Vì sao Boeing lỗ tới gần 12 tỷ USD trong năm 2020?

Lê Thanh Hải |

Boeing đã công bố khoản lỗ kỷ lục hàng năm gần 12 tỷ USD, trong đó 6,5 tỷ USD là từ quý thứ tư, liên quan đến chương trình sản xuất loại máy bay mới nhất của họ là 777X. Hãng này cho biết 777X sẽ không thể ra mắt trước năm 2023, chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Các vấn đề của Boeing, bắt nguồn từ hai vụ tai nạn chết người của chiếc 737 Max, đã trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch virus corona. Nhu cầu đi lại lao dốc đã khiến tình hình tài chính của các hãng hàng không bị ảnh hưởng và làm giảm mạnh doanh số bán hàng của Boeing, bao gồm cả chiếc máy bay phản lực mới nhất của họ là 777X. Những nhu cầu yếu hơn đó và sự giám sát bổ sung đối với loại máy bay mới sau cuộc khủng hoảng 737 Max sẽ khiến thời hạn giao máy bay 777X bị trì hoãn. Loại máy bay phản lực thân rộng đó được sử dụng cho các tuyến quốc tế, những tuyến đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Vào hôm thứ Tư, cổ phiếu của Boeing đã giảm gần 4%, xuống 194,03 USD.

"Tôi rất vui mừng khi năm 2020 đã qua", CEO Dave Calhoun cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC".

Chương trình sản xuất 777X của Boeing đã bị vướng phải nhiều sự chậm trễ về mặt kỹ thuật. Boeing cho biết họ dự kiến ​​sẽ giao chiếc đầu tiên vào cuối năm 2023, chậm hơn hai năm so với dự báo vào tháng 4 năm ngoái, do nhu cầu yếu hơn và yêu cầu chứng nhận về độ an toàn ngày càng tăng sau cuộc khủng hoảng do 737 Max gây ra.

"Chúng tôi quyết tâm đáp ứng mọi yêu cầu tuân thủ từ mọi cơ quan quản lý trên thế giới vào ngày đầu tiên, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải kết hợp một số thay đổi về thiết kế. Vì vậy, sẽ tốn kém hơn một chút, và cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn để chứng nhận", Calhoun nói về 777X.

Boeing đã bị mất một số tiền khổng lồ: 15,25 USD một cổ phiếu trong quý thứ tư, khiến Phố Wall ngạc nhiên. Trước đó, các nhà phân tích dự báo mức lỗ chỉ là 1,80 USD/cổ phiếu.

Doanh thu quý 4 của Boeing giảm 15% so với một năm trước đó, xuống còn 15,3 tỷ USD, tốt hơn so với con số dự báo về doanh thu của các nhà phân tích là 15,07 tỷ USD. Khoản lỗ ròng của công ty trong ba tháng đã vọt lên 8,4 tỷ USD, một mức tăng khổng lồ so với con số 1,01 tỷ USD trong quý 4 năm 2019. Boeing không kỳ vọng sẽ trở lại dòng tiền dương cho đến năm 2022.

Boeing đã nhường nhiều đất hơn cho đối thủ Airbus khi lượng giao máy bay của nhà sản xuất đến từ Mỹ này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên và số vụ hủy đơn đặt hàng đạt kỷ lục vào năm ngoái. Năm 2021 được cho là một năm đầy thách thức khác đối với ngành hàng không khi các quy định hạn chế việc đi lại mới được đưa ra và số ca nhiễm virus corona càng khiến nhu cầu bay vốn đã giảm sút trở nên tồi tệ hơn.

Tác động của đại dịch đối với các chuyến bay quốc tế dài hơn đang làm gia tăng thêm những vấn đề đối với loại máy bay 787 Dreamliners của Boeing. Trước đó, công ty này đã cắt giảm sản lượng của loại máy bay phản lực đó và việc giám sát thêm - sau các vấn đề về sản xuất - đã cản trở việc giao hàng, vốn là điều rất quan trọng đối với Boeing vì đó là khi khách hàng trả hết phần lớn số tiền mua máy bay. Boeing cho biết họ không mong đợi cung cấp bất kỳ Dreamliners nào trong tháng này và "nếu có" thì sẽ rất ít trong tháng Hai.

Nhà sản xuất máy bay có trụ sở tại Chicago cũng đang cố gắng giải quyết dứt điểm hai vụ tai nạn của chiếc 737 Max, khiến tất cả 346 người trên máy bay thiệt mạng.

Hôm thứ Tư, các nhà quản lý châu Âu đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với loại máy bay này. Trước đó, các nhà quản lý hàng không Mỹ đã làm như vậy vào tháng 11, cho phép Boeing bắt đầu giao khoảng 400 máy bay phản lực mới mà hãng có trong kho tại cơ sở ở khu vực Seattle. American Airlines, United Airlines, Alaska Airlines, Aeromexico và Gol của Brazil là những hãng hàng không đã nhận máy bay Max cho đến thời điểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại