Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi qua một chiếc F-35 trong ngày khai mạc triển lãm hàng không ILA Berlin 2022, vào 22/6 tại Schoenefeld, Đức. Ảnh: Getty Images
Mặc dù các nhà lãnh đạo Pháp nhiều lần kêu gọi các nước láng giềng mua "hàng châu Âu", máy bay F-35 của Mỹ đã liên tục đánh bại các ứng cử viên "địa phương" trong các cuộc cạnh tranh máy bay chiến đấu gần đây nhất, bao gồm Dassault Rafale, JAS 39 Gripen của Saab và Eurofighter Typhoon do Airbus, BAE Systems và Leonardo phát triển.
Phát biểu với trang Defense News, các nhà phân tích cho rằng làn sóng thành công này có được là nhờ khả năng tương tác cao của chiến đấu cơ tấn công hỗn hợp F-35 với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là trong NATO, cộng với lộ trình nâng cấp được đảm bảo.
Nhưng họ cũng lưu ý rằng, hơn bất cứ điều gì, chiến đấu cơ tiên tiến này đã tới châu Âu đúng thời điểm, khi nhiều quốc gia đang muốn làm mới đội bay của họ vào cuối thập kỷ này.
Năm 2018, Bỉ đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên tại châu Âu mua F-35, với cam kết mua 34 chiếc F-35A. Hai năm sau, Ba Lan nối bước và hiện có kế hoạch mua 32 chiếc F-35A.
Vào năm 2021, Thụy Sĩ và Phần Lan từng chọn nền tảng F-35 để thay thế F-18 Hornet, lần lượt cam kết mua 36 và 64 chiếc.
Gần đây nhất, Đức chuẩn bị mua 35 máy bay F-35A để thay thế dòng P-200 Tornado có thể mang theo vũ khí hạt nhân, trong khi Cộng hòa Séc đã cam kết mua 24 chiếc F-35A khi nước này cho ngừng hoạt động phi đội Gripen.
Các phi công JAS 39 Gripen từ Căn cứ Không quân Caslav ở Cộng hòa Séc tham gia tập trận trong sự kiện Sky Avenger 2018. Ảnh: Vệ binh quốc gia Không quân Séc
Một quan chức Lockheed Martin cho biết, các quy trình mua sắm chính thức dành cho Thụy Sĩ, Phần Lan, Đức và Cộng hòa Séc hiện vẫn chưa bắt đầu. Nhưng cuối cùng, công ty dự kiến sẽ có hơn 550 chiếc F-35 đóng tại châu Âu vào năm 2030, bao gồm car phi đội của Không quân Mỹ căn cứ Không quân Hoàng gia Anh ở Lakenheath.
Những quốc gia khác tham gia chương trình F-35 tại châu Âu còn bao gồm Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Anh.
Chương trình F-35 trải qua nhiều rắc rối, nhưng vẫn thu hút nhiều hợp đồng lớn từ châu Âu. Trong ảnh, hai chiếc F-35 Lightning II của Không quân Mỹ. Nguồn: Military.com
Thời điểm tuyệt vời
Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết một lý do mang lại thành công của F-35 ở châu Âu là do thời điểm tuyệt vời, khi nhiều lực lượng không quân châu Âu chuẩn bị tái trang bị sức mạnh cho các phi đội thế hệ thứ tư của họ.
"Một phần là do thiết kế và một phần là do may mắn, F-35 đã xuất hiện vào đúng thời điểm", ông Barrie nói với Defense News.
Theo Richard Aboulafia, giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, các nhà sản xuất khung máy bay châu Âu thường thành công hơn ở ngoài lục địa. "Họ biết rõ ‘sân cỏ’ của mình, và ‘sân cỏ’ của họ phần lớn không phải là châu Âu", ông Aboulafia nói.
Đặc biệt, công ty Pháp Dassault gần đây đã ghi được những chiến thắng đáng chú ý bên ngoài châu Âu khi giành được hợp đồng bán Rafale cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Trong khi ngay tại châu Âu, Pháp vào năm 2021 chỉ ký hợp đồng cung cấp cho Croatia 12 máy bay phản lực Rafale đã qua sử dụng.
Lợi thế bán hàng chính khi bán máy bay chiến đấu cho các đồng minh và đối tác ngoài châu Âu – đồng nghĩa về một mối quan hệ chiến lược lâu dài – lại "không áp dụng cho NATO châu Âu" – ông Aboulafia nhận xét.
Lợi ích tương thích và lộ trình nâng cấp
Trong khi đó, F-35 thu hút các khách hàng châu Âu nhờ mang lại cho họ nhiều lợi ích. Loại máy bay này được sử dụng trong các sứ mạng của NATO như Baltic Air Policing, và Mỹ hồi đầu năm đã triển khai một số máy bay tới các biên giới phía đông của liên minh để hỗ trợ các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát ngay sau khi bùng phát xung đột tại Ukraine.
Dan Darling, một nhà phân tích cấp cao tại Forecast International, cho biết khi có nhiều quốc gia lựa chọn F-35 hơn, các lực lượng vũ trang của các nước đó sẽ trở nên tương thích hơn bao giờ hết giữa các nhóm mặt đất, nỗ lực đào tạo và hậu cần.
Hơn nữa, F-35 đi kèm với một lộ trình nâng cấp mạnh mẽ, với "một loạt các cải tiến sản phẩm ổn định" đảm bảo máy bay sẽ vẫn phù hợp trong nhiều thập kỷ tới – chuyên gia Aboulafia lưu ý.
Ông cho rằng, sức mạnh của Nga tại châu Âu, nhất là sau cuộc xung đột tại Ukraine càng thúc đẩy các đồng minh châu Âu ưu tiên hơn cho các công nghệ tàng hình, đặc biệt là đối với Đức và Phần Lan.
Những rào cản
Nhưng các lựa chọn F-35 gần đây không phải là không có rào cản. Các thành viên Đảng Xanh của Thụy Sĩ đã phát động một nỗ lực có tên "Ngăn chặn F-35", đòi thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý về quyết định mua sắm trước khi thời hạn đề nghị hết hạn vào tháng 3 năm tới.
Cách tiếp cận này đã thành công vào năm 2014, khi người Thụy Sĩ bỏ phiếu với tỉ lệ 52% - 48% để chặn việc mua máy bay Saab Gripen nhằm thay thế máy bay Northrop F-5 của Thụy Sĩ. Nhưng nó có thể không hiệu quả lần này.
Mặc dù "Stop F-35" thu thập được 100.000 chữ ký để khởi động chiến dịch trưng cầu dân ý, chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố hôm 24/8 rằng không thể lên lịch bỏ phiếu trước khi thời hạn đề nghị kết thú. Lý do là rủi ro đàm phán lại với Lockheed và mất cơ hội giao hàng về tay các quốc gia khác. Chính phủ vẫn thúc giục xúc tiến thương vụ.
Về phía Đức, quyết định mua F-35 đi ngược lại kế hoạch mua máy bay F-18 do Boeing sản xuất trong nhiều năm, và đã gây ra căng thẳng hơn nữa giữa Berlin và Paris, vì hai quốc gia đang tham gia nỗ lực liên minh chế tạo một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.