Rạng sáng 6/2, một trận động đất 7,8 độ richter đã xảy ra tại khu vục giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tiếp đó, khoảng 9 giờ sau, một trận động đất khác mạnh 7,6 độ richter lại tiếp tục xảy ra ở khu vực này.
Theo The Guardian, tính đến cuối ngày 9/2, số người chết vì động đất ở Thỗ Nhĩ Kỳ đã lên tới ít nhất 17.674. Trong khi đó, tại Syria, số người thiệt mạng cũng ít nhất 3.377. Tổng số người chết sau thảm họa động đất kép tại hai quốc gia này lên tới hơn 21.000 người.
Theo các chuyên gia ước tính, con số thương vong có thể sẽ tăng tiếp trong những ngày tới. Hiện đội cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm nhưng người sống sót trong các đống đổ nát.
Bé trai 8 tuổi được giải cứu sau 52 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát trong trận động đất 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2. Ảnh: Getty Images
Nguyên nhân động đất khó dự đoán
Nhà địa chất động đất Wendy Bohon tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, cho biết: "Nếu có thể báo cho mọi người biết được chính xác khi nào có một trận động đất sắp xảy ra, chúng tôi có thể thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Trái đất là một hệ thống rất phức tạp".
Trên thực tế, một phần thách thức là bản chất của động đất khiến chúng trở thành sự kiện không thể dự đoán trước. Bởi khi một trận động đất xảy ra, nó diễn ra rất nhanh chóng.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong một toà nhà bị sập ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. Ảnh: AP
Giáo sư địa chất học Ben van der Pluijm tại ĐH Michigan cho biết: "Một trận động đất không phải là đoàn tàu chuyển động chậm và tăng dần tốc độ. Đó là một sự kiện đột ngột và gấp gáp".
Ngoài ra, động đất cũng là hiện tượng có xu hướng xảy ra mà rất ít hoặc hầu như không có dấu hiệu cảnh báo trước. Mặc dù các nhà khoa học đã tìm hiểu về những điềm báo trước, từ sự thay đổi âm thanh gần mặt đất cho tới sự gia tăng hoạt động địa chấn trong khu vực, hành vi của động vật, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể xác định chính xác bất kỳ tín hiệu nào cho thấy trận động đất sắp xảy ra.
Rõ ràng việc thiếu mô hình khiến cho các nhà nghiên cứu rất khó có thể đưa ra dự báo đáng tin cậy như bản tin thời tiết.
Mặt khác, những quá trình thúc đẩy, tạo cơ sở cho các trận động đất như sự va chạm của các mảng kiến tạo và năng lượng tích tụ trong quá trình, cũng có xu hướng diễn ra trong thời gian dài. Chẳng hạn, các nhà khoa học có thể suy đoán một trận động đất nhiều khả năng sẽ xảy ra tại một khu vực trong khoảng 200 năm tới.
Đây là mốc cụ thể theo thang thời gian địa chất, nhưng đó lại không phải theo thang thời gian của con người.
Giáo sư Van der Pluijm chia sẻ: "Chúng tôi có thể dự đoán động đất sẽ xảy ra ở đâu, thậm chí là quy mô của động đất lớn trong vùng. Nhưng điều này lại không giúp chúng tôi thu hẹp mốc cụ thể theo thang thời gian của con người".
Thực tế Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cũng không thể dự đoán được động đất lớn. Thế nhưng, các chuyên gia cho biết vẫn có nhiều phương pháp chuẩn bị. Bởi USGS đã phát triển một hệ thống cảnh báo sớm, có tên là ShakeAlert, để giúp phát hiện bất kỳ trận động đất nào lớn xảy ra tại California, Oregon và Washington. Sau đó, các chuyên gia sẽ đưa ra các cảnh báo ở trên sóng vô tuyến, truyền hình và thiết bị di động.
Giáo sư Van der Pluijm nhấn mạnh rằng, trong hầu hết các trường hợp, các hệ thống chỉ đưa ra cảnh báo trong vài giây. Tuy nhiên, đây lại có thể là thời gian cực kỳ quý giá.
"20 giây nghe có vẻ rất ngắn, nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để bạn tìm một chỗ trú ẩn dưới bàn. Dù không phải là dự đoán trước nhưng ShakeAlert là một bước tiến khổng lồ bởi nó có thể giúp giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi", vị chuyên gia này cho biết thêm.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, một trong những cách quan trọng nhất để chuẩn bị ứng phó với động đất là chú ý tới các rủi ro. Đối với các nhà hoạch định chính sách, điều này có nghĩa là cần phải đảm bảo rằng bảo vệ được cơ sở hạ tầng thiết yếu tại những khu vực dễ xảy ra động đất.
Bài viết tham khảo nguồn: Theguardian, NBCnews, Yahoo