Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM: Ngày 31/5 phải hoàn tất tháo dỡ cưỡng chế!
Ngày 21/4, tại Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Chỉ thị 23 trong 3 tháng đầu năm 2020, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, yêu cầu Q.10 báo cáo trường hợp cựu Chánh thanh tra Xây dựng Q.10 xây dựng công trình sai phép quy mô lớn.
Nhận định về trường hợp này, ông Trần Lưu Quang cho rằng một công trình quy mô lớn do Chánh thanh tra Xây dựng của quận khi còn đương chức mà tổ chức xây dựng sai phép là "chuyện tưởng chừng không thể xảy ra".
Chưa kể, TP.HCM đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: "Một người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật mà lại vi phạm nên phải xử lý thật nghiêm" (Ảnh: Bảo Minh)
Do vậy, ông Quang cho rằng nếu không làm sẽ khó xử lý các trường hợp khác trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu phải tổ chức cưỡng chế công trình sai phép của cựu Chánh thanh tra Xây dựng Q.10 trước ngày 31/5.
"Quan điểm chung với trường hợp này, một người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật mà lại vi phạm nên phải xử lý thật nghiêm", Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Công trình sai phép của cựu Chánh thanh tra Xây dựng Q.10 ở địa chỉ số 41/7 Sư Vạn Hạnh, P.3, Q.10, được xây từ năm 2011. Chủ đầu tư xây dựng là ông Trần Văn Hưởng và bà Nguyễn Băng Thiên Hương. Thời điểm này, ông Hưởng đang là chánh thanh tra xây dựng Q.10.
Theo giấy phép, nhà có quy mô: hầm, trệt, lửng, 4 lầu, diện tích xây dựng tầng trệt là 61,08m2, trong đó phần diện tích chưa được công nhận chủ quyền là 13,16m2. Quá trình thi công, ông Hưởng và bà Băng xây sai nội dung so với giấy phép, xây nới rộng trên diện tích đất công 6,2m2.
Từ đó, năm 2012 Q.10 lập biên bản xử lý vi phạm đối với ông Hưởng, buộc tháo dỡ tổng diện tích xây dựng vi phạm là 203,75m2, tuy nhiên chủ đầu tư không đồng ý.
Người dân bức xúc đã làm đơn tố cáo việc vi phạm này đến các cơ quan, các cấp ở TP.Tháng 9/2012, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Thanh tra TP.HCM kiểm tra làm rõ.
Sau khi có kết quả kiểm tra của Thanh tra TP, ông Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Q.10 phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của ông Hưởng cùng cá nhân, tập thể có liên quan và buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Trên cơ sở đó, năm 2012 Quận ủy, UBND Q.10 đã xem xét kỷ luật, cách chức chánh thanh tra xây dựng đối với ông Hưởng vì vi phạm với tư cách là người đứng đầu địa phương về quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, có nhiều cá nhân thuộc Thanh tra xây dựng quận, Phòng quản lý đô thị quận và UBND P.3 cũng bị kỷ luật liên quan.
Ngoài ra, Q.10 và các cơ quan chức năng cũng yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm. Thế nhưng kể từ khi Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo làm rõ đến nay căn nhà này vẫn chưa khắc phục theo đúng yêu cầu.
Công trình không phép, sai phép, xây vượt nhiều tầng của cựu Chánh thanh tra xây dựng Q.10 (Ảnh: Hà Nhân)
Vì sao cưỡng chế hoài vẫn không xong?
Trả lời PV, ông Trần Xuân Điền, Phó Bí thư Quận ủy Q.10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Q.10, cho biết sau khi phát hiện sai phạm, UBND.Q.10 đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính vào năm 2013, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần diện tích sai phép.
Tuy nhiên, sở dĩ cưỡng chế hoài vẫn chưa xong, là vì khi Q.10 vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ thì chủ đầu tư không hợp tác, làm nhiều đơn cứu xét gửi các cấp khiến việc xử lý công trình sai phép kéo dài.
Vào năm 2019, UBND Q.10 tiếp tục thông báo đến chủ đầu tư công trình về việc cưỡng chế cũng như vận động gia đình chấp hành quyết định cưỡng chế, tuy nhiên chủ đầu tư tiếp tục phản ứng và không chấp hành.
Cũng theo lãnh đạo UBND Q.10, hiện quận đã có kế hoạch cưỡng chế phần sai phép. Tuy nhiên, công trình vi phạm có quy mô lớn, phần vi phạm vướng kết cấu ảnh hưởng đến 3 cột chính từ tầng hầm đến tầng 8 nên phải có phương án gia cố.
Cũng như cần được giám định kỹ lưỡng, tính toán việc gia cố móng cọc, xem xét độ chịu lực để khi tháo dỡ các phần vi phạm vẫn giữ lại được phần công trình theo đúng giấy phép xây dựng được cấp trước đó. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trên cũng như các công trình xung quanh.
Đến nay, hơn 70% diện tích vi phạm của công trình đã được tháo dỡ, phần còn lại nằm trong kết cấu chính, sau khi hoàn tất gia cố kết cấu chính sẽ tiếp tục tháo dỡ, dự kiến hoàn tất vào ngày 31/5.
Thời gian tới, sau nhắc nhở của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Điền cho biết sẽ nhanh chóng xử lý dứt điểm công trình vi phạm của cựu Chánh thanh tra xây dựng Q.10, đồng thời sẽ báo cáo với Thành ủy, UBND tiến độ xử lý.
Một Uỷ viên Ban thường vụ Quận ủy Q.10, cho biết: "Với Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nói chung và của Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nói riêng, thì Q.10 sẽ quyết tâm thực hiện cưỡng chế công trình trên để làm gương cho các công trình sai phạm khác. Thẳng thắn mà nói rằng Q.10 sẽ kiên quyết xử lý, chứ không du di rồi bỏ qua với bất kỳ công trình vi phạm nào".
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sở dĩ công trình xây dựng ở địa chỉ số 41/7 Sư Vạn Hạnh, P.3, Q.10 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm vì suốt thời gian qua, Q.10 còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý nghiêm và triệt để.
Lần này, với sự chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, chắc chắn công trình không phép sẽ được xử lý rốt ráo, đúng như yêu cầu là trước ngày 31/5.
Kỷ luật nhiều cán bộ
Liên quan tới công trình xây dựng sai phép này, Q.10 đã cách chức Chánh Thanh tra xây dựng đối với ông Trần Văn Hưởng, là chủ công trình sai phạm.
Bên cạnh đó, Q.10 đã tiến hành kỷ luật khiển trách một cán bộ tham mưu Phòng Quản lý đô thị quận, phê bình đối với Phó Phòng Quản lý đô thị quận...
Luật sư Trương Hoài Hải (TP.HCM) cho rằng quy định pháp luật nêu rõ, khi phát hiện ra công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép thì cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm, buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Trong trường hợp chủ công trình không tự nguyện tháo dỡ thì sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật. Ngoài ra sẽ áp dụng quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Theo Luật sư Hải, có thể áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 139/2017/NĐ-CP đối với công trình sai phạm nói trên.
Trong đó, "Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ.
Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ".