Người thường xuyên suy nghĩ nhiều không thể hạnh phúc, dễ mắc bệnh tim mạch, suy giảm miễn dịch
Việc suốt ngày nghĩ luẩn quẩn về một điều nào đó thật mệt mỏi. Trong khi mọi người thỉnh thoảng nghĩ ngợi vài thứ rồi thôi, thì những người suy nghĩ nhiều dành hầu hết thời gian để suy nghĩ và gây áp lực lên chính bản thân, rồi lại nhầm tưởng áp lực đó là căng thẳng.
Theo Catherine Pittman, chuyên gia tâm lý của đại học Saint Mary cho rằng: “Có những người suy nghĩ quá nhiều rồi trở thành bệnh lý nhưng không hiếm những người bình thường có xu hướng nghĩ ngợi nhiều.”
Suy nghĩ quá nhiều có các dạng như: Không ngừng đắn đo khi đưa ra quyết định (rồi tự đặt câu hỏi cho quyết định của mình), cố gắng đọc suy nghĩ, đoán trước tương lai hay thắc mắc về những điều nhỏ nhặt…
Những người suy nghĩ nhiều lo lắng lời nói, việc làm hay sự lựa chọn vào ngày hôm qua không tốt và băn khoăn về hậu quả trong tương lai.
Các từ “nếu như” hay “lẽ ra” chi phối tâm trí như thể những vị thẩm phán đang phán xét cuộc đời họ vậy.
Những người suy nghĩ quá nhiều cũng khổ sở về việc nên đăng gì lên mạng vì họ cực kỳ để ý đến việc người khác nghĩ gì về những bài đăng đó.
Họ không thể ngủ ngon vì những suy nghĩ và lo lắng khiến họ thức giấc.
Các suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại câu hỏi lớn: “Tại sao việc đó lại xảy ra?” “Việc đó có ý nghĩa gì?” và những người như vậy không bao giờ tìm được câu trả lời, theo Susan Nolen-Hoeksema, trưởng khoa tâm lý học đại học Yale.
Lo lắng thường xuyên phá hủy và làm cạn kiệt sức khỏe tinh thần.
Nó khiến bạn cảm thấy bị kẹt ở một chỗ, nếu như không thay đổi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của bản thân. Suy nghĩ quá nhiều nhanh chóng đẩy sức khỏe và hạnh phúc vào đường cùng, khiến bạn nhạy cảm hơn với tuyệt vọng và âu lo.
Người suy nghĩ nhiều lo lắng về tương lai, về những khả năng xấu có thể xảy ra và họ cố gắng suy nghĩ để giải quyết vấn đề nhưng không được và mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của tâm trí.
Suy nghĩ quá mức có thể dễ dàng làm mất đi cảm giác kiểm soát cuộc sống của bạn. Nó cướp đi sự tham gia tích cực của chúng ta vào mọi thứ xung quanh.
Người lo lắng thường xuyên thường gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mạch vành và suy giảm hệ miễn dịch.
Chìm đắm trong việc quá khứ khiến chúng ta xa rời thực tại, thể hiện khi bạn không thể hoàn thành công việc hiện tại của mình.
Nếu bạn hỏi những người lo lắng thường xuyên cảm thấy thế nào, không ai trong số họ trả lời là hạnh phúc, hầu hết đều cảm thấy vô cùng buồn bã.
Suy nghĩ nhiều tạo cái bẫy đối với não của bạn, khiến bộ não mắc kẹt trong lo lắng. Khi việc suy nghĩ lặp đi lặp lại trở thành tự nhiên như hơi thở, bạn phải nhanh chóng đối phó và tìm giải pháp cho vấn đề này.
Khi một sự việc khó khăn đẩy chúng ta vào tâm trạng chán nản, nó rất dễ gợi lại những kí ức buồn. Điều đó tạo tiền đề cho những người suy nghĩ nhiều rơi vào vòng xoáy trầm cảm.
Làm thế nào để dừng suy nghĩ quá nhiều, giành lại cuộc sống thảnh thơi
Hiện tượng lo lắng thường xuyên không phải vĩnh viễn, nó là thói quen tâm lý có thể sửa đổi được. Bạn có thể cải thiện bộ não từ việc nhìn cuộc đời theo khía cạnh khác:
Thay thế suy nghĩ của bản thân
Để vượt qua việc suy nghĩ quá nhiều, nhà tâm lý học chỉ bạn việc thay thế suy nghĩ hiện có của mình.
“Tự nhủ với bản thân rằng loại bỏ một ý nghĩ nhất định không phải cách để không suy nghĩ, bạn cần phải thay thế suy nghĩ đó.” Nếu bạn được bảo đừng nghĩ về con voi hồng, điều bạn đang nghĩ là gì?
Chính là con voi hồng. Để không nghĩ về con voi nữa thì hãy thay thế bằng hình ảnh khác như con rùa chẳng hạn.
Tự giải quyết vấn đề bằng cách chú ý xem mình mắc kẹt trong suy nghĩ khi nào. Bạn có thể chế ngự thói quen suy nghĩ quá nhiều từ việc nắm bắt suy nghĩ bên trong của bản thân, những tiếng nói độc thoại cả ngày lẫn đêm bên trong tâm trí.
Tái cấu trúc nhận thức
Bên cạnh đó, còn có phương pháp tái cấu trúc nhận thức, là khi bạn tạo ra những giải thích khác về tình huống, khiến những suy nghĩ tiêu cực trở nên ít tin cậy hơn.
Tự hỏi bản thân, xác suất xảy ra hậu quả xấu nhất là bao nhiêu, nếu xác suất thấp thì có những kết quả nào khác?
Nếu đó là vấn đề bạn đang lo lắng, hãy diễn đạt lại vấn đề theo kết quả tích cực mà bạn hướng tới.
Ví dụ, thay vì tự nhủ: “Mình đang mắc kẹt trong sự nghiệp” thì hãy nghĩ: “Mình muốn một công việc tốt hơn, phù hợp với bản thân hơn”. Sau đó hãy lên kế hoạch cải thiện kỹ năng, quan hệ và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Tìm phương thức mang tính xây dựng để xử lý những lo lắng hay suy nghĩ tiêu cực
Hãy viết những suy nghĩ của bạn không cần theo thứ tự vào nhật ký trước khi đi ngủ hay mỗi sáng sau khi thức dậy. Ghi lại tất cả những gì đang nghĩ, đôi khi điều đó giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Bạn có thể kiểm soát suy nghĩ bằng các giác quan, hãy bắt đầu chú ý tới những thứ bạn nghe, nhìn, ngửi, nếm và cảm nhận.
Điều cốt lõi ở đây là kết nối lại bản thân với thế giới thực tại và mọi điều xung quanh. Khi bắt đầu chú ý tới các giác quan, bạn sẽ dành ít thời gian hơn để suy nghĩ. Bạn cũng có thể chú ý tới thói quen nghĩ nhiều và tự nhắc mỗi khi nhận ra nó.
Chú ý nhận biết khi nào bộ não đang hoạt động quá tải và suy nghĩ nhiều, cố gắng thoát khỏi trạng thái đó ngay lập tức, hãy đánh lạc hướng bản thân hay chú ý vào việc khác mà cần tập trung hơn.
Nếu bạn nhận thức và thay thế thói quen nghĩ nhiều hàng trăm lần mỗi ngày thì sẽ nhanh chóng sửa được.
Việc thay thế chỉ đơn giản là quay trở lại tập trung vào việc mình đang làm trên tay, đó cũng là một quyết định giúp thay đổi trạng thái nghĩ nhiều.
Ví dụ, hãy thay thế từ “Tôi không thể tin việc này xảy ra” thành “ Tôi có thể làm gì để ngăn nó xảy ra lần nữa?”, hay từ “Tôi không có những người bạn tốt” sang “ Bằng cách nào làm sâu đậm thêm tình bạn đang có và tìm thêm những người bạn mới?”.
Đừng để lạc trong những suy nghĩ về việc bạn có thể hay lẽ ra phải làm cách khác, căng thẳng tâm lý có thể ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống.
Một tâm trí suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến bạn suy kiệt và phương pháp dừng lại việc suy nghĩ quá nhiều là một trong những món quà tuyệt vời nhất bạn dành tặng cho bản thân.
Như những thói quen khác, thay đổi lối suy nghĩ hủy hoại cơ thể này là một thách thức nhưng không phải bất khả thi.
Bằng cách luyện tập, bạn có thể nhận thức mọi việc theo nhiều cách và giảm bớt căng thẳng.
Nếu suy nghĩ quá nhiều đang khiến bạn quá mệt mỏi và bạn nghĩ mình đang rơi vào vòng xoáy trầm cảm thì tốt hơn hết là hãy tìm sự trợ giúp của chuyên gia.
Theo Medium