Vì sao “chính quyền Biden” sẽ là cơn ác mộng với Nga?

Kiều Anh |

Sự không hài lòng của điện Kremlin với ông Biden diễn ra từ thời ông còn là Phó Tổng thống

Gia tăng các lệnh trừng phạt

Bất chấp những lệnh trừng phạt cứng rắn và những lời chỉ trích mạnh mẽ, Nga vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người được cho là có mối quan hệ dường như thân thiết với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả những điều trên có thể sẽ thay đổi nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới. Giới quan sát cho rằng, chiến thắng của ông Biden làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow, đồng thời làm dấy lên khả năng về những lệnh trừng phạt mới sẽ áp lên Nga.

Một số quan chức cấp cao của Nga cùng một số ngành quan trọng của nước này hiện đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, từ vấn đề sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 cho tới cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc một điệp viên ở Anh năm 2018.

Andrius Tursa, cố vấn khu vực Trung và Đông Âu thuộc Cơ quan Tình báo Teneo nhận định, chiến thắng của ông Biden sẽ cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời chứng kiến "sự nối lại các cam kết của Mỹ với NATO", vốn được châu Âu vô cùng hoan nghênh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, kết quả như vậy tức là mối quan hệ giữa Mỹ và Nga "chủ yếu sẽ đi xuống" và dẫn ra những diễn biến gần đây cho thấy sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa điện Kremlin và phe Dân chủ ở Mỹ.

"Nhìn chung, việc ông Biden có thể trở thành Tổng thống sẽ đem đến tác động tiêu cực cho Moscow và có thể dẫn đến sự suy yếu quan hệ song phương, cả trên ý nghĩa biểu tượng và thực tế. Ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ từ lâu đã duy trì lập trường cứng rắn với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin", chuyên gia Tursa cho hay.

"Sự không hài lòng của điện Kremlin với ông Biden diễn ra từ thời ông ấy còn là Phó Tổng thống, đặc biệt khi ông ấy thúc đẩy lệnh trừng phạt chống lại Nga nhằm phản ứng trước sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014".

Cả Nga và Ukraine vẫn né tránh việc tìm kiếm một giải pháp thực sự về vấn đề Crimea và những giao tranh ở khu vực Donbass thuộc phía đông Ukraine. Chuyên gia Tursa cho rằng nếu không đạt được tiến triển thực chất về giải pháp cho cuộc xung đột ở Donbass và Crimea, những tâm điểm ông Biden từng chú trọng tới khi là Phó Tổng thống, "Moscow hầu như không thể mong đợi gì về việc dừng đáng kể các lệnh trừng phạt", đồng thời đặt ra khả năng chính quyền ông Biden có thể sẽ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt hiện nay. Nguy cơ về các lệnh trừng phạt mới cũng có thể gia tăng, chuyên gia này cho hay.

Học cách “chịu đựng” nhau

Dù vậy, theo chiến lược gia cấp cao tại Công ty Quản lý Tài sản Bluebay, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào nhằm vào Nga đều sẽ không thể tiến hành ngay lập tức. Nhà phân tích này đánh giá: "Mặc dù tôi cho rằng bản chất mối quan hệ Mỹ - Nga vẫn theo chiều hướng ngày càng xấu đi nhưng tôi không chắc chúng ta sẽ chứng kiến việc áp đặt bổ sung ngay lập tức các lệnh trừng phạt lên Nga".

"Họ sẽ không trừng phạt Nga chỉ vì mục đích trừng phạt. Họ sẽ muốn một hướng tiếp cận hợp lý và logic", ông Timothy Ash cho hay và nhấn mạnh rằng, "việc duy trì mối quan hệ giống như làm ăn với Nga có ý nghĩa quan trọng với Mỹ để đảm bảo việc phân phối các lợi ích chiến lược của Washington".

Chuyên gia này cũng cho rằng, dưới thời ông Biden, Mỹ và Nga sẽ phải "học cách chấp nhận những khía cạnh mà họ có thể "chịu đựng" nhau, cũng như tìm cách hòa hợp với nhau trong những lĩnh vực cụ thể mà 2 bên có chung lợi ích, chẳng hạn như kiểm soát vũ khí và giảm các nguy cơ xung đột ở những khu vực mà 2 bên cạnh tranh về lợi ích chiến lược như Ukraine, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ. Các lệnh trừng phạt sẽ là một phần trong bộ công cụ như vậy chứ không phải chỉ là một công cụ riêng lẻ".

Tuy nhiên, kiểm soát vũ trang là vấn đề mà cả Nga và Mỹ đều có lợi ích chung. Năm 2019, ông Biden cho thấy ông muốn mở rộng hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, hay còn được biết tới là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), hoặc thực hiện một hiệp định nào đó tương tự vậy.

"Dựa trên những tuyên bố gần đây từ cả hai bên, việc đàm phán một Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới là khía cạnh có thể đạt được sự tiến triển nếu ông Biden đắc cử. Tuy nhiên, thời gian để thực hiện việc này sẽ vô cùng gắt gao bởi hiệp ước trên sẽ hết hạn ngày 5/2/2021", chuyên gia Tursa đánh giá.

Bản thân Nga cũng thừa nhận rằng việc kiểm soát vũ khí là một động lực tích cực nếu ông Biden trở thành Tổng thống. Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Putin đã chỉ trích điều mà ông cho là "giọng điệu chống Nga gay gắt" từ ông Biden, song cũng khẳng định, ông hoan nghênh những bình luận của ông Biden liên quan đến việc gia hạn New START./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại