Một trong những thuyết âm mưu nổi tiếng nhất thế giới trong nhiều năm qua đó là: Cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của tàu con thoi Apollo 11 chỉ là giả mạo. Niềm tin này hiện vẫn còn rất phổ biến ở Nga. Thậm chí, nhiều người còn quyên góp tiền với hy vọng "chứng minh" được mọi thứ chỉ là dàn dựng.
"Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại". Câu nói nổi tiếng của Neil Armstrong, phi hành gia người Mỹ đã đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, với việc con người lần đầu tiên vượt ra khỏi ranh giới Trái đất và đáp xuống một thiên thể khác.
Đó là câu chuyện đã xảy ra vào năm 1969 xa xôi. Ngày nay, chúng ta mơ về các nhiệm vụ lên sao Hỏa và chăm chú theo dõi những tiết lộ từ Hội nghị Sao Hỏa do tỷ phú Elon Musk tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua kể từ năm 1969, nhiều người Nga vẫn không thể tin vào "bước đi nhỏ bé" mà Armstrong đã thực hiện trên Mặt trăng. Nhiều người Nga cho rằng Chính phủ Mỹ đã dàn dựng một trò lừa bịp phức tạp và cuộc đổ bộ Mặt trăng thực chất được quay ở các phim trường của Hollywood.
Ở thời điểm hiện tại, những cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 23% người Nga thực sự tin rằng nước Mỹ đã chinh phục Mặt trăng.
Tin giả những năm 1990
Ở Liên Xô vào năm 1969, không ai trong số quan chức cũng như giới truyền thông nước này nghi ngờ về thành tích của các phi hành gia Mỹ.
"Khi chúng tôi nhận được tín hiệu từ Mặt trăng, chúng tôi đã nhận được chúng từ Mặt trăng thật sự chứ không phải từ Hollywood", nhà du hành vũ trụ người Nga Georgy Grechko, một thành viên trong chương trình Mặt trăng của Liên Xô cho biết.
Vào thời điểm đó, tất cả các hệ thống trinh sát của Liên Xô đang theo dõi chuyến bay có người lái đầu tiên lên Mặt trăng. Thiết bị vô tuyến của Liên Xô đã nhận được tín hiệu từ Apollo 11 cũng như tất cả các thông tin liên lạc âm thanh và đoạn phim truyền hình về cuộc đổ bộ Mặt Trăng.
"Dàn dựng một trò lừa bịp như thế có lẽ cũng khó như việc thực hiện sứ mệnh thực sự", một nhà thiết kế tàu vũ trụ và là phi hành gia Konstantin Feoktistov đã kết luận như vậy trong cuốn sách "Quỹ đạo cuộc sống" của mình.
"Trước tiên, cần phải gửi trạm vô tuyến lên Mặt Trăng, sau đó đưa tàu Apollo 11 đến. Rồi tạo ra hàng chục nhà máy sản xuất tàu vũ trụ giả. Rồi giai đoạn trở về Trái đất ... Tất cả đều quá phức tạp. Thậm chí còn khó khăn hơn cả một cuộc đua trong không gian giữa hai siêu cường".
Lá cờ được cắm trên Mặt trăng.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, "Thuyết âm mưu Mặt trăng" nổi tiếng thế giới đã đến Nga, nơi được rất nhiều người hưởng ứng.
Giải thích cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng, một nước Nga non trẻ đang rất cần những quan niệm "giả ái quốc" để thúc đẩy tinh thần dân tộc, trong đó mô tả rằng người Mỹ đã lừa dối tất cả mọi người, kể cả Liên Xô, được cho là quốc gia đi đầu trong mọi lĩnh vực.
Đây là một lý do khác cho thấy cái gọi là "Thuyết âm mưu Mặt Trăng" vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều người Nga cho đến ngày nay.
"Lời nói dối vĩ đại của người Mỹ"
Việc Nga chấp nhận thuyết âm mưu này bắt nguồn từ việc cuốn sách của Yury Mukhin, có tên "Anti-Apollo: Lunar Scam of the USA" được xuất bản. Tác giả cho rằng tiền được phân bổ cho chương trình Mặt trăng thực tế đã bị đánh cắp, trong khi các cảnh hạ cánh trên Mặt trăng được quay bởi Stanley Kubrick, đạo diễn đằng sau bộ phim đình đám "2001: A Space Odyssey".
Hơn nữa theo tác giả Mukhin, những quan chức Liên Xô và một số nhà khoa học nước này còn là một phần của âm mưu vì họ có những lợi ích nhất định.
Tuy nhiên, "lời nói dối vĩ đại của người Mỹ" khó có thể kiếm được nhiều tiền như vậy ở Nga nếu không có được sự hỗ trợ giữa các cá nhân có uy tín và giới truyền thông.
Nhà báo Alexander Gordon đã thực hiện hai tài liệu về "Thuyết âm mưu Mặt trăng". Vào năm 2007, tạp chí khoa học Topical Problems of Modern Science đã xuất bản một bài báo "chứng minh" rằng với tốc độ bay khi đó, tên lửa của Mỹ không thể chạm tới Mặt trăng.
Vào năm 2018, Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã tuyên bố rằng Nga đang chuẩn bị một sứ mệnh lên Mặt trăng với mục đích "kiểm tra xem người Mỹ có thực sự đã từng ở đó hay không". Tuy nhiên, đây được coi là câu nói đùa của Rogozin.
Tất cả những hoài nghi về "ngày lên Mặt trăng" của người Mỹ vẫn đang in chặt trong tâm trí nhiều người Nga, mặc dù viện Hàn lâm Khoa học Nga đã chính thức lên án "Thuyết âm mưu Mặt trăng" là giả khoa học và chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bác bỏ thuyết này.
Sự thật vẫn đang được tìm kiếm
Thông qua các cuộc khảo sát gần đây, người ta thấy rằng có đến 65% những người tin rằng cuộc đổ bộ Mặt trăng năm 1969 không bao giờ xảy ra là những người chỉ học tới bậc trung học. Thậm chí với mong muốn tìm ra "sự thật", một số người Nga còn sẵn sàng quyên góp tiền cho "mục tiêu này".
Vào năm 2015, hoạt động đóng góp đã được bắt đầu trên một trang gây quỹ cộng đồng có tên Boomstarter, với mục đích xây dựng một vệ tinh siêu nhỏ với camera để xác định địa điểm hạ cánh của Apollo 11.
Mục tiêu là 800.000 rúp (12.000 USD), nhưng số tiền thực tế huy động đã được nhiều hơn gấp đôi.
Một số người vẫn tham gia vào các cuộc thảo luận bất tận trên các diễn đàn thuyết âm mưu trực tuyến. Và nhiều người đưa ra bằng chứng cho "cuộc đổ bộ dàn dựng" như dấu chân sai của Armstrong hoặc lá cờ chuyển động lạ thường.
Họ nói rằng video của Rammstein hay trò chơi GTA Vice City là bằng chứng cho điều này. GTA Vice City có một phim trường được đặt trên một hòn đảo bao gồm một tòa nhà hình vòm, có Mặt trăng bằng đá nhân tạo và cho rằng đây là nơi mô tả địa điểm người Mỹ quay cảnh hạ cánh xuống Mặt trăng trên thực tế.