Vị Đại sứ hơn 40 năm gắn bó với Hà Nội: “Bỗng một ngày, tôi giật mình thấy phố không còn đẹp như xưa”

Đại sứ Palestine Saadi Salama |

Nơi tôi sống, gắn bó suốt từ thời sinh viên cho đến nay từng là một con phố rất đẹp với không gian xanh, trong lành và yên bình.

Vị Đại sứ hơn 40 năm gắn bó với Hà Nội: “Bỗng một ngày, tôi giật mình thấy phố không còn đẹp như xưa”- Ảnh 1.

Một vẻ đẹp đang bị sự thờ ơ phá hỏng

Tôi “nên duyên” với Hà Nội từ những năm 1980 và đã có gần 20 năm sinh sống tại thành phố này trong ba giai đoạn khác nhau. Nơi tôi sống, gắn bó suốt từ thời sinh viên cho đến nay từng là một con phố rất đẹp với không gian xanh, trong lành và yên bình. Rồi bỗng một ngày, tôi giật mình nhận thấy nó không còn đẹp như xưa nữa. Nhiều bốt bán hàng di động không biết vì lý do gì bị bỏ lại ở một góc phố, tạo thành các góc khuất thuận tiện để người ta tùy ý xả rác, phóng uế bừa bãi. Tôi thậm chí đã chụp được bức ảnh một người dân đang phóng uế tại khu vực này.

Giống như nơi mà tôi gắn bó, nhiều con phố khác tại Hà Nội cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề và thách thức về ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, địa phương có vẻ chưa tìm được biện pháp triệt để trước vấn nạn nhức nhối đang diễn ra ngay trước mắt. Những băn khoăn, trăn trở với tư cách là một cư dân, một người yêu thành phố hơn nghìn năm tuổi này đã thúc giục tôi gióng lên hồi chuông cảnh báo gửi đến Hà Nội.

Bước chân ra khỏi nhà, ngang qua những cung đường chằng chịt, tiếng động cơ, tiếng còi xe liên hồi trong sự ùn ứ giao thông không ngừng nghỉ mang lại sự hứng khởi, thúc giục, và cùng với đó là chút mệt mỏi với cảm giác như mọi dây thần kinh luôn căng ra.

Sự bùng nổ về số lượng ô tô, xe máy, việc sử dụng phương tiện cá nhân được ưa chuộng thay vì phương tiện giao thông công cộng đã góp phần làm tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

(Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, một số dự án về giao thông công cộng được đầu tư ngân sách lớn song lại không đạt hiệu quả như kỳ vọng, chất lượng dịch vụ không đồng đều, thiếu sự tích hợp và kế hoạch hóa, khiến người dân không hào hứng sử dụng.)

Vị Đại sứ hơn 40 năm gắn bó với Hà Nội: “Bỗng một ngày, tôi giật mình thấy phố không còn đẹp như xưa”- Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí là một vấn đề nan giải của Hà Nội, khi thành phố liên tục nằm trong nhóm đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với các chỉ số vượt quá giới hạn an toàn. Trong những ngày ô nhiễm nặng, khói bụi lan ra tạo thành làn sương mỏng làm mờ tầm nhìn. Những mối đe dọa vô hình tồn tại, từ bụi mịn cho đến các chất gây ô nhiễm phát thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác, xây dựng... Đối với nhiều người yêu thích các hoạt động ngoài trời, trong đó có tôi, sự suy giảm chất lượng không khí ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống, gây lo ngại đáng kể về sức khỏe.

Bên cạnh ô nhiễm không khí, rác thải là một mối đe dọa khác với môi trường sống của Hà Nội. Mặc dù đã có cải thiện qua các năm, nhưng rõ ràng hệ thống xử lý rác thải của thành phố còn rất nhiều vấn đề. Hình ảnh những chiếc thùng tràn ngập rác, vương vãi ra đường phố không phải là hiếm gặp. Chỉ cần một người xả rác, vài ba ngày sau nơi đó đã trở thành điểm ùn ứ rác thải, dù có nhắc nhở hay đặt biển cấm cũng không mấy hiệu quả.

Theo số liệu thống kê gần đây, chỉ một phần nhỏ rác thải của thành phố được xử lý đúng cách, phần còn lại kết thúc tại các bãi chôn lấp hoặc gây ô nhiễm cho các con sông và hồ nước. Sông, hồ, kênh rạch “chết” vì ô nhiễm giữa lòng thành phố là một điều rất đáng tiếc trong khi đây đáng lẽ có thể trở thành khu vực vui chơi, điều hòa không khí, tô điểm cho thành phố vốn đã thiếu không gian xanh.

Trong những lần có thời gian đi dạo, nhiều lúc tôi bị phân tâm bởi hình ảnh rác thải ven sông hồ hay làn nước đục không còn sự sống, mùi khó chịu bốc lên hòa với mùi khói xe. Việc vẻ đẹp của những món quà tự nhiên này bị phá hỏng bởi sự lơ là và thờ ơ của con người một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của các biện pháp quản lý, xử lý rác thải và kiểm soát ô nhiễm toàn diện.

Để không ai phải “ngập ngừng” khi chọn Hà Nội là nhà

Ô nhiễm môi trường không chỉ gây tổn hại tới kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của thành phố như một nơi để du lịch hay để sống và làm việc. Khi cân nhắc định cư lâu dài tại Hà Nội, cả người Việt Nam và người nước ngoài đều sẽ có phần ngập ngừng, do dự hơn khi nghĩ đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nhìn lại các thách thức môi trường của Thủ đô, có thể kể ra một vài nguyên nhân như quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng dân số và các hình thức sản xuất, tiêu dùng không bền vững... Khi thành phố đối mặt với bài toán khó là bảo đảm cùng lúc hai nhiệm vụ quan trọng: phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, các cư dân cũng đứng trước những sự lựa chọn khó khăn. Nhưng có một điều chắc chắn, là không thể ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn hơn việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Vị Đại sứ hơn 40 năm gắn bó với Hà Nội: “Bỗng một ngày, tôi giật mình thấy phố không còn đẹp như xưa”- Ảnh 4.

Luật Thủ Đô đã có những ảnh hưởng đáng kể đối với việc quản lý môi trường ở Hà Nội. Tuy nhiên nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại do sự thiếu sót trong việc giám sát và thực thi pháp luật, cũng như trong việc lên kế hoạch và triển khai các biện pháp bền vững. Vai trò quản lý của chính quyền địa phương, dù là vô cùng quan trọng, lại chưa thực sự rõ nét. Những hình ảnh, hành động xấu xí như phóng uế, vứt rác bừa bãi tồn tại ở rất nhiều nơi nhưng chúng ta lại hiếm thấy hành động mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp quản lý, khiến cho tình trạng này cứ tái diễn và lan rộng hơn. Việc giải quyết ô nhiễm môi trường thiếu sự tham gia, tương tác của cộng đồng, những phản ánh của người dân về các “điểm nóng” ô nhiễm môi trường còn chậm được xem xét giải quyết.

Không chỉ ở cấp quản lý, một thành phố xanh và đáng sống rất cần có sự đóng góp của cư dân Hà Nội và người dân ở các khu vực lân cận. Điều đáng ghi nhận là chúng ta đã nhìn thấy vấn đề, đã quan tâm và thảo luận về nó. Tuy nhiên, thay vì chỉ phê phán và than phiền, hãy lập tức góp phần giải quyết bằng những nỗ lực dù là nhỏ nhất.

Mỗi người có thể đóng góp thông qua các hành động như tiết kiệm năng lượng, tôn trọng và giữ gìn không gian chung, bảo vệ nguồn nước và phân loại rác, đồng thời phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm. Các hoạt động cộng đồng như dọn dẹp khu vực sống, trồng cây và tái chế rác cũng góp phần tạo nên một môi trường sống tích cực, sạch sẽ và bền vững hơn.

Chỉ khi chúng ta cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể tạo ra một Hà Nội xanh sạch và đáng sống hơn cho tất cả mọi người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại