Vì đâu dẫn đến nghịch lý tại quốc gia đông dân nhất thế giới: Muốn năng lượng sạch nhưng than vẫn là chân ái

Yến Nguyễn |

Than hiện đáp ứng gần 3/4 nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ.

Vì đâu dẫn đến nghịch lý tại quốc gia đông dân nhất thế giới: Muốn năng lượng sạch nhưng than vẫn là chân ái - Ảnh 1.

Ảnh: Wall Street Journal

Tham vọng về khí hậu của Ấn Độ là một nghịch lý. Gã khổng lồ Nam Á đã đặt ra các mục tiêu mạnh mẽ cho việc triển khai năng lượng sạch và được coi là một trong những thị trường đang phát triển hấp dẫn nhất để đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới từ chối quay lưng lại với than.

Ấn Độ đã từ chối tham gia vào cam kết Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng Toàn cầu tại hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai, trong đó có cam kết cắt giảm đầu tư vào điện than. Đáng chú ý, than hiện đáp ứng gần 3/4 nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ.

Vậy Ấn Độ thực sự cần điều gì để chuyển hướng hoàn toàn sang năng lượng carbon thấp?

Đầu tiên là tiền. Ấn Độ cần điều chỉnh giá than trong nước phù hợp hơn với thị trường toàn cầu và quan trọng nhất, là tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải hơn thông qua cải cách cứng rắn để giải quyết các vướng mắc như thu hồi đất.

Theo công ty tư vấn năng lượng Mercom, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ chỉ lắp đặt 5,6 gigawatt năng lượng mặt trời, giảm 47% so với 10,5 GW trong cùng kỳ năm ngoái. Việc đảm bảo kết nối truyền tải, như ở Mỹ, đã trở thành rào cản lớn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo.

Việc lắp đặt năng lượng mặt trời đang chậm lại cũng một phần do giá điện mặt trời ở Ấn Độ suy giảm.

Chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng quang điện mặt trời hiện thấp hơn 25% so với than ở Ấn Độ và chi phí điện mặt trời so với điện từ nhiên liệu hóa thạch đã chứng kiến mức sụt giảm nhanh nhất trên thế giới, Roshna N, chuyên gia về năng lượng mặt trời tại Wood Mackenzie cho biết.

Do đó, việc giải quyết các vấn đề về truyền tải có thể tạo ra tác động cực kỳ lớn. Wood Mackenzie cho biết thời gian hình thành cơ sở hạ tầng truyền tải ở Ấn Độ cao hơn đáng kể so với các dự án điện gió hoặc mặt trời.

Chênh lệch giá cũng là một nút thắt khác. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu năng lượng OPIS, giá than của Ấn Độ rẻ hơn gần 25%-30% so với than nhập khẩu loại thấp và trung bình. Có đến 80%-90% sản lượng than trong nước được cung cấp bởi các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Coal India và công ty khai thác mỏ Singareni Collieries, và thường có mức chiết khấu đáng kể so với định mức toàn cầu. Trong khi đó, 10%-20% còn lại được bán thông qua đấu giá dựa trên giá thị trường.

Cuối cùng, Ấn Độ cần hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển khi nước này tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới, có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và là đối tác thương mại và địa chính trị ngày càng quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của quốc gia Nam Á chưa đến 2.400 USD vào năm 2022.

Vốn đầu tư cần cho năng lượng tái tạo là rất lớn. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng thêm 50 GW công suất năng lượng tái tạo hàng năm trong 5 năm tới với mục tiêu đạt được 500 GW công suất điện lắp đặt từ các nguồn phi hóa thạch vào năm 2030.

Theo dữ liệu từ BloombergNEF, Ấn Độ đã thu hút khoảng 47 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch trong 5 năm qua. Trong năm nay, quốc gia này đã phát hành trái phiếu xanh có với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD.

Nhưng con số này không thấm vào đâu vì Ấn Độ ước tính sẽ cần 1.400 tỷ USD để trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2070 - trung bình 28 tỷ USD một năm, theo Trung tâm Tài chính Năng lượng có trụ sở tại New Delhi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ tăng trung bình 6,5% đến năm 2024.

Do đó, giải pháp thay thế cho việc cần đến một núi tiền là sử dụng nhiều năng lượng than hơn. Theo Wood Mackenzie, khoảng 29 GW công suất than bổ sung đang trong giai đoạn quy hoạch, nhưng các quyết định đầu tư cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Con số này cao hơn 25 GW từ các dự án đang được xây dựng.

Nguồn: Wall Street Journal

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại