Người đàn bà trung niên tóc vấn cao, mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần âu nhưng không giấu được dáng vẻ sang trọng toát ra từ thần thái. Sự bình thản tưởng chừng như cố hữu trên khuôn mặt xinh đẹp. Nhưng nào ai biết ánh mắt xao động kia đang chất chứa những cơn sóng quặn lòng. Người đàn ông tóc muối tiêu đạo mạo ngồi cạnh bà là giáo sư đáng kính của một trường đại học có tiếng ở TP.HCM.
Cả tin
Nếu không giới thiệu có lẽ chẳng ai biết họ là vợ chồng với nhau. Họ chỉ thảng hoặc trao đổi vài ba câu. Sự im lặng vẫn là cầu nối hữu hiệu gắn kết họ. Ông khẽ cựa mình, khuôn mặt co lại có vẻ không thoải mái khi hôm nay ông chẳng đứng lớp giảng bài cho hàng trăm sinh viên mà được triệu tập tới tòa với tư cách bị hại trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đó là lần thứ ba mở phiên tòa trong vụ án này. Người đàn bà mới chừng ngoài ba mươi, mặc chiếc áo thun xanh, tóc cột cao để lộ nước da trắng ngần đang đứng trước vành móng ngựa kia có lẽ cũng đã quá mỏi mệt khi tòa liên tục xử rồi lại hoãn để điều tra thêm. Chị nhìn về phía giáo sư bằng ánh mắt van vỉ. Giữa họ có một mối thâm tình lạ lùng dù người này là nạn nhân của người kia.
Theo hồ sơ, năm 2001 họ bắt đầu quen biết nhau vì cùng là đồng hương của nhau. Năm 2003, chị nói với giáo sư mình có lô đất hơn 160.000 m2 ở Hóc Môn và muốn bán lô đất này.
Chẳng hiểu nguyên cớ nào mà một người có trình độ như giáo sư có thể cả tin đến mức đồng ý mua lô đất này với giá 21 tỉ đồng mà không hề đòi hỏi chị phải đưa xem giấy tờ và vị trí lô đất trước khi giao dịch.
Sau nhiều lần giao tiền lên đến hơn 17 tỉ đồng, cả hai giao ước ba tháng sau sẽ lập hợp đồng chuyển nhượng và ra công chứng. Mãi chẳng thấy chị giao đất, giáo sư dù tình thâm nghĩa nặng đành tố cáo chị ra công an.
Đứa trẻ là con ai?
Thời điểm đó là năm 2012, gần chục năm kể từ ngày bắt đầu đổ tiền mua đất ảo. “Bị cáo hãy nhìn về phía HĐXX” - vị chủ tọa nhắc chị khi chị liên tiếp đưa ánh mắt cầu cứu về phía giáo sư. Từ những câu trả lời của chị, người ta có thể hình dung giữa họ đã từng có mối quan hệ tình ái kéo dài gần chục năm từ lúc chị độc thân cho đến khi chị đã lấy chồng.
Điều đó có thể phần nào lý giải cho sự cả tin lạ lùng của giáo sư. Chị phủ nhận việc mua bán đất giữa hai người. Hợp đồng mua bán là giáo sư đọc cho chị viết và ký vào vì nhiều lần thâm hụt tiền bạc phải ngụy tạo để vợ khỏi nghi ngờ.
- Nếu không có quan hệ mua bán đất, tại sao bị hại lại kiện bị cáo? Vị chủ tọa cắc cớ. - Vì bị cáo nói với bị hại đứa con không phải là con của bị cáo và bị hại mà là con của bị cáo và chồng mình. Giáo sư khẽ nhìn về phía chị và một mực chối bỏ mối quan hệ tình cảm giữa hai người.
Người đàn bà trung niên vẫn giữ sự bình thản lạ lùng. Còn chị liên tục khẳng định đứa trẻ là con giáo sư. - Vậy đứa trẻ thực ra là con ai? Chủ tọa truy vấn. - Là con của bị hại vì bị cáo có quan hệ với bị hại từ năm 2002.
Đến năm 2004, bị cáo lấy chồng nhưng không cho bị hại biết mà vẫn gặp bị hại. Sáu tháng sau thì sinh được đứa con trai. Chị vừa đáp vừa nhìn về phía giáo sư. Và cũng từ đó, lúc chồng chị biết mối quan hệ lén lút giữa chị và giáo sư đã đâm đơn ly hôn.
Mặc dù ở hai phiên tòa trước chị khẳng định đứa trẻ là con chồng mình và nói dối là con giáo sư để mỗi lần gặp khi thì giáo sư cho vài triệu, khi thì 50 triệu và đến nay lên đến cả tỉ đồng.
Tôi không rõ đứa trẻ sau cùng là con ai nhưng ít nhất có một gia đình đã tan vỡ và một gia đình đang đứng trên bờ vực thẳm. Người tội nghiệp nhất trong vụ án này vẫn là đứa trẻ.
Nếu đúng là con giáo sư thì nó thật đáng thương khi cha nó vì muốn bảo vệ thanh danh gia đình hợp pháp mà chối bỏ mối quan hệ ngoài luồng với mẹ nó. Mà nếu không phải con giáo sư thì lại càng tội nghiệp khi vì muốn bảo vệ mình mà mẹ nó sẵn sàng đưa nó ra làm tấm khiên cho hành vi sai trái, mặc kệ tính chính danh của cha đẻ nó.
Sau cùng, vị chủ tọa quyết định tiếp tục hoãn phiên tòa để điều tra thêm về các tình tiết mới, xoay quanh ai là cha đứa trẻ. Giáo sư và vợ lục tục ra về. Họ đi song song nhau, không nói một lời. Dường như đã có một khoảng cách chẳng thể cứu vãn nổi. Nhìn ánh mắt người đàn bà trung niên ấy, tôi đã thấy một “phiên tòa” mà giáo sư bị “kết tội” vĩnh viễn...