Sau sự kiện cựu tiền đạo Lê Công Vinh được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch rồi quyền Chủ tịch CLB TP.HCM, dư luận đã có rất nhiều ý kiến lo ngại việc, đội bóng được coi là "con ruột" của bóng đá TP.HCM, sẽ phát triển với bản sắc địa phương như thế nào.
Và khi các thương vụ chuyển nhượng hoàn tất, CLB TP.HCM bổ sung thêm 5 gương mặt quê quán Nghệ Tĩnh, gồm: trung vệ Trương Đình Luật - cũng sẽ là đội trưởng mới, hậu vệ phải Âu Văn Hoàn, tiền phải trái Nguyễn Hồng Việt và hai tiền vệ trung tâm Đậu Thanh Phong, Lê Mạnh Dũng.
Điều này khiến không ít ý kiến bức xúc về viễn cảnh, CLB TP.HCM sẽ lại là một "đoàn quân xứ Nghệ", rời xa bản sắc địa phương.
Tuy nhiên, như quyền Chủ tịch Công Vinh đã khẳng định, bóng đá luôn là một cuộc chơi dài hơi, mục tiêu trước mắt của TP.HCM phải là trụ hạng thành công ở V-League 2017 đã, nếu được thì "vào mùa giải sau, đội bóng sẽ có diện mạo hoàn toàn khác, đi cùng với sự phát triển chung của bóng đá TP.HCM".
Công Vinh nói không sai. Nhìn thẳng vào những sự bổ sung gốc gác xứ Nghệ, tất cả đều là những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm V-League, "có thể dùng được ngay" và trong số đó cũng có những tuyển thủ Quốc gia thâm niên.
Tương tự với những tân binh khác, như hậu vệ trái Nguyễn Văn Việt từ lâu đã được đánh giá cao ở Than Quảng Ninh, thủ môn Đinh Xuân Việt từ Hải Phòng - giữ sạch lưới nhiều thứ nhì ở V-League 2016 (6 trận), hai cựu tuyển thủ là tiền vệ Võ Duy Nam và trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh - đều cũng là những trụ cột trước đây của Hà Nội T&T và SHB.Đà Nẵng.
Lép vế hơn về độ nổi tiếng so với những gương mặt trên, nhưng hai tân binh khác là cầu thủ tấn công Đỗ Thanh Sang và thủ môn Nguyễn Thiện Esele có chuyên môn "không phải dạng vừa đâu".
Nếu Nguyễn Thiện Esele khi còn ở B.Bình Dương luôn được ghi nhận cao về chuyên môn, bằng chứng là những lần bắt chính ở đấu trường AFC Champions League thì với Thanh Sang, khoảng giữa năm 2008, cầu thủ gốc Bình Định lúc đó mới tròn 20 tuổi này, đã được HLV Calisto điền tên vào suất thay thế Lê Công Vinh ở tuyển Việt Nam.
Rất tiếc cho Thanh Sang khi sự nghiệp của anh lận đận như chính bóng đá Bình Định thời điểm đó đến tận nay.
Về hai cầu thủ ngoại binh là tiền vệ Victor Ormazabal và tiền đạo Dyachenkho, chắc hẳn không thể nói nhiều hơn về chuyên môn.
Victor là "hàng" mà HLV Phan Thanh Hùng cực kết khi ông còn dẫn dắt Hà Nội T&T. Khi đã chuyển tới Than Quảng Ninh, vị HLV có chuyên môn nhất nhì bóng đá Việt Nam này cũng đã luôn muốn đưa tiền vệ người Argentina về đất Mỏ. Còn tiền đạo Dyachenko, 12 bàn thắng ở V-League 2016, đã là một thống kê thuyết phục.
Victor và Dyachenko (phải).
Dàn ngoại binh đáp ứng được ngay về chuyên môn, kinh nghiệm thi đấu tại V-League chắc chắn sẽ là bệ phóng để các cựu binh đa phần đều còn trẻ của CLB TP.HCM, "đá lên chân" không chỉ ở mùa 2017 mà còn dài hơi hơn.
Dư luận thường hay đặt nặng về bản sắc của một đội bóng. Nhưng hẳn không nhiều người rõ về khái niệm này.
Đừng quá chú trọng về gốc gác cầu thủ để nói về bản sắc của một CLB. Nền tảng của bóng đá miền nam khi trước đa phần cũng có nhiều cầu thủ gốc các tỉnh như Biên Hòa, Gò Công, Đồng Tháp, An Giang. Cái chính là những cầu thủ này đã thành danh nhờ các đội bóng ở Sài Gòn.
CLB TP.HCM có bản sắc TP.HCM. Đội bóng này có 5 gương mặt xuất thân từ chính bóng đá trẻ, phong trào của TP.HCM và chính gốc TP.HCM, gồm: các tiền vệ Trần Thanh Bình, Nguyễn Minh Trung, Trần Hoàng Phương, Bùi Trần Kiệt, và hậu vệ Lê Minh Hòa.
Trong số này, gương mặt được biết đến nhiều nhất trên các mặt báo có lẽ là tiền vệ Trần Hoàng Phương, với biệt danh "Ronaldo" TP.HCM. Đây chính là cầu thủ đã có màn solo đẹp mắt qua mặt hàng loạt những hảo thủ của U21 HAGL, ở giải U21 Quốc gia 2015.
Ronaldo TP HCM, Trần Hoàng Phương.
"Ronaldo" TP.HCM hiện mới 22 tuổi, nên khả năng anh được đá chính ở V-League 2017 là không cao. Nhưng tương lai gần, chắc chắn sẽ hoàn toàn khác.
Trong số những cầu thủ chính gốc TP.HCM, Trần Thanh Bình cũng đã nổi lên từ giải U21 Quốc gia, và ở mùa tới sẽ là trụ cột của đội. HLV Lư Đình Tuấn nay là trưởng đoàn CLB TP.HCM cũng luôn đánh giá tốt về chuyên môn của tiền vệ sinh năm 1993 này, với nền tảng kĩ thuật, thể lực tốt, đặc biệt là những tình huống dứt điểm bất ngờ, có độ chính xác cao từ ngoài vòng cấm.
Trong buổi tập gần đây của CLB TP.HCM, sau khi Thanh Bình tung ra nhiều pha dứt điểm bất ngờ, ông Tuấn cũng tấm tắc khen: "Bình tốt quá. Đá như thế đội bạn mới sợ chứ".
Bên cạnh những cầu thủ chính gốc, CLB TP.HCM cũng có nhiều cầu thủ phát triển và thành danh nhờ đội bóng.
Kể ra ngay có Vua phá lưới hạng Nhất 2016 - Nguyễn Tuấn Anh (Lâm Đồng), trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn (Đà Nẵng), tiền đạo Nguyễn Trọng Phi (Hà Tĩnh), hay tiền vệ trẻ mùa sau sẽ có suất chính bên hàng lang cánh phải đội, cũng xuất thân từ đội trẻ - Nguyễn Anh Tài (Quảng Ngãi).
Trong số này, Nguyễn Hữu Tuấn là cầu thủ có thâm niên nhất ở CLB TP.HCM, với 5 năm gắn bó.
Nguyễn Hữu Tuấn đã có 5 năm gắn bó với CLB.
Trải qua nhiều thời kỳ biến động và có lúc tưởng chừng như biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, bóng đá TP.HCM đã trở lại. Tất nhiên, bất cứ ai cũng muốn "đất đâu người đấy", nhưng suy xét công bằng, một đội bóng muốn có khán giả trước tiên phải trụ lại được ở sân chơi tầm cao nhất.
Ở các lò trẻ tại TP.HCM, ngay cả PVF giỏi nhất, cũng không có nhiều cầu thủ chính gốc TP.HCM. Và nhìn sang "hàng xóm" B.Bình Dương bao năm qua là "Chelsea Việt Nam", đang khốn khó với kế hoạch đôn cầu thủ trẻ địa phương lên thi đấu V-League.
Bởi thế nên, điều cần nhất với CLB TP.HCM lúc này là trụ hạng thành công, bất chấp cả việc cất "Ronaldo" TP.HCM là Trần Hoàng Phương lên ghế dự bị.
Thay vì soi xét quá đà về gốc gác của các cầu thủ CLB TP.HCM, tất cả nên chờ đợi về sự thành công, của lời hứa hẹn từ quyền Chủ tịch CLB TP.HCM - Lê Công Vinh:
"Đội bóng sẽ trở thành một đội bóng mạnh trong tương lai và bóng đá TP.HCM sẽ trở lại với vị thế khi xưa, cạnh tranh vị thế cao nhất bóng đá Việt Nam".