Một người tử vong liên quan tới món bánh của McDonald's
Vào ngày 22/10 (giờ địa phương) Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, tại 10 tiểu bang đã có 1 người tử vong, 49 người bị bệnh và 10 người phải nhập viện. Tất cả đều liên quan đến vi khuẩn E. coli, được cho là có trong món ăn nổi tiếng nhất trong thực đơn của McDonald's - hamburger Quarter Pounder.
Cơ quan này cũng cho hay, chủng vi khuẩn E. coli O157:H7 được tìm thấy có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và là nguồn gốc của đợt dịch bùng phát năm 1993 khiến bốn trẻ em tử vong sau khi ăn hamburger chưa nấu chín tại nhà hàng Jack in the Box.
CDC cho biết thành phần thực phẩm cụ thể liên quan đến đợt dịch này vẫn chưa được xác định nhưng các nhà điều tra đang tập trung vào hành tây tươi thái mỏng và thịt bò tươi được sử dụng tại McDonald's.
Hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới đã chủ động loại bỏ hành tây thái mỏng và thịt bò viên cũng như hamburger Quarter Pounder khỏi các cửa hàng ở những tiểu bang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
E.Coli nguy hiểm thế nào?
Hầu hết E. coli đều vô hại và là một phần của đường ruột khỏe mạnh, giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, sản xuất vitamin và bảo vệ chúng ta khỏi các vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, một số E. coli có thể khiến mọi người bị tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng huyết và các bệnh khác. Trong đó có E. coli O157:H7 được tìm thấy trong vụ việc trên.
E.Coli gây hại thường được tìm thấy trong các thực phẩm chưa nấu chín, chất thải, nguồn nước ô nhiễm...
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 bao gồm đau bụng dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa. Hầu hết những người bị nhiễm trùng sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi từ ba đến bốn ngày sau khi ăn hoặc uống thứ có chứa vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát trong khoảng thời gian từ một đến 10 ngày sau khi tiếp xúc.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ thuyên giảm sau 5- 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng kém, nhóm người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, đặc biệt một số người mắc các vấn đề nghiêm trọng về thận (hội chứng urê huyết tán huyết, còn gọi là HUS) thì khi vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể di chuyển đến các cơ quan khác và gây hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong.
Làm gì để phòng ngừa E.Coli?
Ngoài việc "ăn chín uống sôi" cũng như đảm bảo nguồn nước sạch, chúng ta có thể phòng tránh nhiễm khuẩn E.Coli gây hại bằng những cách sau:
- Sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ dùng các thực phẩm tươi. Cần phải ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch các loại quả, rau ăn sống. Nên gọt vỏ hoa quả trước khi ăn. Không sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh đã được rã đông và cấp đông lại nhiều lần.
-Thức ăn sau khi vừa nấu xong nên ăn ngay, đảm bảo hương vị của món ăn đồng thời tránh nhiễm khuẩn từ môi trường.
- Cần bảo quản các thức ăn đã nấu chín cẩn thận và đúng cách. Các thức ăn chín nếu dùng lại sau 5 tiếng nên được đun kỹ lại. Không nên dùng các thức ăn dùng lại cho trẻ em.
- Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với thức ăn sống hoặc với các bề mặt bẩn (như sử dụng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm). Bát đĩa cần phải được vệ sinh và lau khô bằng khăn sạch.
Nguồn: CNN, Daily Mall, CDC