Hôm nay là Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) . Trên khắp tỉnh thành Việt Nam, từ sáng sớm các gia đình đã đi chợ, chuẩn bị mâm cúng tươm tất. Năm nay dù tình hình dịch diễn biến phức tạp, các gia đình, địa phương vẫn cố gắng để chuẩn bị các món đủ đầy, tinh giản, với tâm niệm cầu bình an, khoẻ mạnh sau khi “diệt sâu bọ”.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt không thể thiếu những thức quà đặc biệt như bánh gio/ bánh ú, rượu nếp, vải, mận…
Những món này được cho là có thành phần và cách làm đặc biệt, có thể giúp diệt sâu bọ, giun sán, ký sinh trùng trong bụng người ăn. Tuỳ từng vùng miền mà các sản vật cũng như cách bài trí có thể thay đổi, duy chỉ có một điểm tương đối giống nhau mà vùng nào cũng có đó là bánh gio/ bánh ú.
Có thể khác về tên gọi, kích thước, cách nấu, song bánh gio (miền Nam gọi là bánh ú, bánh tro) đều có điểm tương đồng về nguyên liệu và hình dáng: đều được làm từ gạo nếp ủ với nước tro, có hình khối tam giác.
Bánh gio của miền Bắc còn có tên gọi khác là bánh gio mật, được làm từ gạo nếp ngâm nước gio/ tro - pha chế từ tro thảo mộc và nước vôi trong. Bánh có màu hổ phách, đôi khi có thể chuyển màu trong suốt, kết cấu mềm dẻo, ăn cùng với mật mía sền sệt, vị ngọt mát, hơi nồng hương tro nhưng ăn dần rồi sẽ quen.
Bánh gio miền Bắc
Người miền Nam thì lại gọi thứ bánh đó là bánh ú/ bánh tro ú. Không cần ăn với mật như miền Bắc, bánh ú có nhân đậu xanh mềm ẩm, còn phần vỏ tương tự với bánh gio miền Bắc, cũng có màu cam nâu vì được nhuộm nước tro. Ngoài ra ở một số tỉnh thành miền Tây - miền Nam cũng có thêm phiên bản bánh ú mặn, hay còn gọi là bánh bá trạng của người Hoa. Vỏ bánh bá trạng làm từ gạo nếp đãi đậu xanh, nhân gồm thịt, trứng muối, tôm khô, đậu phộng…
Bánh ú miền Nam
Dù có thể khác nhau về cách chế biến và tên gọi nhưng những dòng bánh tro, bánh ú đều có hình khối tam giác. Vì sao lại như vậy?
Ông cha từ xa xưa đã nặn tạo những món bánh gio/ bánh ú/ bánh tro có hình tam giác, được cho là tuân theo lý lẽ của học thuyết âm dương ngũ hành. Hình tam giác đại diện cho dương Hoả, bao bọc bên ngoài cho lớp bánh tương sinh với âm Thổ bên trong. Màu sắc cam nâu của bánh tượng trưng cho màu của đất. Bánh gio miền Bắc không có nhân bởi vì thuyết “khi quay về với đất thì vạn vật trở về thuần khiết, nguyên bản”.
*Thông tin mang tính chất tham khảo.
Nguồn: Tổng hợp