Các loài động vật có vú ở biển - các loài động vật bao gồm cá voi, cá heo, hải cẩu, sư tử biển, rái cá biển, cá nược và lợn biển - đang bị đe dọa bởi một loạt hoạt động của con người. Các loài như cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương, cá voi Rice và cá heo Vaquita đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, các mảnh vụn nhựa lại đặt ra một vấn đề đặc biệt quan trọng. Động vật có vú ở biển ăn nhầm các vật dụng như túi nhựa, giấy gói thực phẩm, dây thừng và ngư cụ bị bỏ rơi hoặc chúng bị vướng vào các vật dụng bằng nhựa, bao gồm cả lưới đánh cá. Cả hai tình huống đều có thể dẫn đến thương tích và trong nhiều trường hợp là tử vong.
Cá voi xanh có thể ăn đến 10 hoặc 15 tấn thức ăn mỗi ngày, vì thế lượng nhựa mà chúng ăn vào là rất nhỏ theo tỷ lệ. Tuy nhiên đó vẫn là một mối nguy hiểm lớn và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của chúng
Khám nghiệm tử thi được thực hiện trên 34 con cá heo và cá voi mắc cạn dọc bờ biển Hy Lạp vào năm 2019 cho thấy 9 con trong số chúng (thuộc bốn loài khác nhau) đã ăn phải nhựa – và việc tiêu thụ nhựa được xác định là nguyên nhân gây tử vong ở ba trong số những con vật này.
Và ở thời điểm hiện tại, một nghiên cứu gần đây của Mỹ đã tiết lộ rằng các loài động vật có vú ở biển phải đối mặt với một mối đe dọa từ nhựa tinh vi hơn: hạt vi nhựa.
Trong đại dương, vi nhựa (các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm) thường tích tụ trong mang hoặc đường tiêu hóa của động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã tìm thấy hạt vi nhựa trong nhiều mô khác nhau của một số loài cá voi, cá heo và hải cẩu khác nhau.
Điều này cho thấy rằng các hạt vi nhựa bằng cách nào đó có thể di chuyển từ bộ phận này của cơ thể động vật sang bộ phận khác. Phát hiện này có thể mang lại ý nghĩa về mặt sức khỏe không chỉ đối với động vật có vú ở biển mà còn đối với con người.
Trong số những con cá voi được nghiên cứu còn có cả cá voi xanh, loài động vật lớn nhất hành tinh với khối lượng có thể lên đến 165 tấn, dài đến 33m và tuổi thọ lên đến 90 năm. Theo một ước tính sơ bộ, loài cá này có thể tiêu thụ khoảng 10 triệu mảnh vi nhựa (hơn 43kg) mỗi ngày, hoặc thậm chí là có thể nhiều hơn
Mô bị ô nhiễm
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu mô từ 32 loài động vật riêng lẻ thuộc 12 loài động vật có vú ở biển. Những con vật này đã bị mắc cạn hoặc được thu thập từ năm 2000 đến năm 2021.
Các mẫu được lấy từ mỡ, melon (cấu trúc mỡ được tìm thấy ở trán của cá voi), miếng mỡ âm thanh - acoustic fat pads (từ hàm) và mô phổi của động vật. Tất cả đều phục vụ các chức năng quan trọng, chẳng hạn như giúp động vật có vú ở biển thở, nghe, xác định vị trí con mồi và giữ ấm.
Phân tích các mẫu cho thấy rằng mỗi mẫu melon, miếng mỡ âm thanh và mô phổi đều chứa vi hạt nhựa. Các hạt trong các mẫu mô có phạm vi từ rất nhỏ (24µm) đến tương đối lớn (1.387µm).
Không chỉ đối với cá voi, vấn đề này cũng là mối đe dọa của tất cả những loài động vật khác có nguy cơ ăn phải nhựa.
Hạt nhỏ nhưng tác động lớn
Nghiên cứu đã cung cấp cho chúng ta một số hiểu biết về việc hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng như thế nào đến các loài động vật biển. Tại Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với các hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, tăng trưởng và sinh sản ở động vật lọc nước biển hoặc trầm tích làm thức ăn.
Bằng chứng về tác động của vi nhựa đối với động vật lớn hơn là rất hạn chế. Điều này là do sự hiểu biết của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ việc quan sát động vật đã chết.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mảnh vi nhựa có thể gây ra sự hình thành mô sẹo trong dạ dày của loài chim biển. Cũng có lo ngại rằng các hóa chất có trong rác thải nhựa ở biển có thể thấm vào mô của động vật có vú ở biển khi ăn phải.
Ở thời điểm hiện tại, đa số những nghiên cứu về ảnh hưởng của hạt vi nhựa đối với cơ thể con người đều được tiến hành trong phòng thí nghiệm.
Hiện tại, nguy cơ nuốt phải hạt vi nhựa từ bữa ăn hải sản thấp hơn so với việc uống nước đóng chai. Tuy nhiên, sự phổ biến của hạt vi nhựa trong môi trường biển đang gia tăng nhanh chóng và hiện rõ ràng là những hạt này cũng có thể xâm nhập vào máu của động vật và con người. Nghiên cứu đã tìm thấy các hạt vi nhựa trong mẫu máu người và trong nhau thai người.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cố gắng nêu bật những tác động tiêu cực nói chung của việc tiếp xúc với vi nhựa đối với cá nhỏ và động vật không xương sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về hậu quả của việc ăn phải vi nhựa đối với các động vật có vú lớn hơn như cá voi, cá heo và con người.
Điều các nhà khoa học chắc chắn là ở thời điểm hiện tại là mật độ của vi nhựa trong môi trường biển đang ngày càng tăng cao - đại dương của chúng ta hiện chứa hơn 170 nghìn tỷ hạt nhựa. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng nhựa chảy vào môi trường biển là rất cần thiết.
Nghiên cứu được xuất bản trên The Conversation bởi Samantha Garrard tại Phòng thí nghiệm Plymouth.
Nguồn: Inverse