong danh sách 10 thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới khi so với tiền lương trung bình, thì Trung Quốc có đến 7 thành phố.
Có tiền chưa hẳn mua được nhà?
Vì thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn ổn định và nguồn cung bị chính phủ siết chặt, bên cạnh giá nhà đất cao một cách phi lý, người mua còn đối mặt với khoản trả trước lớn hơn và lãi suất trả góp tăng lên.
Không chỉ gặp khó khăn tài chính, các chính sách hạn chế mua nhà của chính phủ cũng đặt ra nhiều rào cản cho giới trẻ, kể cả khi họ đủ tiền mua nhà. Các thành phố hạng nhất và hạng nhì của Trung Quốc đều có chính sách kiểm soát thị trường nhà ở nhằm hạn chế sự hình thành và đổ vỡ của các bong bóng bất động sản.
Trong một số thời điểm, chúng giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt vì nguồn lực được phân bổ đúng chỗ. Tuy nhiên, đối với người lao động đây có thể là rào cản hạn chế sự di dân của họ từ nơi này sang nơi khác.
Ví dụ, một người lao động quê ở Thành Đô và làm việc ở Thượng Hải không thể mua ngay một ngôi nhà, kể cả khi họ đủ tiền. Họ cần có hồ sơ nộp thuế và thâm niên làm việc tối thiểu 5 năm ở Thượng Hải trước khi được phép mua nhà tại đây. Và điều này dẫn đến việc có đến 14 triệu trên tổng số 25 triệu dân tại siêu đô thị Thượng Hải phải thuê mướn bất động sản.
Năm 2005, giá thuê một căn hộ 2 phòng ngủ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc là khoảng 100 USD (tương đương 800 Nhân dân tệ) mỗi tháng.
Đến tháng 6 năm 2018, giá thuê tăng lên khoảng gần 9 lần, lên mức 7000 Nhân dân tệ cho một căn hộ trung bình, trong khi chi phí trả lãi nếu mua trả góp là 16000 Nhân dân tệ, theo báo cáo của Lang LaSalle Incorporated.
Cũng theo công ty chuyên cho thuê bất động sản này, ở Trung Quốc hiện có hơn 200 triệu người đang cho thuê nhà đất hoặc căn hộ của họ.
Vì thế, ngày càng nhiều người trẻ chọn cách mua một "mái ấm" ở quê và thuê một căn hộ, hay ngôi nhà tại thành phố họ đang sinh sống.
Theo khảo sát gần đây của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc, có khoảng 400 triệu người thuộc thế hệ Y (chỉ những người sinh ra trong thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) đang tham gia thị trường lao động và họ chiếm 43% số người di cư đến các đô thị.
Cũng theo thống kê này, độ tuổi trung bình để một cặp vợ chồng kết hôn và sinh con vào năm 1991 lần lượt là 23,7 và 24,2. Năm 2018, độ tuổi trung bình để kết hôn là 27,8 tuổi và độ tuổi trung bình để có con là gần 30.
Theo JLL, chi phí cho đời sống hôn nhân gia tăng so với thế hệ trước khiến họ trì hoãn kết hôn và có con. Kết hợp với giá nhà đất không ngừng gia tăng, họ sẽ phải tích lũy nhiều hơn trong thời gian dài nếu muốn mua nhà. Vì vậy ngày càng nhiều gia đình chọn thuê mướn một căn hộ hoặc một ngôi nhà để xây dựng tổ ấm.
Các ứng dụng đặt phòng căn hộ cũng xuất hiện và thu hút lượng lớn đầu tư. Điển hình là Ziroom - ứng dụng tương tự Airbnb tại Trung Quốc ra đời năm 2011
Từ thực tế đến chuyển động của các "ông lớn"
Thị trường cho thuê nhà và căn hộ của Trung Quốc ước tính có giá trị 140 tỷ USD trong năm 2019 và có thể tăng lên đến 588 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên hiện giá trị của mảng cho thuê nhà và căn hộ tại Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% tổng giao dịch thị trường bất động sản.
Các công ty tư nhân và giới khởi nghiệp đã bắt nhịp với sự thay đổi trong ngành bất động sản này. Ba gã khổng lồ công nghệ là Alibaba, Tencent và JD.com đang đầu tư lớn vào lĩnh vực cho thuê, cũng như các tập đoàn phát triển bất động sản lớn như Country Garden, Vanke và Đại Liên Wanda đang triển khai những dự án lớn của họ.
Các ứng dụng đặt phòng căn hộ cũng xuất hiện và thu hút lượng lớn đầu tư. Điển hình là Ziroom - ứng dụng tương tự Airbnb tại Trung Quốc ra đời năm 2011 đang làm mưa làm gió trên thị trường cho thuê nhà ở và căn hộ dài hạn.
Với thành tích của mình, tháng Giêng năm 2018, Ziroom nhận được nguồn đầu tư 621 triệu USD từ Tencent, Warburg Pincus, Sequoia Capital và Sunac và hiện được đính giá hơn 3 tỷ USD.
Chính phủ Trung Quốc đang nhận thức được tiềm năng kinh tế và sự cần thiết của thị trường cho thuê bất động sản và đưa ra một số chính sách hỗ trợ người dân thuê nhà và căn hộ, ví dụ giảm thuế cho người thuê và người cho thuê, cấp giấy cư trú cho người thuê nhà, dành nhiều diện tích xây dựng hơn trong các đề án xây dựng nhà ở mới để cho thuê…
Với những hỗ trợ ngắn hạn này, có lẽ thị trường cho thuê nhà sẽ đóng góp một khởi sắc mới cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của quốc gia 1,3 tỷ dân.