Khoảng 200 người đã trở thành nạn nhân của Pi Jiapeng (26 tuổi, người Singapore) và Pansuk Siriwipa (27 tuổi, đến từ Thái Lan) trong vụ việc lừa đảo đặt mua hàng hiệu ở Singapore, với số tiền lừa được có giá trị 32 triệu SGD ( 23 triệu USD ), theo Straits Times.
Tính chất nghiêm trọng của vụ việc khiến lệnh bắt giữ và thông báo truy nã đỏ của Interpol đã được đưa ra cho cặp vợ chồng này.
Khi cơn sốt mua sắm hàng hiệu bùng nổ ở nhiều quốc gia, hấp dẫn cả từ giới giàu có cho đến những người sẵn sàng đầu tư, những vụ lừa tiền liên quan đến xa xỉ phẩm cũng xuất hiện.
Pi Jiapeng và Pansuk Siriwipa đào tẩu ra khỏi Singapore sau khi thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa tiền, dụ người mua gửi tiền mua túi hiệu, đồng hồ có giá trị lớn. (Ảnh: CNA)
Việc khó kiểm chứng độ thật-giả cộng với tâm lý ham rẻ, nóng lòng muốn sở hữu món đồ đắt tiền dễ khiến khách hàng bị lừa số tiền lớn hoặc mua phải đồ nhái, hàng giả.
Người mua dễ mắc bẫy
"Mức giá họ đưa ra thấp hơn thị trường khoảng 10%", "Vợ chồng họ nói rằng sẽ đi Thuỵ Điển để mua nên giá rẻ hơn".
Đó là lý do được nhắc tới nhiều lần khi những người mua nói về quyết định đặt mua đồ hiệu của vợ chồng Pi. Chính tâm lý muốn phải bỏ ít tiền hơn này khiến nhiều người sập vào cái bẫy lừa đảo.
Dù thị trường hàng xa xỉ hiện tại không còn chỉ phục vụ riêng tầng lớp lắm tiền nhiều của, chi phí cần bỏ ra để sở hữu chúng vẫn là con số lớn đối với nhiều người, đòi hỏi phải dồn tiền tiết kiệm hoặc tìm kiếm những bên có mức giá thấp hơn, thường thông qua người bán cá nhân hoặc các nền tảng bán online.
Tại Hàn Quốc, các bên bán đồ hiệu online không nhập hàng xa xỉ trực tiếp từ trụ sở của thương hiệu. Thay vào đó, họ ký hợp đồng với các nhà bán lẻ thứ hai hoặc thứ ba ở châu Âu. Một số bán các sản phẩm được mua dưới danh nghĩa cá nhân tại các cửa hàng ở Paris (Pháp), Milan (Italy) hoặc New York (Mỹ).
Lợi dụng lòng tin cũng là nguyên nhân các vụ lừa đảo hàng hiệu dễ xảy ra, với mô típ quen thuộc là mua bán hàng thật, xây dựng uy tín ở những lần đầu, sau đó chiếm đoạt số tiền lớn của người mua rồi biến mất.
Trong trường hợp ở Singapore, vị khách hàng họ Huang cho biết nhờ cặp vợ chồng trẻ mua 6 chiếc đồng hồ Rolex và Patek Phillippe với tổng giá trị là 700.000 USD nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hàng. Trước đó, anh đặt mua từ họ một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 26.000 USD và nhận được hàng thật 1 tháng sau đó.
Các lùm xùm bán đồ hiệu nhái trên sàn thương mại điện tử ở Hàn Quốc cũng chỉ bị phát hiện sau khi nhiều khách hàng bắt đầu nghi ngờ về chất lượng. Trước đó, đa số cho biết họ không bao giờ ngờ tới việc mua phải hàng giả vì ngầm tin tưởng những bên phân phối lớn luôn đáng tin cậy.
Hồi tháng 1, nền tảng thời trang lớn nhất ở Hàn Quốc Musina bị phát hiện bán hàng nhái lại quần áo của hãng Essentials.
