Vị đại khoa ngay thẳng được vua phong thần

Trần Siêu |

Trong lịch sử, hiếm có đối thủ nào của triều đình cũ lại được vương triều mới phong thần.

Là vị đại khoa văn võ toàn tài, ngay thẳng chính trực nổi tiếng đương thời - Tiến sĩ Dương Trực Nguyên sau khi mất được phong thần, dân làng thờ phụng ghi nhớ công ơn.

Trong lịch sử, hiếm có đối thủ nào của triều đình cũ lại được vương triều mới phong thần. Nhưng có lẽ, với Dương Trực Nguyên phải là một ngoại lệ, bởi tấm lòng trung quân ái quốc, ngay thẳng chính trực, vì triều đình dù chết cũng chẳng chối từ.

Làm quan trải 4 triều vua

Theo các nguồn sử liệu, Dương Trực Nguyên (1457 – 1509) quê tại thôn Thượng Phúc, xã Thượng Phúc, tổng La Phù, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là thôn Hòe Thị, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín - Hà Nội).

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: Dương Trực Nguyên đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490) rồi được phong chức Hiệu lý Viện Hàn lâm, ít lâu sau làm Hiến sát Hải Dương. Tuy nhiên, năm 1493 vì tâu trái ý vua, ông bị giáng xuống chức cũ.

Sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời năm 1497, vua Lê Hiến Tông lên ngôi đã cho Dương Trực Nguyên giữ chức Đông các Hiệu thư, rồi thăng chức Lại khoa cấp sự trung.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, năm 1499 ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Nổi tiếng là người cương nghị, thẳng tay trừng trị cường hào và những người cậy quyền thế nên rất được lòng dân. Năm 1500, ông được vua Lê Hiến Tông bổ nhiệm làm Đô đình úy quản lý ty Đình úy.

Ty Đình úy là cơ quan mới được cải cách sau khi Lê Hiến Tông lên ngôi. Trước đây, ty Đình úy thuộc vệ Cẩm y, hễ người nào tội nặng, án đáng ngờ, nhà vua có chiếu chỉ xuống thì ty ấy vâng mệnh xét hỏi lại. Dương Trực Nguyên sau đó tiếp tục giữ nhiều chức vụ cao khác trong triều.

Lúc làm Tả thị lang bộ Lễ, năm 1503, Dương Trực Nguyên đã tâu xin đắp đê bên sông Tô Lịch đề phòng lụt, chống hạn để đem lợi cho việc nhà nông. Tháng 12 năm ấy Dương Trực Nguyên cai quản Hàn lâm viện sự.

Sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời năm 1504, vua Lê Túc Tông nối ngôi cũng mất sớm, vua Lê Uy Mục lên ngôi đã cử Dương Trực Nguyên làm Chánh sứ sang nhà Minh. Đến năm 1509, vua Lê Uy Mục bổ nhiệm Dương Trực Nguyên làm Đô ngự sử đài, chức quan trông coi việc hặc tấu, can gián nhà vua.

Trong gần 20 năm làm quan dưới 4 triều vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và Lê Uy Mục, ông trải qua gần 20 chức vụ khác nhau, cao nhất là Ngự sử đài và tham gia Hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495. Ông là một trong số ít người từng làm quan ở cả 6 bộ Binh, Hình, Công, Lễ, Hộ, Lại.

Năm 1497, Dương Trực Nguyên khi đó đang giữ chức Đông các Hiệu thư đã tham gia biên soạn Bộ luật Hồng Đức. Năm 1498, ông được thăng Lại khoa Cấp sự trung.

Tuy làm quan ở kinh thành nhưng Dương Trực Nguyên luôn quan tâm đến đời sống của bà con quê hương. Ông là người tâu với vua việc đắp đê sông Nhuệ từ làng Trát Cầu đến làng Cống Xuyên, đi qua quê ông là Hòe Thị và khai con cừ (ngòi, lạch) từ An Phúc xuống Thượng Phúc để phòng lũ lụt, hạn hán, giúp dân yên tâm sản xuất.

Vị đại khoa ngay thẳng được vua phong thần - Ảnh 2.

Dương Trực Nguyên làm quan trải 4 đời vua Lê. Ảnh minh họa.

Linh ứng giúp dân

Tháng 11/1509, Giản Tu công Lê Oanh (vua Lê Tương Dực sau này) khởi binh làm phản ở Thanh Hóa và tiến về Đông Kinh. Dương Trực Nguyên được phong Tán lý, cùng tướng Lê Vũ cầm quân dẹp loạn.

Thế quân Lê Oanh mạnh đã đánh tan quân triều đình ở nhiều phòng tuyến, Dương Trực Nguyên giao tranh với Lê Oanh và tử trận tại làng Châu Cầu (nay thuộc Phủ Lý - Hà Nam).

Lê Oanh tiến vào kinh thành giết Lê Uy Mục và lên ngôi, trở thành vua Lê Tương Dực. Năm 1512, triều đình Lê Tương Dực xét thấy Dương Trực Nguyên là vị quan ngay thẳng, trung quân ái quốc, tiết nghĩa trung thành nên truy tặng ông làm Ngự sử đài trung đô ngự sử, được phong làm phúc thần, cho dân làng quanh quê hương ông thờ phụng.

Theo khảo sát của giới lịch sử, hiện nay tại đình làng Hòe Thị có 9 đạo sắc phong, thờ Thành hoàng làng Khiêm Xung đại vương, một vị thiên thần. Việc thờ phụng vị thiên thần này bắt nguồn từ chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1508 của Dương Trực Nguyên.

Trên đường về, đến hồ Động Đình gặp bão nên Dương Trực Nguyên lên đảo giữa hồ để tránh. Trên đảo có một miếu thờ, có bia ghi tám chữ “Khiêm xung mặc vận thành chương hiển ứng”. Ông về tâu vua. Vua cho là thần phù hộ nên sắc phong Thành hoàng làng, sắc lệnh cho 5 làng phụng thờ, nay là 7 làng gồm Hòe Thị, Mễ Sơn, Yên Phú, Gia Phúc, Gia Khánh, Lộc Dư, Đình Tổ.

Trong 9 đạo sắc phong, đạo xưa nhất có niên đại Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740). Đạo có nội dung phong phú có niên đại Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793), ghi Dương Trực Nguyên có công giúp nước, mở rộng ơn sâu, giữ yên ổn 4 phương và được nhân dân trong vùng thờ phụng. Vì vậy, một số nơi đang nhầm lẫn Dương Trực Nguyên là Thành hoàng làng.

Dương Trực Nguyên khi còn sống không chỉ là một vị quan thanh liêm, trung quân ái quốc, luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, mà khi mất đi còn nhiều lần hiển linh giúp nước, giúp dân. 300 năm sau khi mất, năm 1809 sử gia Phan Huy Chú có chép: “Ông chết trở nên linh thiêng, người làng thờ cúng, sau phong Thượng đẳng phúc thần”.

Tên làng Hòe Thị cũng bắt nguồn từ Dương Trực Nguyên. Trước đây, làng có tên là Thượng Phúc. Một lần, nhà vua ban cho ông cây hòe. Ông mang về trồng ở chợ làng, cây lên xanh tốt. Trong tiếng Hán, “thị” tức là chợ nên dân làng đã đổi tên thành Hòe Thị để ghi nhớ công lao của Dương Trực Nguyên.

Làng Hòe Thị hiện không còn cây hòe do Dương Trực Nguyên trồng. Dòng họ Dương cũng đã ly tán khắp nơi. Tuy vậy, trong ký ức và niềm tin của người dân Hòe Thị, Tiến sĩ Dương Trực Nguyên luôn là biểu tượng lớn của sự hiếu học, tận tụy, hết lòng vì đất nước và quê hương.

Vị đại khoa ngay thẳng được vua phong thần - Ảnh 4.

Cung thờ Thượng đẳng Phúc thần Dương Trực Nguyên trong đình làng Hòe Thị.

Tinh tú văn chương

Không chỉ văn chương, mà nhiều tư liệu liên quan đến Tiến sĩ Dương Trực Nguyên cũng bị thất lạc. Bởi vậy, người nay chỉ biết đến vị đại khoa tiết nghĩa thông qua một số ghi chép của Phan Huy Chú.

Ghi nhận công lao và tôn vinh danh nhân, cuối năm 2021 - HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc đặt tên đường Dương Trực Nguyên - từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh cạnh Trường THPT Thường Tín đến cầu Thụy Ứng.

Tiến sĩ Dương Trực Nguyên không những là một đại thần thanh bạch, liêm chính yêu nước thương dân, một lòng vì lợi ích của nhân dân được 4 triều vua tin dùng, mà ông còn là một nhà thơ - một trong “Nhị thập bát tú” của Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông làm Tao đàn nguyên súy cùng 2 Phó nguyên súy Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận.

Với 28 đại thần danh sĩ tài cao được ví như 28 vì sao chính trong khoa Thiên văn học cổ xưa. Mặc dù thơ của Tao đàn chủ yếu là thơ ngâm vịnh ca ngợi đất nước tươi đẹp, thịnh trị và xướng họa thơ vua.

Thơ xướng là vua, thơ họa là của “Nhị thập bát tú” thành viên. Dù có phần khuôn sáo, công thức, niêm luật (theo ý vua). Song thơ của Hội Tao đàn cũng thể hiện văn phong một thời thịnh trị của chế độ phong kiến đạt tới đỉnh cao.

Rất tiếc thơ của Hội Tao đàn nói chung, của Tiến sĩ Dương Trực Nguyên nói riêng bị thất lạc quá nhiều, không lưu giữ được. Một số còn lại hầu hết là thơ chữ Hán, ông họa lại thơ vua được chép chung với các thành viên Tao đàn khác trong các tập thơ của Hội Tao đàn.

Hiện có 2 tập thơ phụng họa ngự chế (họa thơ Lê Thánh Tông) còn lưu giữ được một số bài của ông là tập “Quỳnh uyển cửu ca” và “Văn minh cổ xúy”...

“Trước kia vua thích văn thơ, ngự thuyền đến Lam Sơn làm thơ nhớ lại cơ nghiệp của Thánh tổ. Trực Nguyên họa lại có câu kết rằng:

“Lam Sơn chỉ xích thiền nam vọng/ Vạn cổ nguy nguy sáng nghiệp công” (Dịch là: Trông lại Lam Sơn chừng thước tấc/ Công lao sáng nghiệp ngất muôn xưa).

Hay bài thơ “Bái yết sơn lăng cảm xúc” do tác giả Hán Nôm Mai Hải dịch: “Mưa gội khóm hoa gấm vóc tươi/Sương ngưng cây biếc khói xa vời/Xa xá thuyền Ngự mờ sông nước/Phấp phới tinh kỳ rực nắng trời/Kinh cũ non sông xanh biếc biếc/Quê vua lăng tẩm chói ngời ngời/Huy hoàng văn vật nay mừng thấy/ Bốn biển về đây đạo hiếu soi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại