Chiều 18-10, tại cuộc họp báo thông tin về nội dung kỳ họp 8 , Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi.
Cho ĐBQH nghỉ đúng quy trình
Báo chí đặt vấn đề nhiệm kỳ này của Quốc hội có nhiều ĐBQH bị kỷ luật về Đảng, sau đó UB TVQH vẫn phê duyệt cho các đại biểu này thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khoẻ, khiến cử tri không thấy thuyết phục, đồng tình?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời, trong nhiệm kỳ vừa qua Quốc hội có xem xét cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khoẻ đối với 3 trường hợp là ông Võ Kim Cự (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh), bà Phan Thị Mỹ Thanh và ông Hồ Văn Năm (thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).
“Cả 3 đại biểu này đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Sau đó qua quá trình họ suy nghĩ, thấy bản thân không đảm bảo sức khoẻ nên có đơn xin thôi làm nhiệm vụ. Họ có đơn xin thôi thì Quốc hội chấp thuận. Cái đó thực hiện đúng quy định và luật pháp thôi” – ông Phúc nói.
Liên quan đến việc bao giờ cử tri được quyền bỏ phiếu trực tiếp bãi miễn các ĐBQH không đủ tư cách, Tổng Thư ký Quốc hội trả lời: “Quyền này đã được Hiến pháp quy định, nhưng chưa có quy trình cụ thể để thực hiện.
Vừa qua Quốc hội cũng đề nghị các ĐBQH nghiên cứu, xem xét để quy định về quy trình này”.
Miễn nhiệm bà Kim Tiến vì tới tuổi
Cũng tại buổi họp báo, ông Phúc cho hay tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế là vì bà đến tuổi nghỉ hưu (tính theo năm hành chính).
Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển sang công tác làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
"Còn việc ai thay thì phải trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ thì Quốc hội mới xem xét, phê chuẩn" - Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 25-11, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận, phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kỳ họp 8, Quốc hội kháo XIV dự kiến khai mạc vào ngày 21-10 và bế mạc vào ngày 27-11, trong đó sẽ dành 17 ngày (60% thời gian kỳ họp) để làm luật và 11 ngày để xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước (trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn). Ngoài các báo cáo thường kỳ, kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; đề án đầu tư cho vùng miền núi, điều kiện khó khăn; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015… Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Quốc hội sẽ dành thời gian ba ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét, quyết định công tác nhân sự; Xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp. |