Tháng trước, sàn thương mại chuyên bán các mặt hàng cao cấp Balaan, bị một khách hàng tố bán đôi giày Nike Air Jordan 1 Retro High Og X Travis Scott Mocha không chính hãng.
Người bán cũng thành nạn nhân
Trước khi hành vi của cặp vợ chồng Pi bị phát hiện, Singapore cũng từng ghi nhận một vụ việc lừa đảo liên quan đến hàng hiệu với quy mô nhỏ hơn và đối tượng nạn nhân lại chính là bên bán đồ cao cấp.
Đầu năm 2015, Hetty bắt gặp quảng cáo của PremiumMall, một cửa hàng chuyên bán đồ xa xỉ, trên mạng xã hội và quyết định mua một chiếc túi xách dù lúc đó đang thất nghiệp, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Sau một số lần mua bán để tạo niềm tin, Hetty trở thành khách quen và chiếm được lòng tin từ giám đốc cửa hàng. Đến tháng 7 cùng năm, Hetty bắt đầu hành vi lừa đảo của mình. Cô tiếp tục đặt mua túi xách đắt tiền dù tài khoản ngân hàng trống rỗng.
"Khi nhập thông tin thanh toán trên trang PremiumMall, nghi phạm lựa chọn cách thức chuyển khoản vào ngày hôm sau. Nhờ đó, cô sẽ có ảnh chụp màn hình làm chứng mà không mất một đồng nào. Còn giám đốc cửa hàng tin tưởng gửi hàng cho Hetty dựa trên ảnh chụp màn hình nghi phạm cung cấp mà không xác nhận lại tiền đã về tài khoản hay chưa", cơ quan chức năng giải thích thủ đoạn của Hetty.
Bằng cách này, Hetty đã thực hiện trót lọt 161 lần giao dịch trong 3 năm, từ tháng 7/2015 đến tháng 3/2018, với tổng số tiền lừa đảo là 22.000 SGD ( 14.000 USD ). Sự việc chỉ được phơi bày khi phía PremiumMall tiến hành một cuộc kiểm toán nội bộ vào năm 2018. Tháng 10/2020, Hetty bị kết án 2 năm 4 tháng tù giam.
Tháng 5 vừa qua, Tamara Khatuntseva (64 tuổi) đến từ Boston (bang Massachusetts, Mỹ) bị kết án 3 tháng tù giam và phạt 3 năm quản chế vì tội lừa đảo tài sản. Trong 2 năm, từ tháng 12/2018 đến 8/2020, người phụ nữ này lặp lại một công thức nhằm đánh lừa một cửa hàng chuyên bán xa xỉ phẩm ở địa phương.
Ban đầu, Tamara sẽ bỏ tiền mua đồ hiệu, sau đó đánh tráo với hàng kém chất lượng ở nhà và hoàn trả sản phẩm cho cửa hàng, nhận lại toàn bộ số tiền bỏ ra. Còn những món đồ quần áo, túi, ví, giày dép, đồ trang sức đắt tiền được Tamara rao bán lại trên eBay với mức giá vài chục nghìn đến trăm nghìn USD.
Trong một video bằng chứng do Văn phòng Luật sư Mỹ thu thập, máy quay giám sát quay lại được cảnh người phụ nữ một chiếc khăn Gucci màu hồng với giá 399 USD .
Vài ngày sau, video khác cho thấy cô đem trả lại mặt hàng này và nhận hoàn tiền đầy đủ, sau khi dùng mánh khóe để ngụy tạo mã code của sản phẩm nhái đúng với bản gốc. Trên thực tế, chiếc khăn thật, chính hãng đã được cô niêm yết trên mạng.
Tháng 8/2020, cảnh sát tiến hành khám xét nhà của Tamara và phát hiện ra 42 món đồ hiệu chuẩn bị được đem đi bán lại. Các phi vụ đánh tráo này ước tính làm cửa hàng thiệt hại 150.000 USD .