Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong tháng 9 và đầu tháng 10/2018, nhưng sau đó giảm nhanh, mất hơn 20 USD/thùng chủ trong vài tuần qua. Giá dầu vừa trải qua chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp, trong đó phiên 13/11/2018 giảm mạnh tới 7% chỉ trong một ngày.
Giá hiện tại (dầu Brent khoảng 66 USD/thùng trong khi dầu ngọt nhẹ (WTI) khoảng 56 USD/thùng) đang ngang bằng đúng một năm trước. Cách đây 4 năm, giá dầu còn trên 100 USD/thùng, và hơn 3 năm nước chỉ 27 USD/thùng.
Giá xăng tại Singapore cũng giảm mạnh trong mấy tuần qua. Từ trên 19 USD/thùng ngày 5/9/2018, mức cộng giá xăng (hợp đồng tham chiếu) tại Singapore (so với hợp đồng dầu Brent tham chiếu tại London) đã giảm xuống chỉ còn 10,69 USD/thùng hiện tại. So với thời điểm đầu tháng 5/2018, mức cộng này cũng đã giảm trên 17%.
Tổng hợp các dự báo về kinh tế thế giới cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong các năm 2019 và 2020. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2019 xuống 1,29 triệu thùng/ngày (thấp hơn 70.000 thùng/ngày so với dự đoán cách đây một tháng), trong khi cho biết sản lượng của khối tăng khoảng 127.000 thùng/ngày lên 32,9 triệu thùng/ngày; sản lượng của Mỹ cũng tăng lên mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.
Nguyên nhân liệu có phải OPEC không có khả năng giảm nguồn cung? Suy nghĩ này đã lỗi thời vì "sức mạnh" của OPEC ngày nay chỉ bằng một phần của những năm 1970.
Giá dầu thể hiện cán cân giữa cung và cầu. Điều đó luôn đúng, nhưng không nhất thiết là cung và cầu của ngày hôm nay. Các nhà kinh doanh dầu mỏ có thể giữ hàng đã mua trong các bể lưu trữ nếu họ tin rằng giá sẽ tăng trong vài tháng tới, bởi các nhà sản xuất dầu mỏ không thể một lúc bơm lượng dầu bất kỳ mà họ muốn. Và cũng chính các thương nhân cũng như nhà sản xuất dầu có thể cố gắng bán hết hàng ra nếu dự báo giá giảm. Theo chuyên gia Bill Conerly của Forbes, đây mới là lý do khiến giá dầu giảm vào lúc này. Các nhà kinh doanh dầu mỏ đang hoạt động dựa trên dự đoán về cung – cầu mặt hàng này trong tương lai, nhất là về nhu cầu.
Hiện sản lượng khai thác từ các giếng dầu đang khá ổn định. Hầu hết các nhà sản xuất đang khai thác ở mức công suất cao, và sản lượng do đó có thể biến động tăng hoặc giảm, nhưng chỉ trong biên độ hẹp.
Trong khi đó, giá dầu tăng kéo dài trong nhiều tháng qua (cho tới đầu tháng 10/2018) đã khiến các nhà sản xuất dầu tăng đầu tư cho hoạt động thăm dò và phát triển các giếng dầu mới, tuy nhiên cũng phải mất khoảng một thập kỷ (khoảng thời gian có sự biến động, tuy nhiên, thường thì phải mất khoảng 10 năm để đưa một sản phẩm mới lên sàn giao dịch trực tuyến).
Mặc dù triển vọng nhu cầu trong tương lai sẽ vẫn duy trì ở mức cao, song kinh tế thế giới biến động thường xuyên có thể khiến nhu cầu trong thập kỷ tới tăng hoặc giảm 3%. Và ngày càng thấy rõ hơn nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái khiến nhu cầu dầu sụt giảm.
Cả người mua và người bán dầu ở thời điểm hiện tại đều đang cố đoán những gì sẽ xảy ra trong thập kỷ tới, tập trung dự đoán cung và cầu dầu trong tương lai. Một sai số nhỏ trong dự đoán về tương lai có thể dẫn tới những biến động lớn trong cán cân cung – cầu ở thời điểm tương lai đó, và điều ấy sẽ thể hiện ở những biến động lớn về giá.
Tác động từ yếu tố cung – cầu đối với giá trên thị trường dầu mỏ thường mạnh mẽ và kéo dài hơn so với các mặt hàng khác. Chẳng hạn với mặt hàng bông, khi giá bông tăng sẽ dẫn tới trồng bông tăng, và nguồn cung bông sẽ tăng khoảng 1 năm sau đó. Nhưng giá bông cao sẽ cản trở việc tiêu thụ bông vì các nhà sản xuất sẽ chuyển sang sử dụng sợi tổng hợp để kiểm soát giá thành, do đó cung và cầu bông sẽ có sự điều chỉnh trở lại một cách nhanh chóng.
Còn đối với dầu mỏ, nguồn cung tăng có nghĩa là lượng sử dụng từ kho dự trữ sẽ rất ít, mà hoạt động thăm dò mạnh trong thời gian qua sẽ dẫn tới nguồn cung tăng kéo dài trong cả thập kỷ tới. Trong khi đó về nhu cầu, giá tăng sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng giảm bớt sử dụng xăng trong chạy xe ô tô, nhưng điều đó diễn ra chậm. Giá xăng cao có thể dẫn tới việc người tiêu dùng chuyển hướng từ sử dụng xe bán tải cũng như các loại xe phân khối lớn sang những xe nhỏ hơn, và điều đó cũng sẽ diễn ra rất chậm, có thể phải mất hàng thập kỷ. Sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện, chạy tàu hay xe tải lớn cũng sẽ không dễ dàng có thể thay đổi nhanh chóng.
Tóm lại, thị trường dầu mỏ thường chịu tác động chậm hơn từ các biến đổi cung – cầu. Do đó, chỉ khi giá dầu tăng hoặc giảm rất mạnh mới có thể làm thay đổi sự mất cân bằng trong cán cân cung – cầu ngắn hạn. Đó là lý do giải thích tại sao giá dầu luôn dao động.
Tại Việt Nam, biên độ dao động giá xăng dầu từ tháng 5/2018 tới nay vào khoảng 1.500 đồng/lít, thấp hơn nhiều so với mức độ dao động giá xăng dầu thế giới. Trong đó thời điểm giá cao nhất rơi vào nửa đầu tháng 10/2018 (trùng thời điểm giá dầu WTI và Brent cao đỉnh điểm của năm nay) nhưng chậm hơn khoảng 1 tháng so với thị trường Singapore. Hiện tại, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do liên Bộ Tài chính và Công Thương đưa ra, các mặt hàng xăng E5 RON92 và Ron95-III tương đương mức giá đầu tháng 5/2018, nhưng giá diezen, dầu hỏa và dầu madút đều vẫn cao hơn trên 1.000 đồng/lít so với cách đây 6 tháng. Tổng thể, giá xăng dầu Việt Nam giảm chậm hơn rất nhiều so với giá quốc tế.
Chắc chắn trong tương lai, dự báo về giá dầu của các nhà kinh doanh sẽ vẫn mang tính chu kỳ, hết tăng rồi đến giảm, và đó sẽ là yếu tố chính quyết định giá mặt hàng dầu. Nhưng vào lúc này, các nhà phân tích đang tỏ ra bi quan, có thể bởi những căng thẳng thương mại, biến động chính trị ở châu Âu và Mỹ cũng như sự thiếu chắc chắn về Trung Quốc. Trong vài tháng tới, giá dầu dự báo sẽ còn tiếp tục biến động mạnh.