Vụ việc nhân viên an ninh hàng không kéo lê hành khách gốc Việt ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines xảy ra trên chuyến bay United Express Flight 3411 khởi hành từ Chicago tới Louisville hôm 9/4 vừa qua.
Nguyên nhân của vụ việc này là do máy bay kín chỗ, hành khách được yêu cầu nhường chỗ cho thành viên của phi hành đoàn. Các hành khách yêu cầu xuống máy bay theo như hãng cho biết là được "chọn ngẫu nhiên" thông qua hệ thống máy tính. Trong số đó, có bác sỹ gốc Việt 69 tuổi.
Ban đầu, vị bác sỹ đã tình nguyện xuống để nhường chỗ cho người của phi hành đoàn. Tuy nhiên, khi biết chuyến bay tiếp theo mãi 2:30 chiều hôm 10/4 mới cất cánh thì đổi ý vì có việc gấp vào sáng hôm sau.
Lúc này, các nhân viên an ninh hàng không đã dùng vũ lực, cư xử thô bạo buộc bác sỹ phải rời máy bay dù ông có vé và đã ngồi vào ghế của chuyến bay đó.
Trong tình huống này, lỗi là hoàn toàn nằm ở hãng hàng không United Airlines vì đã để xảy ra tình trạng quá tải khi đặt chỗ.
Hành khách bị lôi xuống khỏi máy bay do thiếu chỗ
Đối với ngành hàng không, việc overbooking (bán nhiều vé máy bay hơn số ghế trên máy bay) là chuyện không hề hiếm, rất nhiều hãng áp dụng để tận dụng tối đa số ghế trong một chuyến bay.
"Nếu bạn mua vé ô-tô khách hoặc vé tàu mà bạn bỏ chuyến, không đi, vé của bạn sẽ bị vô hiệu hoá, tiền của bạn không được trả lại, đúng không? Vé máy bay không như thế.
Ngày xưa, khi chưa có hàng không giá rẻ và các loại Vé tiết kiệm (Saver) hoặc Vé khuyến mãi (Promo), tất cả vé máy bay đều có hiệu lực 12 tháng tính từ ngày mua.
Bạn mua vé máy bay có ngày bay, chuyến bay rồi mà không đi, vé của bạn vẫn có giá trị. Bạn có thể mất một ít tiền đổi ngày bay, nhưng vẫn đổi được. Bạn có thể mất một chút lệ phí hoàn vé, những vẫn hoàn vé lấy lại tiền được.
Chính vì điều kiện đó của vé máy bay nên chuyến bay nào cũng có một số hành khách bỏ chuyến, gọi là "Khách No-show".
Thời mình còn làm ở VNA, có những đường bay có tỷ lệ No-show lên tới cỡ 50%, còn 20-30% là rất phổ biến. Tệ nhất là từ Tân Sơn Nhất. Sân bay ngay trong thành phố, gần sân bay lại có nhiều quán nhậu, một số hành khách ham vui, chẳng thèm bay chuyến bay đã mua vé nữa. Vé vẫn còn dùng được mà, sợ gì.
Vì có khách No-show, nên có người có nhu cầu bay nhưng lại không thể mua vé được. Họ bèn ra thẳng sân bay để chờ có khách nào đó bỏ chuyến. Bọn mình gọi họ là "Khách Go-show" và xếp họ vào Sổ chờ (Wait-list).
Tiến sỹ Lương Hoài Nam
Nhưng để tất cả những người muốn mua vé máy bay phải ra sân bay chờ khi chuyến bay đã bán vé bằng số ghế trên máy bay thì cũng bất tiện cho họ.
Thế nên, các hãng hàng không sử dụng một phần mềm, gọi là "Revenue Management System". Nó cho phép dựa vào số liệu lịch sử để dự báo tỷ lệ No-show trên từng đường bay, theo các khung giờ bay. Hãng hàng không dựa vào nó để quyết định tỷ lệ Overbooking.
Ví dụ, máy bay có 200 ghế, mà hệ thống dự báo vào ngày hôm đó có tỷ lệ No-show 10%, hãng hàng không có thể mở bán thêm 20 vé nữa. Vấn đề là, mọi dự báo cũng đều là "bói" và thực tế thường là khác với dự báo.
Sẽ không có vấn đề gì nếu số khách đến bay bay sau khi bán Overbooking ít hơn hoặc bằng số ghế. Nhưng có không ít khi khách đến để bay lại nhiều hơn, nên chắc chắn sẽ có ai đó bị cắt lại.
Thường thì hãng hàng không có chính sách, quy trình xử lý tình huống đó. Phổ biến nhất là kêu gọi người tình nguyện bỏ chỗ và đền bù cho họ một khoản tiền ("Delay Compensation" hoặc "Thankyou Fee").
Nhưng cũng có khi không có ai tình nguyện bỏ chỗ. Khi đó hãng hàng không sẽ căn cứ vào chính sách của mình để cắt khách (và bồi thường).
Phổ biến là theo nguyên tắc "First Comes First Served", trừ một số khách được ưu tiên đi (khách có chuyến bay nối chuyến, khách nước ngoài hết hạn visa, người già, trẻ em...)", Tiến sỹ Lương Hoài Nam lý giải cách mà các hãng hàng không bán vé quá với số ghế thực trên máy bay.
Giải thích về việc bán vé overbooking, Tiến Sỹ Lương Hoài Nam cho hay, việc làm này "không hẳn chỉ để tối ưu hoá doanh thu chuyến bay, mà còn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những hành khách mà nếu không bán Overbooking thì họ không thể mua vé được, trong khi trên thực tế chuyến bay bị trống chỗ".
Vốn hóa thị trường của United Airlines đã giảm gần 800 triệu USD từ mức 22,5 tỷ USD còn 21,7 tỷ USD sau khi hình anh và video liên quan đến việc kéo lê hành khách ra khỏi máy bay bị lan truyền trên mạng xã hội - truyền thông.
United Airlines đứng thứ 10 trong danh sách những hãng hàng không tệ nhất thế giới vào năm 2016 do Tạp chí Travel and Leisure bình chọn.
Hàng hàn không này đứng đầu trong số hãng hàng không có dịch vụ kém nhất thế giới do Fox News xếp hạng.