Theo Hồi ký về Đặng Tiểu Bình - nhà xuất bản Văn hiến trung ương phát hành năm 2009, do những biến cố lịch sử nên quá trình bồi dưỡng người kế nhiệm, chuyển giao quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Đặng Tiểu Bình kể lại: "Năm 1975 tôi đã nghĩ đến vấn đề này, thời điểm đố, Chủ tịch Mao yêu cầu tôi chủ trì các hoạt động trung ương nhưng Vương Hồng Văn - thuộc nhóm Giang Thanh - đã chạy tới Thượng Hải nói khích rằng, đợi 10 năm sau rồi xem.
Khi đó, tôi đã thảo luận với đồng chí Lý Tiên Niệm về vấn đề này, 10 năm sau những người như chúng tôi sẽ ra sao? Xét về tuổi tác, chúng tôi đấu không lại họ, các đồng chí đương nhiệm cũng đấu không được họ. Nếu nhóm "bè lũ bốn tên" lên nắm quyền, các đồng chí cũng không đấu được với họ".
Ông Giang Trạch Dân (phải) trở thành lãnh đạo hạt nhân Trung Quốc thế hệ thứ 3. Ảnh: SCMP
Theo đó, vào năm 1975, Đặng Tiểu Bình quyết định tái nghiên cứu vấn đề bồi dưỡng người kế nhiệm. Tuy nhiên, khi công việc chưa được triển khai, Đặng đã bị nhóm của Giang Thanh đưa ra đấu tố.
Phải 2 năm sau đó, khi cuộc Cách mạng văn hóa kết thúc, Đặng Tiểu Bình khôi phục công tác và trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ hai.
Theo Đặng, đội ngũ lãnh đạo thứ hai dù có nhiều kinh nghiệm nhưng đều đã lớn tuổi nên trung ương buộc phải gấp rút đề bạt và bồi dưỡng lớp kế nhiệm. Sau thời gian dài xem xét kỹ lưỡng, Đặng Tiểu Bình đã quyết định ông Giang Trạch Dân sẽ trở thành hạt nhân của đội ngũ lãnh đạo thứ 3.
Trung Quốc cần bộ mặt mới
Đầu năm 1989, Tổng Bí thư đương nhiệm Triệu Tử Dương do phạm phải một số sai lầm nên đã bị bãi miễn các chức vụ trong và ngoài đảng, công tác thành lập đội ngũ lãnh đạo thứ 3 trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Ngày 31/5, Đặng Tiểu Bình đã thảo luận vấn đề này với các ông Lý Bằng và Diêu Y Lâm. Ngày 16/6, Đặng tiếp tục bày tỏ ý kiến trong cuộc gặp với một số lãnh đạo trung ương khác.
Đặng nhấn mạnh, đội ngũ lãnh đạo mới cần có một bộ mặt mới, khiến người dân cảm thấy đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực thực hiện cải cách đất nước. Đội ngũ lãnh đạo với hình tượng cải cách mở cửa là vấn đề vô cùng quan trọng của Trung Quốc lúc này.
Đặng yêu cầu, lãnh đạo mới của Trung Quốc cần có tầm nhìn rộng, đây cũng là yêu cầu cơ bản nhất của ông đối với thế hệ lãnh đạo thứ ba.
Chính trong cuộc họp với Lý Bằng, Diêu Y Lâm vào tháng 5/1989, Đặng đã nói: "Nhóm lãnh đạo chúng ta hiện nay yếu cả về kinh nghiệm trong giải quyết chính trị và đấu tranh. Đây là sự thực".
"Mỗi thành viên khi bước vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao trung ương đều không được là con người trước kia nữa, không được giậm chân với trình độ trong quá khứ bởi trách nhiệm nay cũng đã khác. Lãnh đạo cả một quốc gia không hề dễ giàng, trách nhiệm lại càng khác!".
Đặng cũng cho rằng, thế hế lãnh đạo thứ ba cần xây dựng lòng tin đối với nhân dân, đặc biệt, cần ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo hạt nhân
Trong hai ngày 23-24/6/1989 diễn ra Hội nghị trung ương 4 khóa 13, tân Ủy ban thường vụ Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ ra mắt với ông Giang Trạch Dân là Tổng bí thư, đánh dấu thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ ba chính thức được xác lập.
Trong quá trình lựa chọn ban lãnh đạo khóa mới, Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh: Trong đội ngũ lãnh đạo khóa mới cần có 1 hạt nhân.
"Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể đồng lòng ủng hộ đồng chí Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo hạt nhân. Chỉ cần ban lãnh đạo này đoàn kết, kiên trì cải cách mở cửa, dù cho phải cải cách trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc cũng sẽ có sự thay đổi căn bản. Trọng tâm vẫn là lãnh đạo hạt nhân", Đặng nói trong cuộc họp với các ông Lý Bằng, Diêu Y Lâm vào tháng 5/1989.
Đến ngày 9/11, tại Hội nghị trung ương 5, Đặng Tiểu Bình thôi giữ chức Chủ tịch Quân ủy trưng ương. Theo đề nghị của Đặng, hội nghị bầu ông Giang Trạch Dân trở thành Chủ tịch quân ủy ĐCSTQ khóa mới.
Ba ngày sau hội nghị, hai ông Đặng-Giang tới khách sạn Kinh Tây, tham gia hội nghị quân ủy mở rộng. Tại đây, Đặng Tiểu Bình lần nữa khẳng định, trung ương đảng lấy ông Giang Trạch Dân là lãnh đạo hạt nhân là lựa chọn đúng đắn của toàn ĐCSTQ.
Đáng chú ý, ba ngày trước hội nghị tức 6/11, trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Triều Tiên bấy giờ là ông Kim Nhật Thành đang ở thăm Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình đã hết lời khen ngợi người kế nhiệm Giang Trạch Dân.
Đặng nói: "Trong hơn bốn tháng ở trung ương, đồng chí Giang Trạch Dân làm việc rất chắc chắn, hơn nữa đồng chí cũng rất dân chủ".