Konon Trofimovich Molody đã tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo khi sở hữu nhiều biệt thự sang trọng, khối tài sản vài triệu bảng Anh và ông đã trở thành người giàu nhất Vương quốc Anh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nhiều người đến giờ vẫn chưa biết được vì sao một điệp viên Liên Xô như Konon Molody lại được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ.
Điệp viên Konon Trofimovich Molody.
Tạo vỏ bọc
Năm 1954, Konon Molody đến Anh dưới tên Gordon Lonsdale, quốc tịch Canada. Vào thời điểm đó, Konon Molody, 32 tuổi, là sĩ quan tình báo Liên Xô, đã tham gia trong Thế chiến II, đeo quân hàm trung uý. Konon Molody học khoa luật ở Moskva, đã trải qua khóa huấn luyện đặc biệt tại trường tình báo Nga.
Konon Molody hòa nhập nhanh chóng khi tham gia học cùng với các sinh viên khác tại Đại học London. Điều đó có được là nhờ 6 năm ông sống ở Mỹ. Năm lên 10 tuổi, cha Konon Molody qua đời, ông được một người cô ở San Francisco nhận về nuôi và sống ở đó trong một thời gian. Konon Molody trở lại Liên Xô vào năm 1938 với khả năng tiếng Anh xuất sắc, sau này ông còn sử dụng thành thạo tiếng Đức, Pháp. Trước đó, Konon Molody từng học tiếng Trung Quốc ở trường đại học.
“Konon Molody không có điểm đặc biệt. Mọi thứ về anh ta đều ở mức trung bình, có thể nói như vậy: chiều cao, vóc dáng, cân nặng, mũi, mắt… Ngoại hình của anh ta không có bất kỳ đặc điểm khác biệt, Konon Molody có thể được coi là người Anh hay người Scandinavi, cũng như người Đức, người Slav hay thậm chí là người Pháp” , nhà báo Leonid Kolosov mô tả về Konon Molody.
Nhiệm vụ của Konon Molody hòa đồng với mọi người, tìm cách thâm nhập vào giới quân sự Anh để thu thập thông tin về việc phát triển vũ khí sinh học ở Anh và tình hình hải quân Anh. Konon Molody mang mật danh 'Ben', duy trì liên lạc với 'Center' (cấp trên của Konon Molody ở Moskva) thông qua các đặc vụ " bất hợp pháp" Morris và Lona Cohen - dưới vỏ bọc 2 vợ chồng, chuyên bán sách cổ.
Chủ tịch KGB Liên Xô V.E.Semichastny (thứ nhất từ trái sang) tiếp các nhà tình báo Liên Xô R. Abel (thứ hai từ trái sang) và Konon Trofimovich Molody (thứ hai từ phải sang).
Điệp viên triệu phú
Để có thể ở lại Vương quốc Anh sau khi tốt nghiệp đại học, Konon Molody dưới vỏ bọc sinh viên “người Canada” quyết định kinh doanh và mua một số máy bán hàng tự động. “Máy bán hàng tự động của tôi bán sổ ghi chép, nước, rượu, bút dạ, bánh mì - bất cứ thứ gì phù hợp với cái bụng phàm ăn của họ”, Konon Molody nhớ lại.
Ban đầu, việc kinh doanh thua lỗ, KGB phải liên tục bơm tiền, bù đắp những tổn thất của doanh nhân Konon Molody. Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ đã được cải thiện. Konon Molody thậm chí còn trở thành đồng sở hữu của chính công ty mà ông đã mua máy bán hàng tự động từ đó.
Năm 1959 trở thành bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp của điệp viên Liên Xô. Một nhân viên trong công ty yêu cầu Konon Molody đánh giá phát minh thiết bị báo động ô tô có khóa. Konon Molody lập tức đi tìm được các nhà đầu tư và bắt tay vào sản xuất.
Đến năm 1960, thiết bị này đã giành được Huy chương Vàng tại cuộc triễn lãm quốc tế ở Brussels. Sự kiện thu hút sự chú ý của các nhà chức trách Vương quốc Anh. Nữ hoàng Elizabeth II ấn tượng trước thành công của doanh nhân người Canada và bà đã phong cho anh tước hiệu Hiệp sĩ.
Từ đây, Konon Molody trở nên giàu có, sở hữu bốn công ty bán máy móc tự động và tám chiếc ô tô các hãng khác nhau, đồng thời anh ta cũng sở hữu một biệt thự ở ngoại ô London cùng một số phòng trong những khách sạn tốt nhất của thành phố.
“Chiếc mặt nạ triệu phú dường như cho tôi quyền sống một cuộc sống xa hoa, nhưng tôi thực hiện quyền này một cách kín đáo và có chừng mực… Sự điềm tĩnh, kiên định và tự chủ là những tố chất mà các điệp viên phải có", Konon Molody cho hay.
Bị vạch trần
Tuy nhiên, sự giàu có từ " trên trời rơi xuống" không ngăn cản được chàng điệp viên Konon Molody thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của mình. Thông qua các nhân viên dân sự được tuyển dụng làm việc cho căn cứ Hải quân Hoàng gia Anh ở Portland - địa điểm của Cơ sở Vũ khí dưới nước bí mật của lực lược Hải quân Hoàng gia Anh, Konon Molody thu được thông tin cực kỳ quan trọng cho Liên Xô.
Tổng cộng, Harry Frederick Houghton và tình nhân của ông - Ethel Gee, đã cung cấp cho Konon Molody hơn 17.000 trang tài liệu bí mật, cung cấp một bức tranh đầy đủ về tình hình của lực lượng hải quân Anh. Ở Liên Xô, dữ liệu Konon Molody thu được đã được gửi đến các viện và phòng thiết kế hải quân Liên Xô để nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế.
Sĩ quan tình báo Konon Trofimovich Molody dù giàu có nhưng vẫn không quên nhiệm vụ.
Cuối năm 1960, Konon lọt vào tầm ngắm của lực lượng phản gián Anh. Bằng cách ngụy trang thành vụ trộm, một cuộc khám xét bí mật đã được lực lượng này thực hiện tại nhà Konon Molody. Ngày 7/1/1961, Konon bị bắt khi đang gặp những người cung cấp thông tin cho mình. Ngay sau đó, người chắp nối liên lạc của Konon cũng bị bắt.
Sau khi bị bắt, Konon Molody bị kết án 25 năm tù giam. Tuy nhiên, Konon Molody chỉ ở tù 3 năm tại nhà tù Anh. Vào tháng 4/1964, Konon được trao đổi với một điệp viên người Anh Greville Wynn - người đã bị KGB bắt giữ.
Vào tháng 4/1964, Konon Molody trở lại Moskva. Tại đây, vợ con đang đợi Konon Molody. Trong thời gian hoạt động, điệp viên này chỉ đến thăm gia đình vài lần trong năm trong các chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Gia đình Konon Molody tin rằng ông làm việc tại phái bộ thương mại ở Trung Quốc. Sau này họ mới biết sự thật.
Không lâu sau, Konon Molody được thăng quân hàm đại tá và được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ, tiếp tục hoạt động tình báo nhưng chuyển từ hoạt động tác chiến sang giảng dạy, đào tạo những điệp viên mới.
Konon Molody không ngừng mơ ước được được trở lại hoạt động tình báo và thậm chí còn muốn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cho mục đích này. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không kịp thực hiện khi Konon Molody qua đời vào ngày 11/10/1970, ở tuổi 48, sau cơn đau tim.