Lý do chính là trong xã hội Úc, từng cá nhân luôn ý thức tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền sống của mỗi con người và văn hoá đối xử giữa con người với nhau.
Nhờ vậy mà mặc dù vẫn có thể có những sai sót, hiểu lầm hay bức xúc, cùng lắm thì đã có thể lôi nhau ra toà và có sự phán xử, chứ không đến nỗi thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Từ đó nhìn lại vụ bạo hành mới đây ở Bệnh viện Thể thao (đánh và bắt bác sĩ quỳ, xin lỗi), là một người làm nghề y nhiều năm tại Úc, tôi cho rằng có 7 nhóm vấn đề sau khiến cho tình trạng này diễn đi diễn lại.
A. Nhóm nguyên nhân do XÃ HỘI.
Mạng xã hội có thể coi là sự phản ánh rõ nét và chính xác đời sống xã hội thật của Việt Nam hiện nay.
Ở đó, người ta sẵn sàng "sửng cồ" với nhau về lời nói - cũng tương tự ngoài đời chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ dàng chuyển thành hành động tay chân, thậm chí: một viên gạch, một chiếc mũ bảo hiểm nện vào đầu nhau, một con dao.
Chỉ là sự khác biệt quan điểm, suy nghĩ, nhóm này sẵn sàng chụp mũ nhóm kia, người này sẵn sàng nhục mạ người kia trên mạng ảo, và gây ra hậu quả thật với chính tâm lý của nhau ngoài đời.
Người với người đối xử với nhau bằng cảm tính chứ không bằng luật pháp, bằng sự vô cảm chứ không phải có trách nhiệm lương tâm.
B. Nhóm do nguyên nhân BỆNH NHÂN và THÂN NHÂN.
Đa số bệnh nhân và thân nhân đã mang đầy đủ những khó khăn và bất ổn về thể xác, tinh thần, gánh nặng kinh tế, có thể phải cam chịu, chứng kiến hay nghe nói quá đủ về tệ nạn phong bì, thái độ của nhân viên y tế...
Do vậy, như thùng thuốc súng sắp nổ, hễ thêm một chút hiểu lầm hay sai sót dù nhỏ của nhân viên y tế thì cũng có thể chuyển biến thành những vụ bạo hình đáng tiếc.
Bác sĩ D-Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị đánh bất tỉnh ngay phòng làm việc. Ảnh: T.T.
C. Nhóm do nguyên nhân THẦY THUỐC.
Không thiếu thầy thuốc còn thái độ chưa đủ điềm tĩnh, giải thích chưa cặn kẽ hay chưa đủ khả năng dự phòng các tình huống khó khăn.
Cuộc sống thầy thuốc, nhất là người ở tuyến trực tiếp điều trị cũng đủ "trên đe dưới búa", vật lộn cuộc sống thường ngày, rồi phải lo chuyên môn, bù đầu với các thủ tục giấy tờ, đến kinh tế lo cho gia đình.
Chính vì vậy, sự thư giãn cần thiết hay sự minh mẫn, lịch thiệp cần thiết có khi bị bỏ sót trong các thời điểm nào đó, và có thể gây hoạ. Và cũng có thể nói, đây là thất bại của sự chuẩn bị tâm lý của người thầy thuốc từ trường học lẫn trường đời.
D. Thiếu yếu tố BẢO VỆ.
Khung hình phạt thì dường như quá nhẹ! Việc xử lý các vụ bạo hành y tế ở mức chẳng vào đâu. Rồi ngay cả những người gọi là bảo vệ của cơ sở y tế chắc cũng chưa dám can thiệp ngay lúc xảy ra hiện tượng (chắc phải đợi số đông, phải có an ninh vào cuộc).
Tiếp đến là các cấp lãnh đạo của cơ sở y tế. Ở các vụ việc vừa qua, tôi ít thấy trên báo chí về việc có lãnh đạo cơ sở y tế nào đứng ra bảo vệ cho nhân viên mình, hoặc chí ít mạnh tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân viên.
Hay ít nhất là lên tiếng kiên quyết với các cấp có thẩm quyền: Bạo hành Y tế là việc Không Thể Chấp Nhận Được!
E. Yếu tố HOÀ GIẢI.
Thiếu sót hay mâu thuẫn trong y tế không thể tránh khỏi, nhưng chưa có những tổ chức hoà giải phù hợp (chẳng hạn như ở Úc là Bảo hiểm Y nghiệp hợp lý).
Sự bồi thường thoả đáng cho người bị hại (do sai sót y tế) cũng như sự hỗ trợ luật pháp/lời khuyên cho nhân viên y tế trong sự cố y khoa chưa được cân nhắc đầy đủ. Nên cả hai đều có thể bị thiệt thòi và ấm ức.
Trong bối cảnh đó, một nhân viên y tế không sai về chuyên môn nhưng đâu đó cũng có thể phải chịu hậu quả của ứng xử kiểu đấu tố. Ngược lại, một số các sai sót y khoa có thật có khi lại được che đậy bằng các thông tin chung chung, thiếu minh bạch. Đó chính là tiền đề cho những mâu thuẫn leo thang.
F. Cái Gốc NỘI TẠI của mỗi cá nhân.
Trí thức được xem là người có thể có hiểu biết và y tế là đại diện tiêu biểu. Nhưng nhân viên tế đã biết quyền hạn và trách nhiệm của mình đầy đủ chưa?
Dám đứng lên để đấu tranh cho những bất cập xã hội nhất là trong giáo dục, văn hóa và y tế chưa? Hay chỉ biết bảo vệ lợi ích cá nhân, bảo vệ lợi ích nhóm (nghề nghiệp)?
Lợi ích nhóm y tế chính là chúng ta chỉ cảm thấy nồi cơm bị nguy cơ, tính mạng và nghề nghiệp bị ảnh hưởng thì mới lên tiếng, mà vẫn vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, những bất cập về văn hoá giáo dục, những cái sai của bạo lực trong đời sống xa hơn về kinh tế - chính trị.
Vô tình, chúng ta - những người làm y tế - cũng đã tự góp phần gián tiếp cho hậu quả ngày hôm nay.
G. XU HƯỚNG và GIẢI PHÁP?
Xu hướng bạo hành y tế ở Việt Nam có vẻ như ngày càng tăng cấp bởi những nỗi bức xúc của người dân trước khó khăn về kinh tế và bất cập nhiều mặt trong xã hội. Khi bị bệnh họ sẽ gặp ai, sẽ xả vào ai? Tôi tin rằng nhân viên y tế sẽ còn phải hứng chịu nhiều vụ việc như thế nữa.
Nhiều nhân viên y tế có thể sẽ đón được cái phong bì để có thêm thu nhập với lời năn nỉ, cầu cạnh. Nhưng trước sau, một sự hiểu lầm sẽ là gửi nhau những nắm đấm, những cái đá hay con dao.
Nếu im lặng trước bất cập (bất cập đãi ngộ lương bổng, bất cập chính sách y tế...) thì y bác sĩ luôn là đối tượng dễ bị "trên đe dưới búa" bầm dập.
Nhiều thầy thuốc có lương tâm, trách nhiệm, thì cũng phải nhìn nhận là một bộ phận không nhỏ của chúng ta vẫn còn vô cảm và hèn nhát, không mạnh mẽ đòi quyền lợi, quyền được làm việc trong môi trường an toàn hơn.
Điều cần làm là nhân viên y tế cần chung tay để nói lên nguyện vọng của mình, tạo thành tập thể và thúc đẩy những người lãnh đạo có thể nói lên tiếng nói cho chính quyền lợi của nhân viên y tế.
Xin đừng quên, Ở một xã hội tiến bộ, người thầy thuốc thường dùng chữ TÂM làm chính, đấu tranh vì lẽ phải, biết yêu thương con người và sẽ được sự tôn trọng của người dân thì việc này tự khắc bạo hành đối với y tế sẽ giảm.