Sau cuộc đụng độ biên giới giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã nhanh chóng ký kết các thỏa thuận đặt mua 21 tiêm kích MiG-29 và 12 tiêm kích Su-30MKI từ Nga, đồng thời thúc giục Moscow đẩy nhanh quá trình chuyển giao hệ thống phòng không S-400.
Mới đây, tờ Eurasiantimes đặt ra một câu hỏi: Tại sao Ấn Độ lại phớt lờ Mỹ và chạy ngay tới Nga để tìm kiếm sự giúp đỡ?
Các chuyên gia đã thắc mắc về sự cấp bách mà Ấn Độ thể hiện trong chuyến thăm Nga. Cộng đồng mạng thì băn khoăn tại sao Bộ trưởng Ấn Độ lại bay sang tận Nga để nhờ hỗ trợ chống Trung Quốc, mà không tìm tới Mỹ - quốc gia luôn "trước sau như một" hậu thuẫn New Delhi chống Bắc Kinh.
Các thỏa thuận mua vũ khí từ Nga trong nhiều năm qua đã đưa Ấn Độ vào một vị thế mà trong đó, 86% thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Nga. Điều đó đã giải thích cho sự phụ thuộc nặng nề của quân đội Ấn Độ đối với Nga hiện nay.
Một bản nghiên cứu của tổ chức tư vấn Stimson Center tiết lộ chi tiết thêm rằng, 90% khí tài Lục quân, 41% khí tài Hải quân và 2/3 khí tài Không quân của Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh lên máy bay tới Nga sáng 22/6. Ảnh: ANI.
"Tỷ lệ hệ thống vũ khí Nga trong quân đội Ấn Độ đang gia tăng chứ không hề giảm đi, đó là do các chương trình mua sắm của họ.
Mặc dù hải quân và không quân Ấn Độ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Nga nhưng năng lực tấn công hoặc những khả năng tiên tiến nhất của họ vẫn bắt nguồn từ khí tài Nga" – Nhà phân tích Sameer Lalwani viết trong bản nghiên cứu của Stimson Center.
Theo dữ liệu của tổ chức tư vấn SIPRI trụ sở tại Stockholm, kể từ năm 2014, khi Đảng Bhartiya Janta lên cầm quyền, nhà cung cấp chủ lực trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ chính là Nga, với sản lượng xuất khẩu sang Ấn Độ đạt tới 9.3 tỷ USD. Mỹ xếp xa ở phía sau với sản lượng xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ đạt 2,3 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
"Có rất nhiều lý do cho điều này. Một là vấn đề di sản. Nga-Ấn đã mối quan hệ quốc phòng lâu dài và cả hai phía đều có sự thân thuộc với các hệ thống và quy trình của bên còn lại.
Lý do thứ hai là sự phụ thuộc, và thứ ba là loại thiết bị chuyên biệt mà Nga cung cấp cho Ấn Độ, trong khi không bên nào khác làm được điều đó" – Một quan chức trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.
"Hệ thống phòng không S-400 là một ví dụ điển hình gần đây nhất, chúng tôi còn có những chiếc tàu ngầm hạt nhân mà họ [Nga] cho thuê, và tàu sân bay từ Nga. Điều đó tạo nên sự khác biệt" – Vị này nói thêm.
Hiện nay, tàu sân bay duy nhất đang hoạt động INS Vikramaditya và tàu ngầm tấn công hạt nhân duy nhất Chakra II của Ấn Độ đều đến từ Nga. Các xe tăng T-90, T-72 của lục quân, tiêm kích Su-30MKI của không quân Ấn Độ cũng đều có nguồn gốc từ Nga. Tên lửa siêu vượt âm hạt nhân duy nhất của Ấn Độ - BrahMos – cũng là sản phẩm hợp tác Nga-Ấn.
Trong khi đó, tỷ lệ vũ khí Mỹ trong trang bị của Ấn Độ thấp hơn, chủ yếu là các trực thăng Apache và Chinook mà New Delhi đang triển khai ở Ladakh. Bên cạnh đó là pháo tự hành M777 dành cho Lục quân, các máy bay vận tải Boeing C-17 và C-130J giúp tăng cường năng lực không vận của không quân Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ hiện cũng đang đề xuất mua thêm 4 chiếc máy bay tuần thám săn ngầm P-8I từ Mỹ.
Ông Lalwani cho rằng, nếu Mỹ muốn tăng cường hợp tác quân sự và giúp củng cố năng lực hàng hải cho Ấn Độ - quốc gia chắc chắn đang phải trải qua giai đoạn cắt giảm ngân sách vì đại dịch và phải đối mặt với những nhu cầu tốn kém nhằm bảo vệ biên giới trước Trung Quốc, thì họ có thể triển khai một số công cụ giúp giảm thiểu chi phí mua sắm cho Ấn Độ.
Có thể kể đến như cơ chế hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài, cho phép New Delhi mua thêm các máy bay tuần thám biển P-8 và UAV trinh sát để tăng cường năng lực nhận thức hàng hải.