Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia làm 4 nhóm chính, gồm: Tiếp cận thị trường (Tiếp cận thị trường trong nước, Tiếp cận thị trường nước ngoài), Quản lý biên giới (Hiệu quả và minh bạch trong quản lý biên giới), Cơ sở hạ tầng (chất lượng hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ vận chuyển, sử dụng công nghệ thông tin), và yếu tố về môi trường kinh doanh.
Trong bốn nhóm yếu tố này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở tiếp cận thị trường với 4,5 điểm, xếp thứ 74.
Một số tiêu chí nhỏ cũng có sự cải thiện như sử dụng công nghệ thông tin (hạng 66), chất lượng dịch vụ vận chuyển (hạng 60), chất lượng hạ tầng giao thông (hạng 64) và môi trường hoạt động (hạng 77).
Việt Nam đã tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Theo WEF, Việt Nam cải thiện mạnh mẽ vị trí trong bảng xếp hạng lần này phần lớn là do những tiến triển trong hiệu quả quản lý biên giới và quản lý thuế, hải quan.
So sánh với các quốc gia láng giềng khác, Việt Nam yêu cầu nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn cho hàng hóa xuất nhập khẩu và điều này đã có những tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh trong hoạt động thương mại.
Việc làm đơn giản hóa quá trình nhập cảnh ở cửa khẩu biên giới đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại.
Những thay đổi đó đã phản ánh nỗ lực gần đây của Chính phủ nhằm sắp xếp hợp lý hơn tiến trình nhập cảnh hàng hóa ở cửa khẩu và giảm gánh nặng giám định hàng hóa của các cơ quan có thẩm quyền.
Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ trong việc tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước cho hàng hóa nhập khẩu, tăng thị phần hàng hóa nhập khẩu miễn thuế (71% từ 55% của 2 năm trước).
Điều này là một tín hiệu đáng mừng và nó tạo nhiều điều kiện thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam khi càng ngày càng có nhiều công ty nước ngoài tiến hành các hoạt động thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài không ngừng được tiến triển, nhờ vào mức thuế hải quan trung bình thấp (3,3% giảm từ 3,8%) và gia tăng ưu đãi của quốc gia khác trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Sự tiến bộ rõ rệt được nhận thấy trong bản báo cáo lần này là hoạt động kết nối hàng hải quốc tế của Việt Nam được xếp thứ 19, tăng 9 bậc.
Cũng trong các năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam không ngừng được nâng cao, tạo thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa. Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ.
Với sự tham gia tích cực trong các diễn đàn kinh tế khu vực cũng như các hiệp định thương mại tự do cùng với sự bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu, cũng như gia tăng hiệu quả của các dịch vụ công, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường hoạt động cho doanh nghiệp.