Nước Nam ta là một vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai chiêm trũng nhiều, hợp với nông nghiệp lúa nước. Vua Lê Đại Hành sau khi lên ngôi, đánh đuổi quân Tống xâm lược lần thứ nhất, dù là vị vua xuất thân từ chiến trận, quen việc binh đao, nhưng không vì thế mà ông quên quan tâm tới nghiệp "dĩ nông vi bản" (coi nông nghiệp là gốc).
Để khuyến khích sản xuất, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua trút bỏ bộ long bào bước xuống cày ruộng tịch điền ở núi Đọi. Hôm ấy, dân quanh Đọi Sơn tụ tập về đông như trẩy hội để xem thiên tử xuống ruộng làm nông.
Lê Đại Hành trong trang phục quần lá tọa ống thấp ống cao, bắp tay cuồn cuộn nắm chắc cày, giục trâu "tắc tắc", "họ họ" như một lão nông thực thụ, đường cày cứ thế thẳng tắp theo sự điều khiển của vua. Từng mảng đất được lật lên của đường cày sau úp lên đường cày trước trông thật thích mắt.
Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN).
Đương lúc lưỡi cày liếm đất đi băng băng, thì bỗng va vào một vật gì rất cứng, con trâu đang đi phăm phăm là thế, cũng bị vật cản dưới lưỡi cày giật ách mà đứng lại. Vua nhấc cày ra, lật đất lên xem, hóa ra là một chiếc hũ nhỏ, cả đám đông tham dự ồ lên ngạc nhiên.
Viên quan hầu được gọi đến, mở chiếc hũ sành, vục tay vào, thì ra đó là những thỏi vàng. Vua dừng cày ở Đọi Sơn, chuyển sang cày ở núi Bàn Hải, việc lặp lại y hệt như trước, lưỡi cày cũng mắc vật cản, đến khi lấy được chiếc hũ lên, thì ra đó là một hũ nhỏ bạc. Vui mừng trước sự kiện lạ, vua Đại Hành nhân đó đặt tên ruộng cày tịch điền đó là ruộng Kim Ngân.
Thực ra, chẳng có hũ vàng, hũ bạc nào ở nơi ruộng tịch điền vua cày mà có cả, đó chỉ là sự chuẩn bị trước của vua ngụ ý cho thiên hạ biết rằng, coi trọng nông nghiệp, siêng năng lao động thì ruộng sẽ cho vàng cho bạc.
Biện pháp xướng xuất thiên hạ của vua Lê Đại Hành là một tục lệ đẹp, khuyến khích người nông dân yêu quý ruộng nương. Do đó, các đời vua về sau cho đến tận đầu thời nhà Nguyễn, cày ruộng tịch điền đã trở thành lệ quen.
Về sự kiện của vua Đại Hành, Đại Việt sử lược có chép lại: "Năm Đinh Hợi (987) là năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phúc vua bắt đầu cày ruộng (tịch điền) ở núi Đọi bắt được hũ vàng. Lại một lần cày ở núi Bà Hối bắt được hũ bạc.
Do đó ruộng được mang tên là Kim Ngân Điền". Địa điểm núi Đọi được nhắc tới ở đây, trong Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng ở phần Chính biên quyển một, cho biết địa điểm: "Đọi Sơn, còn có tên núi Long Đọi, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nội" (nay thuộc Hà Nam – Người dẫn).
Ruộng tịch điền, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú rằng: "Thửa ruộng chính Thiên tử tự cày lấy, hoa lợi sẽ dùng vào việc cúng tế". Lễ cày tịch điền xuất phát từ Trung Quốc. Đó là ngày hội xuân, vua quan lần lượt xuống ruộng cày một vài đường đất nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp lúa nước.
Sau khi đã làm lễ cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày ba luống. Thửa ruộng này sẽ được chăm sóc và sản phẩm sẽ dùng để tế lễ năm sau.
Tục cày ruộng tịch điền được sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ ngợi khen là: "Tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay". Vua Minh Mạng thời Nguyễn sau khi cày ruộng tịch điền đã cảm tác một bài thơ rằng:
Bỉnh lỗi tam thôi than vị quyện,
Tùng canh cửu phản hãn như tương.
Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu,
Viện giáng ân thi chiếu thập hàng.
(Ta cày ba đường thì chưa thấy mệt. Quan cày chín đường thì mồ hôi đầm đìa. Từ đó mới biết người nông phu nhọc nhằn thế nào khi cày hàng ngàn mẫu ruộng. Bèn xuống chỉ ra ấn chiếu vào năm thứ mười).
Nguồn sưu tầm:
- Cuốn " Những điều lạ thời Ngô – Đinh – Tiền Lê", trang 88-91, NXB Văn hóa – Thông tin.
*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.