Vị đại khoa từ chối 'đệ tam' quyết đỗ khôi nguyên

Trần Siêu |

Đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Duy Tường từ chối vì quyết đỗ khôi nguyên.

Trên sa trường, ông bị thương nên cắt cánh tay gửi về cho mẹ rồi tử trận. Quyết liệt trong mọi hoàn cảnh - đó là tính cách của nhà khoa bảng Nguyễn Duy Tường. Bởi vậy, trong “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú đánh giá ông là bề tôi tiết nghĩa nổi tiếng.

Từ chối đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ

Vị đại khoa từ chối đệ tam quyết đỗ khôi nguyên - Ảnh 1.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nhưng Nguyễn Duy Tường từ chối vì đã hứa với mẹ sẽ đỗ khôi nguyên. Ảnh minh họa: INT.

Tháng 11/1666, triều đình sắc phong Tiết nghĩa Thượng đẳng thần cho 8 vị, Tham chính Nguyễn Duy Tường xếp thứ 7 trong số 8 vị ấy (7 vị khác là: Vũ Duệ, Ngô Hoán, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Thiệu Tri, Đàm Thận Huy, Lê Tuấn Mậu và Nguyễn Tự Cường). Cùng đợt ấy, sắc phong Tiết nghĩa Trung đẳng thần cho 5 vị: Lê Vô Cương, Nguyễn Hữu Nghiêm, Lại Kim Bảng, Nguyễn Thái Bạt và Nghiêm Bá Ký.

Nguyễn Duy Tường sinh năm 1485, người làng Lý Hải, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Một số nguồn sử liệu cho rằng, người rạng danh khoa bảng cho dòng họ Nguyễn Duy đầu tiên là cụ Nguyễn Bảo Khuê, còn có tên khác là Nguyễn Duy Phổ (sinh 1456, không rõ năm mất).

Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 đời vua Lê Thánh Tông (1487). Tiến sĩ Nguyễn Bảo Khuê đứng thứ 18 trong Tao Đàn nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình.

Cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Bảo Khuê là Nguyễn Sư Truyền (1458 - 1519), còn có các tên gọi khác là: Nguyễn Sư, Nguyễn Sư Phó, Nguyễn Si, Nguyễn Sư Phổ. Ông đỗ hàng thứ 13 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 24 đời vua Lê Uy Mục (1508). Ông làm quan đến chức Kiểm thảo viện Hàn lâm. Khi Mạc Đăng Dung lấy ngôi, ông mưu với Trịnh Tuy lập vua Lê mới nhưng bất thành, bị quân Mạc giết.

Cùng đỗ khoa thi năm 1508 với Nguyễn Sư Truyền chính là người anh con bác là Nguyễn Duy Tường. Thấy mình chỉ đỗ hàng thứ 16 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nên Nguyễn Duy Tường từ chối danh hiệu này và không chịu ra làm quan vì đã hứa với mẹ sẽ đỗ khôi nguyên, năm đó ông mới 24 tuổi.

Ba năm sau, ông dự khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận (1511) đỗ hàng thứ 4 Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Thượng thư bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Tung vâng sắc soạn có đoạn như sau: “… Lòng thánh đế lo xa, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời.

Kẻ sĩ ở đời được ghi tên vào tấm đá này thực may mắn biết bao! Nếu quả thật biết dồi mài trung nghĩa, cố gắng liêm cần để có tiếng là vị Trạng nguyên trung hiếu, là bậc quân tử ngọc vàng, thì mai sau các học trò nhà Thái học sẽ chỉ vào tên mà nói: Vị này vào hàng khoa bảng, vị này là bậc hiền tài, người hiền lương biết vậy mà lấy làm khích lệ.

Thảng như có kẻ ngoài ngọc trong đá, bề ngoài như chim phượng mà tiếng kêu như cú diều, dua nịnh giống phường dựa cột, hèn nhát như lũ bó tay, thiên hạ đời sau sẽ chê cười nói: Kẻ ấy tà học như hạng Công Tôn Hoằng, kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, kẻ gian ác thấy đấy mà tự lấy làm răn. Được như thế thì tấm bia này dựng lên, trong chỗ ngợi khen còn có ngụ ý khuyên răn nữa”.

Tử tiết trên sa trường

Vị đại khoa từ chối đệ tam quyết đỗ khôi nguyên - Ảnh 4.

Nguyễn Duy Tường trong cuộc giao tranh với quân Mạc đã bị thương nên chặt một cánh tay gửi về cho mẹ, rồi tử trận. Ảnh minh họa: INT.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Duy Tường được bổ nhiệm chức vụ gì thì sử liệu không thấy nhắc đến. Tuy nhiên, khi ông đang đương chức Tham chính xứ Kinh Bắc thì xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê.

Thông gia với Mạc Đăng Dung là Phạm Gia Mô làm Thượng thư bộ Lễ cùng đồng liêu ký thư thỉnh nguyện xin vua Chiêu Tông phong chức Tiết chế thủy bộ chư doanh mười ba đạo cho Mạc Đăng Dung.

Tiếp đó thăng cho Đăng Dung chức Thái phó (Tể tưởng) nắm toàn bộ các công việc quân dân triều đình. Những bề tôi thân tín của vua lần lượt bị Mạc Đăng Dung giết hại. Mưu toan giết vua cướp ngôi của Mạc Đăng Dung đã lộ rõ, bề tôi trung thành của nhà Lê nổi lên chống lại Mạc Đăng Dung, nhiều người thà chết không chịu hợp tác.

Hàn lâm Hiệu lý Nguyễn Thái Bạt, Thượng thư Lê Tuấn Mậu bị cưỡng ép vào chầu đã nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung… Sau khi Phó đô tướng Hà Phi Chuẩn dấy nghĩa cần vương ở Bắc Giang thua trận bị bắt đem về Thăng Long xử trảm, một loạt các văn thân tướng lĩnh ở vùng Kinh Bắc cầm đầu hương binh chống lại Mạc Đăng Dung - đứng đầu là Tiến sĩ Đàm Thận Huy.

Đàm Thận Huy khởi binh ở Ông Mặc huyện Đông Ngàn, Bình Hồ bá Nghiêm Bá Ký khởi binh ở Lương Cầm (Yên Phong). Nguyễn Duy Tường trở về quê hương thống lĩnh hương binh. Tương truyền, trong trận chiến cuối cùng năm 1526, bị thương ở tay, ông liền chặt đứt cánh tay ấy rồi sai quân buộc vào mình ngựa cho chạy về nhà để trả nghĩa cho mẹ. Còn ông ở lại chiến đấu rồi tử trận.

Sau khi Mạc Kính Vũ thua trận phải chạy sang Trung Quốc (5/1666), sự nghiệp trung hưng của nhà Lê toàn thắng. Tham tụng Phạm Công Trứ tâu lên vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc xin tuyên dương các bề tôi tử tiết, ban thưởng cho các quan văn võ và binh sĩ có công.

Sách “Cương mục” có chép: “Những người được phong làm thần, đều cho dựng từ đường ở trong làng theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Con cháu của họ thì lựa chọn bổ dụng những người có đức hạnh tốt; còn những người khác thì đều trừ dao dịch cho nhà họ”.

Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường cũng được triều đình cho dựng đền thờ ở xã Lý Hải. Đền mang tên “Tiết nghĩa từ”, được hưởng quy chế hàng năm xuân thu nhị kỳ quan đầu trấn thay mặt triều đình đến làm chủ tế, được cấp tiền công chi dùng lễ vật. Nguyên đền trước ở vị trí vườn 18 cây muỗm, về sau đền bị hư hại không sửa chữa được nên chuyển tế khí về thờ ở từ đường dòng họ, tức là đền thờ hiện nay.

Truyền đời khoa bảng

Vị đại khoa từ chối đệ tam quyết đỗ khôi nguyên - Ảnh 7.

Tấm bia đá cổ tại nhà cụ Nguyễn Duy Trừ - hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy.

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm - GS Ngô Đức Thọ, có một di vật quý nhất của đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường là tấm biển gỗ sơn mài màu mận chín, chữ khải thếp vàng. Đáng tiếc là trước đây (không rõ năm nào) người ta không hiểu nội dung, e ngại liên quan vua quan phong kiến nên đã cưa phá làm hai mảnh mà mảnh trên đã bị mất hẳn, khiến cho bài thơ thất ngôn 8 câu bị mất hẳn 4 câu đầu và cả 4 chữ câu thứ 5.

Tài liệu do cụ Nguyễn Duy Trừ ghi có khẳng định đây là tấm biển do triều đình nhà Lê ban mà sau này khắc lại vào đời Thiệu Trị. Nhưng dòng lạc khoản ghi ở cuối bài thơ là “Tân thuyên” (mới khắc lần đầu).

GS Ngô Đức Thọ cho rằng, đây là thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị nên mới được khắc chạm sơn son thếp vàng. Các vua triều Nguyễn muốn đề cao lòng trung nghĩa nên thường rất chú ý đề vịnh về những bề tôi tiết nghĩa của triều Lê.

“Hiện chúng tôi chưa rõ toàn bộ thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đã được khắc in công bố hay chưa nên chưa có điều kiện tra cứu để xác minh vấn đề của bài thơ này. Nội dung bài thơ vịnh sự tích tiết nghĩa của Hoàng giáp Tham chính Nguyễn Duy Tường. Lạc khoản cho biết tấm biển được chế tác năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Riêng 4 chữ đầu của câu thứ 5, bản ghi chép của cụ Nguyễn Duy Trừ ghi được 4 chữ ấy là: “Khoa mục trùng đăng 科目重登”, còn 4 câu đầu hiện chưa tra cứu được”, GS Ngô Đức Thọ nhận định.

Phiên âm: [Khoa mục trùng đăng] tứ hải văn/Quyên sinh nghĩa khẳng phụ vi thần/ Tử tôn dịch thế đăng Nho tuyển/Thiên lý chiêu chiêu hiển tại nhân/Thiệu Trị lục niên bồ nguyệt chi thượng cán tân thuyên. Dịch nghĩa: Dòng họ có nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng trong thiên hạ/Quên mình vì việc nghĩa, không phụ danh người bề tôi/[Cho nên] con cháu nhiều đời thi đỗ các khoa thi Nho học/Đúng là đạo trời hiển rạng ở con người (niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6, thượng tuần tháng cỏ Bồ, tức tháng 5, khắc mới lần đầu).

Con trai của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường là Nguyễn Hoằng Xước (sinh năm 1502, chưa rõ năm mất) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Đại Chính năm thứ 9 triều Mạc (1538) làm quan tới chức Đề hình. Con của Nguyễn Hoằng Xước là Nguyễn Thế Thủ (Phủ) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Đoan Thái năm thứ 2 đời Mạc Mậu Hợp (1586). Khi nhà Mạc thất thủ, ông ở lại kinh đô và làm quan với nhà Lê đến chức Tham chính.

Cháu 4 đời của Tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ là Nguyễn Quang Luân (sinh năm 1683) nổi tiếng thần đồng từ khi 12 tuổi, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1703) khi mới 21 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại