Dù sử dụng thuê bao của bất kỳ nhà mạng lớn nào tại Việt Nam như Viettel, MobiFone hay Vinaphone, bạn sẽ dễ nhận thấy một hiện tượng là tin nhắn đến từ tổng đài đa phần dùng tiếng Việt không dấu. Ngoài ra, không chỉ các nhà mạng mà tổng đài của các doanh nghiệp vẫn sử dụng tin nhắn với "ngôn ngữ thời điện thoại cục gạch" này.
Mặc dù ngôn ngữ sử dụng rất dễ hiểu và việc "dịch thuật" hoàn toàn không có gì khó khăn với người dùng phổ thông, điều này vẫn khiến chúng ta tự hỏi "Tại sao đã là thời đại 4.0, mà các nhà mạng vẫn nhắn tin như thời điện thoại nút bấm vậy?"
Trên thực tế, các nhà mạng chưa từng đưa ra câu trả lời chính thức cho thắc mắc này. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán từ các thông tin có trước và suy luận lý do thực sự đằng sau.
Theo như một số người dùng có hiểu biết về công nghệ thảo luận trên các diễn đàn, lý do đầu tiên có lẽ là vì dù smartphone hiện nay đã vô cùng phổ biến, một số dòng điện thoại đời cũ hoặc máy nước ngoài không hỗ trợ vẫn có thể gặp lỗi trong việc hiển thị tiếng Việt có dấu vì lỗi font.
Một người dùng Facebook tự nhận là nhân viên nhà mạng giải thích
Ngoài lý do này, lý do khả dĩ thứ hai đến từ băng thông mạng. Cụ thể, một số thành viên giải thích rằng việc soạn tin nhắn có dấu sẽ tốn nhiều ký tự hơn tin nhắn thường, và theo đó dung lượng của mỗi tin nhắn cũng sẽ bị nhân lên. Với người dùng cá nhân thì việc gửi một vài tin nhắn không ảnh hưởng gì, nhưng với nhà mạng, việc xử lý cùng lúc hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu tin nhắn với dung lượng lớn có thể khiến nghẽn mạng, tin nhắn không gửi được hoặc tới chậm, thậm chí tốn thêm chi phí.
Như vậy, có thể tóm gọn lý do mà các nhà mạng Việt Nam vẫn nhắn tin nhắn tiếng Việt không dấu bên cạnh một số tin nhắn có dấu đơn giản là vì vấn đề truyền tải dữ liệu, cũng như để toàn bộ người dùng đều có thể nhận được thông báo một cách dễ dàng.
Ảnh: Facebook