Vì sao các nước phải cảnh giác cao độ với những lữ đoàn của Mỹ?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Đưa cả một lữ đoàn biên chế đủ binh lực đến bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ cần trong vòng 4 ngày là mục tiêu nhằm nâng cao năng lực tác chiến viễn chinh của lục quân Mỹ.

Biên chế và thách thức

Một lữ đoàn hạng nặng của bộ binh Mỹ gồm quân số biên chế theo kế hoạch là 3.700 - 3.800 người; lực lượng thiết giáp và bộ binh cơ giới hóa, chủ yếu được trang bị xe tăng chủ chiến "Abrams", xe chiến đấu bộ binh "Bradley" và xe thiết giáp trinh sát, một bộ phận xe thiết giáp bánh xích M113.

Lữ đoàn bộ binh hạng trung (và nhẹ) của Mỹ, quân số biên chế chỉ là 3.300 - 3.400 binh lính, gồm: bộ binh nhẹ, bộ binh đổ bộ đường không, bộ binh đột kích đường không, được trang bị bổ sung các thiết bị chuyên dụng.

Nhiệm vụ của lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ chủ yếu là tiến hành các hoạt động chiến đấu trong khu dân cư cũng như ở khu vực mà các loại kỹ thuật chiến đấu hạng nặng khó sử dụng.

Trong những năm gần đây, hình thức tác chiến đô thị đang trở nên phổ biến, loại hình tác chiến phi chính quy này không đòi hỏi số lượng đông, xe tác chiến hạng nặng…

Vì thế trong số 73 lữ đoàn bộ binh Mỹ hiện chỉ còn 25 lữ đoàn hạng nặng, 8 lữ đoàn hạng trung, nhưng lữ đoàn hạng nhẹ đã có 40 đơn vị cả thảy. Các đơn vị hạng nhẹ này sẽ tiềm tàng khả năng tác chiến viễn chinh, chỉ sau 4 ngày là triển khai đủ biên chế trang bị tại mọi chiến trường xa xôi, khắc nghiệt.

Vì sao các nước phải cảnh giác cao độ với những lữ đoàn của Mỹ? - Ảnh 1.

Để bảo đảm năng lực cơ động lữ đoàn viễn chinh như vậy, có nhiều thách thức đặt ra. Trước hết là trọng lượng, kích thước của vũ khí, kỹ thuật quân sự có trong biên chế của các lữ đoàn hạng nhẹ có thể vận chuyển bằng tất cả các loại máy bay vận tải quân sự của Không quân Mỹ, nhằm bảo đảm xếp dỡ nhanh, tạo cơ động chiến dịch, chiến lược cao.

Tiếp đến là khả năng bảo đảm cung ứng tiêu hao nhiên liệu, khả năng tích hợp các mô-đun kỹ thuật của binh khí như xe máy, khí tài, nguồn điện, đạn dược, quân lương cho binh sĩ, khi xuống đất là quay vòng tuần tự, không dồn ứ, nhầm lẫn.

Các tài liệu cho thấy, Mỹ tính kỹ đến khả năng tác chiến ở vùng nhiệt đới, vùng khí lạnh, vùng sa mạc, chi phối việc trang bị khác nhau rất nhiều.

Ví dụ ở vùng nhiệt đới phải coi trọng thiết bị chịu thấm nước, đạn dược dễ bảo quản, bảo độ chính xác khi khai hỏa cao, sức khỏe cho binh sĩ. Ngược lại vùng sa mạc thì coi trọng chống bụi, chống nóng cho cả binh sĩ và khí tài, trang bị.

Ưu thế lữ đoàn viễn chinh hạng nhẹ

Từ năm 2014, quân đội Mỹ đã xác định có 3 loại xe chuyên dụng cho lữ đoàn bộ binh nhẹ tác chiến xa. Đó là xe phòng hộ hỏa lực cơ động MPE, xe tác chiến siêu cơ động và trinh sát hạng nhẹ LRV. Nghiên cứu về xe tác chiến siêu cơ động, ta thấy, đó là xe chở khoảng 9 binh sĩ, tác chiến chiến thuật, có tính phù hợp với địa hình, bảo đảm việt dã cao.

Sau chiến tranh vùng Vịnh, người Mỹ nhận ra lữ đoàn bộ binh hạng trung và nhẹ có nhiều ưu điểm, trong đó thời gian có mặt tại khu vực tác chiến luôn nhanh hơn "đơn vị nặng" cả ngày đường.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới "Stryker" hạng trung, trang bị chủ yếu 10 kiểu loại, là các xe thiết giáp bánh lốp hệ "Stryker" khoảng 390 chiếc, xe "Hummer" và xe tải chiến thuật khác...

Trọng lương toàn lữ đoàn 1.300 tấn, chỉ cần sử dụng 270 lần chiếc máy bay C-17 là có thê hành quân xa từ châu lục này tới châu lục khác. Trong khi lữ đoàn hạng năng, có tổng trọng lượng tới 300.000 tấn, thì cần tới 442 lượt tàu bay vận chuyển xa.

Vận chuyển đường không được coi trọng

Với 3 loại xe chiến đấu được lục quân Mỹ xác định biên chế cho lữ đoàn hạng trung và nhẹ nêu trên, các xe thường phù hợp kích thước với lòng trực thăng UH-60, hoặc CH-47 Chinook. Nếu tác chiến xa quá tầm trực thăng thì tốt nhất được cơ động bằng máy bay C-17, C-130.

Máy bay vận tải C-17 tỏ ra ưu thế cao trong vận chuyển lữ đoàn bộ binh. Nó có tải trọng hiệu quả gần 78 tấn, nhưng hành trình bay khi chất đủ tải tới 4.650 km. Điều tuyệt vời là đường băng cho nó không "khó tính", chỉ cần nền đất phẳng, dù bụi lầm, dài trên 1.000 mét, rộng 27 mét là có thể cất hạ cánh chở nặng.

Thời kỳ đầu tham chiến ở Afghanistan, với khoảng cách từ các căn cứ của Mỹ tới vùng đất xa xôi này tới 850km, trong khi Pakistan không cho phép lập căn cứ không vận trung chuyển, Mỹ phải sử dụng tới 400 máy bay các loại trên Ấ Độ Dương, và trung chuyển từ tàu sân bay Kitty Hawk trực tiếp chi viện cho binh sĩ các lữ đoàn nằm sâu trong đồi núi vùng này.

Giờ đây, để bảo đảm "vận" binh sĩ và vũ khí đến chiến trường gần, cả lữ đoàn (biên chế đủ) không quân Lục quân Mỹ có lực lượng máy bay lên thẳng vận tải hùng hậu, các kiểu khác nhau, gồm 2.787 chiếc, trong đó có 397 chiếc máy bay lên thẳng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook.

Không những thế, trên phạm vi toàn cầu, không quân và hải quân Mỹ còn "kẽo kẹt" chuẩn bị vận chuyển trước "mọi thứ" tới các kho dự trữ khu vực, nhằm bảo đảm tiếp ứng nhanh cho các lữ đoàn viễn chinh "ăn ở" tác chiến dài ngày.

Phải kể đến 5 kho khổng lồ trên toàn cầu, như kho lớn nhất số 1 tại Mỹ, kho số 2 tại Mỹ, kho số 3 Ấn Độ dương, kho số 4 ở Hàn Quốc, kho số 5 ở Kuwait.

Vì sao các nước phải cảnh giác cao độ với những lữ đoàn của Mỹ? - Ảnh 2.

Lữ đoàn nhẹ, có bảo đảm tác chiến ?

Sau 4 ngày tới chiến trường lạ, một lữ đoàn Mỹ đã có đủ trang bị như ở nơi đồn trú ban đầu. Nhưng để sức mạnh chiến đấu làm ngày càng được tăng cường, lục quân Mỹ đã coi trọng hiện đại hóa toàn diện để nâng cao sức mạnh.

Trong đó phải kể đến việc số hóa các mặt hoạt động, từ thông tin liên lạc, trinh sát chiến đấu, phân phát vũ khí, lên kế hoạch tác chiến hiệp đồng không-bộ, giữa các tiểu đoàn với phân đội hỏa lực, binh chủng…

Về phương thức tác chiến, lữ đoàn Mỹ coi trọng việc tiến công chính xác, trong thời gian rất nhanh các mục tiêu. Xu hướng là: "trinh sát phát hiện-định vị-bám bắt-ngắm bắn-tiến công- đánh giá".

Các chỉ huy Mỹ đã rút ra, trước đây trong chiến tranh vùng Vịnh ( thập kỷ 90), thời gian đề tiến công một mục tiêu mất từ 80 đến 100 phút.

Tới chiến tranh ở Cô-sô-vô, tiến bộ hơn, còn từ 30 đến 45 phút. Thì tới chiến tranh Apganixtan tiến công một mục tiêu rút ngắn chỉ còn từ 15 đến 19 phút, sau đó đến chiến tranh Iraq chỉ vỏn vẹn 10 phút. Đó là nhờ số hóa, nâng cao năng lực binh sĩ và thông minh hóa vũ khí.

Bắn chính xác cũng là hướng phấn đấu của vũ khí hỏa lực và đạn nhọn trong lữ đoàn viễn chinh. Hiện loại pháo APMI 120mm, tầm bắn 6.300m có độ tản mát giữa các viên đạn thấp nhất.

Loại tên lửa dẫn chính xác của bộ binh là Excalibur M982 có tầm bắn từ 7500 đến 40.000m, hay tên lửa Blok 1A tầm từ 70.000m, đến 300.000m, dù tầm bắn xa, nhưng sai số vào mục tiêu chỉ trong vòng 10m.

Các lữ đoàn bộ binh, dù tác chiến xa, nhưng đã có hệ thống máy bay không người lái (UAV) đang tham gia mọi khâu, dần trở thành vũ khí chủ đạo. Người ta chứng minh, UAV dòng MQ-1 predator và dòng UAV MQ-1C của bộ binh đã hoàn thành tin cậy 300 giờ bay tác chiến, thực hiện tới 220.000 lượt cất hạ cánh, đều hoàn thành nhiệm vụ.

Vì sao các nước phải cảnh giác cao độ với những lữ đoàn của Mỹ? - Ảnh 3.

Bây giờ chỉ còn vấn đề năng cao công suất động cơ cho các UAV, sao cho lực đẩy tối đa đạt 160 lên 205 mã lực, cũng như tăng gấp đôi thời gian UAV ở trên không, từ 25 giờ lên 50 giờ.

Con số được tiết lộ, sau cắt giảm các loại vũ khí và trực thăng theo lữ đoàn, đến năm 2020 (3 năm nữa) các loại UAV trong lữ đoàn lục quân chiếm 25 % trang bị trong biên chế. Mỗi lữ đoàn có 1 tiểu đoàn UAV hỗn hợp, cùng số trực thăng hạn chế, dùng để trinh sát và tiến công.

Cơ hội lữ đoàn viễn chinh "nhẹ đi" trong vận chuyển đường xa sẽ còn rộng mở, mà sức chiến đấu vẫn được tăng cường.

Tuy thế, cấu trúc sức mạnh của lữ đoàn bộ binh quân đội Mỹ vẫn có "Gót chân Asin". Trang Polit.info, dẫn lời tác giả Olek Corolev (Олег Королев) người Nga rằng: Điểm yếu của bộ binh Mỹ là phòng không lục quân. Bộ binh Mỹ có một sự khác biệt với quân đội của các quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Nga là trang bị rất kém phương tiện phòng không đi kèm.

Các phân đội chỉ có hệ thống phòng không MANPADS "Stinger". Từ năm 2002 loại SAM tầm trung là "Hawk" lục quân Mỹ đã loại biên, cho đến nay vẫn chưa nhận được loại vũ khí phòng không tầm trung mới. Các lữ đoàn của NATO đã không chịu để như vậy, họ có các hệ phòng không đi kèm "che đầu" bộ binh rất khá.

Hiện bộ binh Mỹ còn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa "Patriot", nhưng dòng này quá cồng kềnh, khó triển khai linh hoạt trong tác chiến chiến thuật.

Một khi lực lượng cường kích đối phương bay dưới tầm "Patriot", nhưng trên tầm MANPADS "Stinger", chọc thủng vòm trời thì xe thiết giáp bánh lốp "Stryker", xe "Hummer" chở quân chủ lực không biết trốn vào đâu!

Dẫu thế nào, xét về góc độ điều quân, chỉ 4 ngày, tính ra có khoảng 106 giờ, tại mọi điểm nóng trên hành tinh, đã xuất hiện tới 1 lữ đoàn bộ binh Mỹ với trên 3000 binh lính, cùng trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại hóa… khiến cho các nước phải canh chừng, cảnh giác cao độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại