Rachel Diamond mặc một chiếc áo phông xanh bên trong váy liền quần màu đen, với đôi giày cơ bản và chiếc túi da bên cạnh. Cô trông giống như bao bà mẹ trẻ khác tại một quán cafe ở New York.
Chỉ khác ở chỗ người phụ nữ 31 tuổi chưa từng làm mẹ, và sẽ không bao giờ sinh nở được.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành tấm gương cho việc triệt sản," - cô chia sẻ.
Rachel Diamond
Một thế hệ kỳ lạ
Những trường hợp như Diamond giờ không hiếm tại Mỹ. Tỉ lệ sinh của nước Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận hồi thập niên 1930. Nhiều phụ nữ như Diamond không chỉ lảng tránh chuyện mang thai, mà còn tìm cách chối bỏ luôn thiên chức của mình mãi mãi thông qua triệt sản.
Năm 2020, tỉ lệ tử vong tại 25 tiểu bang đã vượt quá tỉ lệ sinh, so với thời kỳ 5 năm trở lại đây. Tỉ lệ kết hôn cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại, chỉ 6,5 cặp đôi kết hôn trên 1000 người. Trong đó, Gen Y (hay Millennials - thế hệ ra đời trong giai đoạn 1981 - 1996) chiếm phần lớn trong số người chưa kết hôn (56%).
Họ cũng có xu hướng chung sống với cha mẹ, theo một số khảo sát, và đồng thời cũng không quan hệ tình dục. Số nam giới từ 18 - 30 tuổi thừa nhận không quan hệ với ai trong năm qua đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2008 - 2018. Ở các thành phố lớn như New York, số người trẻ chọn tự lập, không sinh con cũng tăng lên. Hay như San Francisco, số lượng chó còn nhiều hơn số trẻ em.
Đã từng có thời điểm mọi người đều mong muốn có con. Chính xác hơn, nó giống như mục đích để tồn tại của một giống nòi. Dĩ nhiên con người có nhiều mong muốn khác nữa, chẳng hạn như chuyện đấu tranh cho nữ quyền cũng là để làm sao có được một cuộc sống cân bằng giữa sự nghiệp và con cái.
Nhưng thời thế đã thay đổi, với câu hỏi thật khó để trả lời: Tại sao phải sinh con?
Áp lực bộn bề
Quan điểm trên không tự nhiên xuất hiện. Nó xảy ra giữa cơn bão văn hóa và áp lực của cuộc sống đang ngày càng bộn bề hơn.
Thông điệp của họ thực ra là khá rõ ràng: Cuộc sống vốn đã rất mệt mỏi rồi. Ai lại muốn mang một sinh linh mới đến một xã hội đầy bất công, ở một hành tinh sắp đối mặt với thảm họa từ nước biển dâng lên cơ chứ?
Trong một khảo sát, 39% người thuộc thế hệ Gen Z (1997 - 2012) cho biết họ ngần ngại sinh nở vì sợ các thảm họa về môi trường. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Michigan cho thấy 1/4 người trưởng thành chọn cuộc sống không sinh nở. Một nghiên cứu mới đây do Viện Nghiên cứu Gia đình (Mỹ) cũng cho thấy mong muốn sinh con ở người trưởng thành giảm 17% kể từ khi đại dịch ập đến.
"Tôi nghĩ thật sai trái về mặt đạo đức khi sinh con trong thế giới này," - Isabel (28 tuổi), người tự nhận thuộc nhóm "anti sinh nở" cho biết.
Quy định cấm nạo phá thai mới ban hành tại bang Texas thậm chí đã khiến Isabel quyết định triệt sản nhanh hơn. "Tôi đã định chờ đợi đến năm 30 tuổi. Nhưng với dự luật mới, tôi không thể chấp nhận rủi ro phải mang thai mà không được nạo."
Vài ngày trước, cô được chấp thuận làm phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Cô hy vọng rằng ca phẫu thuật sẽ được thực hiện trong vài tháng tới, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và sự sắp xếp của bệnh viện. Nếu thành công, cô sẽ không còn khả năng mang thai nữa, và cô hài lòng về điều đó, thậm chí còn lên kế hoạch ăn mừng tại quán sushi gần nhà.
