Vì sao điểm thi môn Lịch sử vẫn thấp?

Mỹ Dung |

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019, Lịch sử tiếp tục là môn có điểm số thấp với hơn 70% bài thi dưới điểm trung bình.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc điểm thi Lịch sử thấp kéo dài thời gian qua là tổng hợp các nguyên do từ chương trình quá tải, nhàm chán đến hướng ra ngành nghề mờ mịt khiến học sinh chẳng mấy mặn mà.

Mặc dù không phải là năm đầu tiên phổ điểm Lịch sử nằm vào top thấp nhất các bài thi Trung học phổ thông Quốc gia nhưng khi nhìn vào số liệu thống kê của Bộ Giáo dục– Đào tạo, thầy Lê Trúc Hưng, giáo viên bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh vẫn không khỏi ngậm ngùi.

Thầy Hưng cho biết dù đã rất nỗ lực trong việc truyền đạt kiến thức, tổ chức ôn tập cho học sinh, nhưng kết quả thi môn này ngày một đi xuống: “Nhìn phổ điểm như vậy thấy cũng buồn. Nói chung là người giáo viên như tôi cảm thấy hụt hẫng với bộ môn của mình.

Cảm thấy môn của mình học sinh không coi trọng cho lắm mặc dù Lịch sử là một môn rất hay.”

Theo cô Bùi My Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định ở quận Bình Thạnh, người có nhiều năm liền giảng dạy bộ môn Lịch sử, việc điểm thi môn Lịch sử thấp có nhiều lý do.

Thế nhưng phải nói đến áp lực mà giáo viên và học sinh khi tham gia học tập, thi cử môn này chịu đựng suốt nhiều năm qua. Chỉ cần làm phép so sánh nhỏ trong Bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội năm nay đã đủ để thấy độ chênh lệch giữa Lịch sử với các môn khác.

Điển hình như môn Địa lý, bên cạnh việc được sử dụng Atlat để có điểm, thí sinh chỉ ôn tập khoảng 10 bài là đủ thi.

Trong khi đó, nội dung ôn tập môn Lịch sử rất nhiều và nặng. Riêng chương trình lớp 12, sau khi giảm tải còn 25 bài, cộng thêm kiến thức Lịch sử Việt Nam và 1 phần Lịch sử thế giới trong chương trình lớp 11 vẫn rất nặng.

Việc thiết kế chương trình giảng dạy với số tiết khiêm tốn như hiện nay cũng khiến học sinh sợ môn Lịch sử.

Cô Bùi My Thúy lý giải: “Chương trình nhiều và đòi hỏi kiến thức như vậy thì việc giáo viên bộ môn truyền tải nội dung chính khóa cho học sinh đã rất vất vả.

Điều này cũng giảm bớt sự hứng thú của bộ môn Lịch sử. Học sinh khi học Lịch sử mà không thích lắm thì không thể nào tạo ra động lực học tập thôi thúc đạt điểm cao”.

Một nguyên nhân khác cũng được nhiều giáo viên đề cập là các ngành nghề liên quan đến môn Lịch sử tại các trường đại học vẫn còn hạn chế.

Thực tế là, học Sử khổ, ra trường lại khó kiếm việc làm nên chẳng mấy học sinh chọn theo Lịch sử trong bối cảnh có quá nhiều môn học như hiện nay.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, chỉ khi vấn đề được giải quyết từ gốc, khi chương trình được thay đổi phù hợp, tạo được hứng thú cho người học thì lúc đó mới mong điểm thi cải thiện. Còn hiện nay, nhiều học sinh chỉ thi Lịch sử để xét tốt nghiệp thì rất khó mong các em đầu tư đến nơi đến chốn.

Cô Quyên phân tích: “Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc trên toàn quốc và yêu cầu thí sinh phải đạt ít nhất 5 điểm chẳng hạn thì các em phải lo học thôi.

Bây giờ môn Lịch sử nằm trong tổ hợp mà các em chọn thi xét tốt nghiệp làm sao không bị điểm liệt cho qua thì nhiều em sẽ chỉ học mang tính đối phó. Điều thứ hai cần nói đến là chương trình thi.

Nội dung Lịch sử lớp 12 rồi thêm năm 11 nữa thì thực sự mà nói lượng kiến thức làm trong bài thi Lịch sử 50 phút với hình thức trắc nghiệm là quá nhiều với học sinh”.

Để lấy lại vị thế của bộ môn Lịch sử, nhiều giáo viên cho rằng trong chương trình phổ thông mới, Bộ Giáo dục –Đào tạo cần có sự quan tâm nhiều hơn.

Không chỉ thay đổi kết cấu chương trình giảng dạy theo hướng tăng thực hành, trải nghiệm mà cần có hướng phát triển rõ ràng hơn với những học sinh yêu thích và chọn môn học này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại