Vì đâu Viglacera báo lãi ròng 'đi lùi' quý thứ hai liên tiếp?

Hoàng Nam |

Thất thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp cùng với khoản lỗ tại các công ty liên kết, liên doanh là lý do khiến lãi ròng Viglacera tiếp tục giảm trong quý III/2024.

Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với doanh thu đạt 2.834 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận gộp cũng giảm từ 1.069 tỷ đồng về còn 873 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 40,5% về còn 11,6 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí tài chính giảm 24% còn 75,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 215,6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng duy trì ở mức 215 tỷ đồng.

Đáng nói, Viglacera ghi nhận khoản lỗ 36,6 tỷ đồng từ công ty liên kết, liên doanh, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 6 tỷ đồng.

Kết quả, Viglacera báo lãi sau thuế quý III/2024 hơn 234 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của VGC đi lùi so với cùng kỳ. Trong quý II/2024, lãi sau thuế của VGC đạt 171 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, Viglacera cho biết lợi nhuận quý III của công tuy suy giảm, chủ yếu do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các công ty con, liên kết của VGC trong nhóm kinh gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ đều giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Viglacera đạt 8.185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,5% và 42,8% so với 9 tháng đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 60,5% kế hoạch doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Cơ cấu doanh thu chủ yếu tới từ việc cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp hơn 2.735 tỷ đồng. Khoản thu này giảm tới 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp. Điểm sáng duy nhất trong doanh thu 9 tháng đầu năm của Viglacera là có khoản thu bán hàng hoá bất động sản tăng vọt gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 106 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của VGC đạt 24.231 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, 1.759 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, 1.201 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 5.990 tỷ đồng tài sản dài hạn…

Hàng tồn kho ghi nhận hơn 4.583 tỷ đồng, đa phần là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, trong đó gồm hơn 1.762 tỷ đồng bất động sản, xây dựng thành phẩm và hơn 2.295 tỷ đồng hàng hoá (kính, sứ, sen vòi…).

Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Viglacera là 6.057 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu tập trung tại dự án KCN Thuận Thành giai đoạn 1 (2.148 tỷ đồng), KCN Phú Hà giai đoạn 1 (1.036 tỷ đồng), KCN Tiền Hải – Thái Bình (519 tỷ đồng), KCN Yên Mỹ (541 tỷ đồng)…

Vì đâu Viglacera báo lãi ròng 'đi lùi' quý thứ hai liên tiếp?- Ảnh 1.

Nguồn: VGC

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả tại cuối quý III/2024 của VGC đạt 14.278 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính đạt 5.018 tỷ đồng, bao gồm 2.602 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.416 tỷ đồng vay dài hạn.

Trong diễn biến khác, mới đây Viglacera  đã phê duyệt đề án thành lập CTCP Viglacera Phú Thọ với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Trong đó, VGC dự kiến góp tối thiểu 306 tỷ đồng, tương đương 30,6 triệu cổ phần, sở hữu ít nhất 51% vốn của công ty con mới này, với vai trò là cổ đông sáng lập.

Tính đến ngày 30/09/2024, VGC đang có 21 công ty con sở hữu trực tiếp và 6 công ty con gián tiếp. Nếu việc thành lập CTCP Viglacera Phú Thọ diễn ra suôn sẻ, VGC sẽ nâng số công ty con sở hữu trực tiếp lên 22. Bên cạnh đó, VGC còn có 2 công ty liên doanh, 4 công ty liên kết trực tiếp và 4 công ty liên kết gián tiếp.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại