Vì sao Bakhmut là điểm quyết chiến giữa quân đội Nga và Ukraine?

Trung Hiếu |

Bakhmut đang là tâm điểm chú ý trong cuộc xung đột vũ trang khốc liệt giữa Nga và Ukraine hiện nay. Bất chấp thương vong lớn, quân đội hai bên vẫn giằng co quyết liệt tại đây và không có dấu hiệu nhượng bộ đối phương.

Hai bên dồn sức tối đa cho trận đánh vào cuối năm 2022

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine trong năm 2022 là xung đột quy ước lớn nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Đây cũng là xung đột nhiều thương vong nhất của châu lục này kể từ sau Thế chiến II. Các trận chiến chính trong cuộc đối đầu này gợi nhắc là các trận đánh khốc liệt nhất trong thế kỷ 20. Một số trận tiêu biểu của xung đột này là trận bao vây Mariupol, trận Severodonetsk, cuộc tiến công Kherson và hiện nay là trận chiến Bakhmut.

Vì sao Bakhmut là điểm quyết chiến giữa quân đội Nga và Ukraine? - Ảnh 1.

Chiến sự Ukraine. Ảnh: DPA.

Trận chiến tại thành phố này bắt đầu sau cuộc tiến công Lugansk, khi điện Kremlin tái triển khai lực lượng ở Donetsk nhằm chiếm toàn bộ vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.

Trong 5 tháng, các lực lượng quân sự Nga đã tung hàng chục ngàn binh sĩ vào trận.

Thành phố Bakhmut nhiều nơi đã thành đống đổ nát sau các loạt pháo kích dữ dội.

Quân đội Ukraine đã sử dụng chiến hào để phòng ngự. Do không bên nào giành được ưu thế trên không nên mỗi mét đất giành được đều phải trả bằng nhiều xương máu.

Sau thời gian dài giao tranh, cả Nga lẫn Ukraine đều hứng chịu nhiều thương vong.

Tại đây, quân Ukraine bị đối phương áp đảo về số lượng nhưng bù lại, họ có lợi thế về vị trí phòng thủ. Ngoài ra, quân Ukraine còn nhận được tiếp viện là lực lượng tình nguyện viên Gruzia, Ba Lan, và Belarus. Bên cạnh đó, Ukraine còn có điều kiện luân chuyển nhân lực thường xuyên hơn.

Trước lợi thế của Ukraine, lực lượng của Nga lựa chọn cách tiếp cận bao vây và tiến chắc từng bước.

Bất chấp khó khăn lớn, Kremlin vẫn nỗ lực cao độ tại mặt trận này. Họ cũng đã sử dụng lực lượng rút khỏi Kherson để tăng viện cho khu vực Bakhmut.

Trong bối cảnh mùa đông, các cánh đồng quanh Bakhmut vẫn còn bùn đất và ẩm ướt, khiến các binh sĩ đôi bên phải lội bộ vất vả trong chiến hào.

Ý nghĩa của trận chiến đối với mỗi phe

Đột phá của quân Nga gần Bakhmut vào thời điểm trước đó có khả năng giúp Nga gây áp lực lên trung tâm hậu cần Kramatorsk. Trong khi đó với việc chiếm được Lyman và gây khó khăn nhất định cho giao thông trên cầu Kerch trong vài tháng qua, phía Ukraine đã gây trở ngại cho các tuyến tiếp tế của Nga.

Nếu Nga chiếm được Bakhmut, điều đó sẽ phá vỡ tuyến tiếp tế của Ukraine và mở ra một tuyến đường cho quân Nga gây áp lực lên Kramatorsk và Sloviansk, các thành trì chủ chốt của Ukraine ở Donetsk.

Phía Ukraine đang muốn tiêu hao lực lượng Nga ở Bakhmut . Về phần mình, phía Nga cũng muốn giành thanh thế lớn từ triển vọng chiến thắng quân Ukraine tại đây.

Nga đã sử dụng rocket để oanh tạc Bakhmut trong hơn nửa năm. Một cuộc tấn công trên bộ đã được đẩy mạnh sau khi quân Nga buộc phe Ukraine phải rút khỏi Lugansk vào tháng 7/2022.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, quân Nga cũng đẩy mạnh tấn công theo hướng thành phố Lyman ở Donetsk. Lyman nằm cách Bakhmut 65km. Theo Bộ này, họ “cố gắng chiếm thêm các vị trí có lợi để tiến quân xa hơn nữa”.

Các lực lượng Nga lần đầu chiếm được Lyman vào tháng 5 nhưng đã rút khỏi đây vào đầu tháng 10.

Nhưng rốt cuộc trận chiến Bakhmut nói riêng và xung đột vũ trang Nga - Ukraine nói chung sẽ đụng đến vấn đề chủ chốt là công tác hậu cần trong thời kỳ mùa đông lạnh giá 2022-2023 này. Ai có nguồn cung tốt hơn và thực hiện tốt việc trang bị đầy đủ nhất cho binh sĩ của mình sẽ nắm lợi thế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại