BSCKII Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09 (ảnh N.M)
Những ngày đầu năm, trong khi mọi người vui vẻ đi chơi, chúc Tết thì bao trùm Bệnh viện 09 (Hà Nội) lại là một không khí tĩnh lặng.
Bệnh viện 09 là bệnh viện chuyên khoa hạng II chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Thành phần bệnh nhân khá phức tạp từ người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, rồi bệnh nhân còn là người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV…
Tiếp chúng tôi, BSCKII Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09 tâm sự anh đã về làm việc tại bệnh viện đã 20 năm và nhiều năm ăn Tết tại bệnh viện. Do bệnh nhân điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khá đặc biệt nên cái Tết tại bệnh viện cũng trở lên "đặc biệt".
Bác sĩ Hải còn nhớ có năm trực Tết, vào khoảnh khắc chờ đón năm mới thì bác sĩ phải thuyết phục bệnh nhân mở cửa để bác sĩ vào điều trị. Bệnh nhân nhiễm H với những hoàn cảnh bất cần đời, tâm lý bất ổn nên cũng có lúc họ không tuân thủ điều trị.
"Lần đó, bệnh nhân khoá trái cửa phòng bệnh, không cho ai vào. Tôi phải nói chuyện cả tiếng đồng hồ bệnh nhân mới chịu mở cửa", bác sĩ Hải nói.
Làm trong môi trường y tế có bệnh nhân phức tạp nên công tác phòng hộ của các bác sĩ tại đây cũng rất chặt chẽ. Trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân, các nhân viên y tế cần phải đảm bảo an toàn để tránh lây nhiễm chéo từ bệnh nhân cho nhân viên y tế.
Bác sĩ Hải tâm sự, anh học truyền nhiễm nên anh biết rõ cách phòng ngừa lây nhiễm HIV cho mình. Tuy nhiên, điều mà anh "sợ" nhất khi điều trị cho bệnh nhân H chính là các trường hợp mắc lao kháng thuốc.
Do bệnh nhân H miễn dịch suy yếu nên rất dễ đồng mắc lao. Vi khuẩn lao trên nền bệnh nhân nhiễm HIV sẽ dễ xảy ra tình trạng kháng thuốc. Do lao lây qua đường hô hấp nên rất dễ ảnh hưởng tới cộng đồng.
"HIV có thể tránh, có thể kiêng do đường lây là máu, các dịch tiết. Nhưng đối với lao thì nó nặng nề hơn, vì nó lây truyền qua đường hô hấp. Tại khoa tôi đã có bác sĩ phải bỏ việc vì nhiễm lao từ bệnh nhân HIV", bác sĩ Hải tâm sự.
Theo bác sĩ Hải, làm trong môi trường bệnh viện điều trị cho bệnh nhân HIV, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ không được đảm bảo. Do vậy, vì cuộc sống mưu sinh sau giờ làm, nhiều nhân viên y tế vẫn phải đi làm thêm để có thu nhập. Nhiều nhân viên tại bệnh viện còn phải chạy xe ôm ngoài giờ để có thêm thu nhập.
Giấu giếm nơi mình làm việc
Bác sĩ Hải cũng tâm sự thêm, hiện nay, mọi người đã bớt kỳ thị người làm trong môi trường HIV. Ở giai đoạn trước, nhiều người đã từng nghĩ bác sĩ mắc H mới vào Bệnh viện 09 làm việc.
"Giai đoạn đầu, chúng tôi cũng có chút buồn, giấu giếm nơi mình làm việc. Không phải vì nghĩ cho bản thân mà nghĩ cho gia đình, con cái. Đối với con nhỏ từ khi cấp 1, cấp 2, thậm chí nhiều cháu trưởng thành chỉ biết bố mẹ làm bác sĩ thôi. Vì lúc các cháu còn bé, nếu nói bố mẹ chữa bệnh cho người HIV, dưới sự hiểu biết chưa kỹ rất dễ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ của con. Khi con lớn, sự hiểu biết của cộng đồng nhiều hơn về HIV thì tôi cũng nói rõ ràng cho con về cộng việc mình đang làm, giải thích nguy cơ lây nhiễm. Rất may mắn các con tôi đều hiểu chuyện, nghe lời và thấu hiểu công việc bố đang làm", bác sĩ Hải tâm sự.
Cả hai vợ chồng bác sĩ Hải đều làm trong ngành y. Tuy nhiên, trước đó khi ra trường anh đã không có ý định theo nghề mình học. Sau một thời gian làm công việc khác, anh đã quyết định chọn Bệnh viện 09 là điểm dừng chân.
"Tôi học truyền nhiễm, đúng giai đoạn đó HIV là virus lây nhiễm mới nổi. Do vậy, tôi đã quyết định về Bệnh viện 09 gắn bó, điều trị cho bệnh nhân HIV", bác sĩ Hải nói.