Phương án chạy đoàn tàu bọc thép trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có nhiều hạn chế so với đi xe trên quốc lộ 1A.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vượt quãng đường khoảng 4.500 km để tới Việt Nam, phần lớn hành trình trên lãnh thổ Trung Quốc.
Được biết Ga Đồng Đăng sẽ là điểm đến cuối cùng của đoàn tàu bọc thép này.
Đoàn nghi lễ sẵn sàng tại sân ga Đồng Đăng để đón tiếp chủ tịch Kim Jong-un.
Ông Kim Chang-son, đứng đầu ban thư ký Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên phối hợp với lực lượng chức năng của Việt Nam.
Lực lượng an ninh Triều Tiên làm nhiệm vụ tại nhà ga Đồng Đăng.
An ninh được thắt chặt trên tuyến quốc lộ từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) là tuyến duy nhất ở Việt Nam có khổ lồng ba đường ray 1.000 mm và 1.435 mm, tương thích với khổ đường tàu 1.435 mm của Trung Quốc, Triều Tiên.
Mỗi ngày trên tuyến có một đoàn tàu liên vận quốc tế chạy đến Nam Ninh (Trung Quốc).
Tuy nhiên, đoàn tàu đặc biệt chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhiều khả năng không đi thẳng đến ga Gia Lâm mà dừng lại tại ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 4 km.
Xuống tàu, phái đoàn Triều Tiên phải đi ôtô đến Hà Nội. Hình ảnh xe thiết giáp của Việt Nam bảo vệ tuyến đường tại Hà Nội.
Một lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt cho biết, phía Triều Tiên đã làm việc, tìm hiểu về tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.
Tuyến đường sắt này hiện đảm bảo tốc độ chạy tàu trung bình 59 km/h, một số khu đoạn chỉ đạt dưới 50 km/h do nền đường yếu, cầu yếu.
Trong khi đó, tốc độ trung bình của tàu Triều Tiên là 60 km/h. Nếu đi tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, tàu chở ông Kim Jong Un cần điều chỉnh tốc độ theo hạ tầng đường sắt, nghĩa là chạy dưới 50 km/h.
Đoàn tàu sẽ phải mất hơn 3 giờ cho quãng đường 167 km từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm.
Đánh giá về tải trọng đầu máy của tàu Triều Tiên, đại diện ngành đường sắt cho biết, các cầu và đường sắt trên tuyến đảm bảo chạy tàu hàng với tải trọng đến 100 tấn/toa, tàu Triều Tiên trung bình 50 tấn/toa nên có thể đáp ứng.
"Theo tính toán, hạ tầng đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội có thể chạy tàu Triều Tiên, song cần giảm tốc độ tại một số khu đoạn", vị đại diện nói.
Dọc tuyến đường sắt từ Đồng Đăng về Hà Nội qua nhiều khu vực rừng núi heo hút, không thuận lợi để bố trí các phương án đảm bảo an ninh.
Mặt khác, hạ tầng ga Gia Lâm được đánh giá không thuận tiện cho nhiều người, phương tiện dừng chân.
Đường vào ga chật chội, khó đáp ứng công tác lễ nghi, đón tiễn.
Phương án đoàn Triều Tiên đi đường bộ theo quốc lộ 1A có nhiều lợi thế hơn.
Những ngày qua, lực lượng chức năng các địa phương gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đã lên phương án bảo vệ, rà bom mìn dọc tuyến để chuẩn bị đón phái đoàn Triều Tiên.
Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Đồng Đăng, nhất là đoạn từ Bắc Giang - Lạng Sơn dài 105 km mới được cải tạo, mở rộng thành 4 làn xe rộng 15 m và 2 làn khẩn cấp 6 m.
Vận tốc thiết kế trên tuyến đạt 80 km/h, mặt đường êm thuận. Các xe ưu tiên có thể chạy tốc độ đến 120 km/h.
"Với tốc độ của xe ưu tiên, quãng đường bộ khoảng 160 km từ ga Đồng Đăng về Hà Nội chỉ mất 1,5 giờ", một chuyên gia giao thông phân tích.
Ngoài lợi thế về tốc độ xe theo đường bộ, chuyên gia này cho rằng đi đường bộ có nhiều lợi thế về an ninh, an toàn hơn đường sắt vì có nhiều đường ngang, đường tránh, khác với đường sắt là độc đạo. Khi xảy ra sự cố trên đường bộ thì việc ứng cứu sẽ nhanh chóng và an toàn hơn đường sắt. Đó là lý do đoàn tàu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ dừng ở Đồng Đăng, Lạng Sơn
Tuy nhiên, nếu đoàn xe đi trên quốc lộ 1A sẽ gặp khó khăn khi cùng di chuyển với phương tiện khác. Để hạn chế việc này, Tổng cục Đường bộ đã thông báo phân luồng, cấm toàn bộ phương tiện và người đi trên quốc lộ 1A sáng 26/2. Công an Hà Nội cũng đã có phương án phân luồng, cấm phương tiện và người đi đường trong thời gian đoàn xe Triều Tiên di chuyển.
Xem bài gốc Tại Đây