"Tôi không muốn phải làm việc cả đời," - Isabel hy vọng sẽ được về hưu sớm hơn tuổi 50.
Tương tự là Darlene Nickell (31 tuổi) ở Denver (Colorado) đã làm phẫu thuật triệt sản (thắt ống dẫn trứng) cách đây 8 tháng. "Thế hệ của chúng tôi thấu hiểu về sự ám ảnh của cha mẹ dành cho mình," - cô bộc bạch. "Mẹ tôi nghiện cần sa, thích làm mọi thứ theo ý mình, trong khi bố thì đi làm suốt."
Darlene Nickell
Lần đầu tiên Nickell muốn triệt sản là vào năm 21 tuổi, nhưng bác sĩ yêu cầu cô phải có sự đồng thuận của chồng (hoặc bạn trai), hoặc từng sinh ít nhất 2 con. Trong khi đó, một người bạn của cô thời trung học đã được thắt ống dẫn tinh từ trước đó 1 năm. "Như thể phải nhận một cú đấm vậy," - cô nhớ lại.
Nhân loại là một sai lầm?
Bạn trai của Diamond - Cameron Gilkes (33 tuổi) cũng là một người thuộc nhóm muốn một cuộc sống không vướng bận con cái. Họ gặp nhau qua một ứng dụng hẹn hò từ cách đây 7 năm, và sớm bộc bạch quan điểm ngay từ buổi hẹn hò lần 2.
"Không vướng bận" (childfree) - cuộc sống mà Diamond và Gilkes lựa chọn khác với cộng đồng "anti sinh nở" (antinatalism). Họ không nghĩ chuyện sinh nở là sai trái, chỉ là không muốn mà thôi.
Gilkes cho biết, họ từng phải đối mặt với một số câu hỏi từ những người không thích quan điểm này. "Nếu như con của cô cậu lại là một người có thể chưa được ung thư thì sao? Nếu sau này hối hận thì sao? Ai sẽ chăm sóc cho cô cậu khi về già?"
Nhưng cộng đồng "không vướng bận" thì có rất nhiều lý do để từ chối sinh nở: sợ mang thai, sợ pháp luật, sợ chứng "tiền sản giật" (một hội chứng nguy hiểm cho thai phụ và em bé), hoặc sợ bị trầm cảm sau sinh.
Và như trường hợp của cặp Diamond, họ sợ bị phân biệt chủng tộc. Diamond là phụ nữ da trắng, trong khi Gilkes là người da màu. Họ sợ rằng một đứa trẻ đa chủng tộc sẽ phải chịu khổ giữa xã hội nước Mỹ bây giờ. "Tôi khó mà thấu hiểu được nếu như con đi học về với một khuôn mặt bầm tím, mái tóc rối bù chỉ vì màu da của nó," - Diamond thẳng thắn nói.
"Tôi từng đổ vỡ một mối tình vì bạn gái cũ không muốn phải đối mặt với sự phân biệt khi hẹn hò cùng một anh chàng da đen," - Gilkes nói thêm.
Theo Clay Routledge, nhà tâm lý học từ ĐH Bang North Dakota, có một quan điểm ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ, rằng mọi vấn đề của thế giới đều là vì con người. Không chỉ bởi nhân loại đã xây dựng các nhà máy và làm ô nhiễm đại dương, hay ném hàng tấn rác vào vũ trụ. Họ cho rằng nó liên quan đến thứ gì đó "bên trong" con người - như nhiễm sắc thể - khiến chúng ta không thể làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.
"Họ bảo rằng tương lai không phải là một thứ nên hướng đến," - anh nhận xét. "Và nếu không có tương lai thì tại sao phải tạo ra thế hệ kế tiếp? Tại sao phải làm từ thiện? Tại sao phải quan tâm đến thế giới này?" Routledge chia sẻ thêm rằng thế hệ trẻ ngày nay đang cảm thấy "nhân loại là một sai lầm".