lostridium Botulinum. Ảnh: Theo VFA.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), với các trường hợp ngộ độc do Clostridium Botulinum, độc tố không bị acid của dịch vị tiêu huỷ, độc tố ngấm nhanh vào máu và phân tán ra toàn cơ thể vào các tế bào của các mô khác nhau. Trước hết độc tố đi vào các mô của hệ thần kinh trung ương, gắn kết vào các đầu mút thần kinh, rồi gây ra những biểu hiện lâm sàng phát sinh từ hành tuỷ, nôn, buồn nôn. Độc tố còn ngấm nhanh vào máu qua lớp màng nhầy của đường hô hấp.
Thời gian ủ bệnh do ngộ độc do Clostridium botulinum là từ 8 - 10 tiếng đồng hồ, nhưng có trường hợp chỉ 4 tiếng.
Vì độc tố vi khuẩn này có ái tính với hệ thống thần kinh nên bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng thần kinh ngoại biên như:
- Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô.
- Đau bụng, bụng chướng, táo bón, thường ít ỉa chảy.
- Không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức.
Sau đó, người bị nhiễm độc sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình như:
- Liệt cơ mắt, giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim, liệt điều tiết (viễn thị), liệt cơ vận động nhãn cầu (lác mắt), nhìn đôi.
- Liệt màn hầu, co thắt họng, nghẹn, sặc đường mũi, doãi cơ hàm, nhai nuốt khó khăn.
- Liệt cơ thanh quản, nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng. Các triệu chứng liệt có đặc điểm thường liệt cả hai bên đối xứng.
- Các triệu chứng tiêu hoá vẫn tiếp tục theo chiều hướng: Táo bón, giảm tiết dịch tiêu hoá, khô miệng, khô họng.
Các triệu chứng ngộ độc do Clostridium Botulinum có thể kéo dài từ 4 - 8 ngày. Trường hợp nặng, trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp của người bệnh có thể bị liệt (biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở nông) và có thể tử vong do ngạt.
Ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm; có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị, người bị ngộ độc loại độc tố này có thể tử vong sau 3 - 4 ngày.
Theo đó, hiện nay, với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong đã giảm còn khoảng 10%.
Để phòng chống ngộ độc do Botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:
- Trong sản xuất, chế biến, các cơ sở phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
- Người dân chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi; ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn; khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.