Thất lễ trên bàn cơm: Không phải là chuyện nhỏ!
Chuyện kể rằng, có một cậu sinh viên mới ra trường được nhận vào công ty, dù về phương diện năng lực chưa thể hiện được điểm gì nổi bật, nhưng lại trở thành chủ đề bàn tán xôn xao của mọi người vì… cách ăn uống khác người.
Một buổi trưa đi ăn cơm ở căn tin văn phòng, khi các đồng nghiệp xung quanh còn chưa được miếng nào, cậu ta lại tỏ ra vô cùng hấp tấp.
Trên bàn ăn cậu ngồi, xương thừa bừa bãi đầy bàn. Món nào không vừa miệng, cậu cũng chẳng e dè mà vứt la liệt.
Khi bữa cơm trưa ấy kết thúc trong sự chóng vánh, cậu nhân viên mới thản nhiên rời đi, để lại một mớ lộn xộn trên mặt bàn, trông chẳng khác bãi chiến trường là mấy.
Trước khi bước ra khỏi căn tin, cậu còn thẳng tay vứt vội đống bát đũa vừa ăn vào bồn, động tác qua quýt khiến nước canh thừa văng tung tóe.
Sau vài lần như vậy, chẳng có người đồng nghiệp nào tình nguyện ngồi cùng bàn với cậu nhân viên mới. Thái độ của mọi người với cậu cũng không còn nhiệt tình như trước, thậm chí còn có đôi phần lạnh nhạt.
Trên bàn ăn, chúng ta thường bắt gặp những kiểu cách, tác phong không giống nhau.
Có người ăn uống hấp tấp, có người dùng bữa tao nhã, lại có người kén cá chọn canh, lật lên lật xuống thức ăn tới mấy lần, cũng có người chu đáo cẩn thận, chỉ lựa những món gần chỗ mình mà động đũa.
Những hành động thất thố trong bữa ăn có thể khiến bạn mất điểm trong mắt người khác, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá và đánh mất không ít các mối quan hệ xã hội. (Ảnh minh họa).
Một nữ nhà văn người Hồ Bắc nổi tiếng tại Trung Quốc từng chia sẻ, lúc mới bước chân vào sự nghiệp viết lách, cô từng có một lần lặn lội đến Bắc Kinh để gặp tác giả mà mình thần tượng.
Nữ nhà văn vẫn nhớ rõ, lúc mới đến cô vô cùng phấn khích, chỉ hi vọng có thể được ông ký tên và có vinh dự chụp cùng một bức ảnh.
Thế nhưng tới khi tham gia tiệc đứng, cô lại chứng kiến vị tác giả nổi danh ấy ôm một đĩa thức ăn chất chồng. Chiếc đĩa ấy đầy đến nỗi sau khi ăn lấy ăn để một hồi, các món trong đó vẫn còn quá nửa.
Hành vi này của vị tác giả ấy đã khiến cho một người hâm mộ là cô cảm thấy vô cùng mất thiện cảm.
Thực tế, tác phong ăn uống của chúng ta là một trong những yếu tố quan trọng chi phối đánh giá tổng quan của người khác dành cho bạn.
Tuy rằng tướng ăn không thể đặt ngang hàng với phẩm hạnh đạo đức hay học thức, nhưng người có tác phong ăn uống tốt luôn lưu lại một ấn tượng dễ chịu trong mắt người khác.
Tướng ăn quyết định số mệnh của cả một đời người
Xét trên một khía cạnh khác, tướng ăn cũng phản ánh phần nào vận số của mỗi cá nhân. Nhân vật chính trong câu chuyện dưới đây cũng là một trong số đó.
Hiểu Đông là một chàng trai có kiểu ăn uống không được tao nhã cho lắm.
Ấn tượng sâu sắc của mọi người về tướng ăn của anh chính là những tiếng chép miệng, động tác mút đũa, cầm đũa chỉ tới chỉ lui, vừa nhai vừa nói khiến thức ăn văng tứ tung, thậm chí còn kết thúc bữa ăn bằng một tiếng ợ rất kém duyên.
Đối với kiểu ăn uống này của Hiểu Đông, những người xung quanh có muốn lờ đi cũng không được. Vì vậy, các đồng nghiệp vẫn thường rỉ tai nhau câu nói: "Đi ăn cùng anh chàng này chẳng khác nào đi chịu tội".
Có một lần, Hiểu Đông ra ngoài dùng bữa với quản lý. Chứng kiến tác phong ăn uống này, cấp trên của anh liên tục cau mày.
Hiểu Đông lúc nào cũng than vãn với đồng nghiệp rằng mình là nhân tài không gặp thời vận, sau đó trách ông trời không có mắt. Anh luôn nghĩ rằng mình ngày ngày đều bán mạng làm việc mà vẫn không được thăng tiến, từ đó cho rằng quản lý coi nhẹ năng lực của mình.
Thực tế, đồng nghiệp trong công ty ai cũng biết quản lý không bao giờ đưa Hiểu Đông đi gặp khách hàng cùng mình chính là bởi tướng ăn không ai khen nổi của anh ta.
Tác phong ăn uống không chỉ nói lên tính cách của một người mà còn là yếu tố tác động đến vận mệnh của chúng ta. (Ảnh minh họa).
Nếu tác phong ăn uống có phần bất nhã như vậy, người khác rất có thể sẽ coi bạn là một người tự tung tự tác, kém lịch sự. Ấn tượng này vô tình sẽ khiến giá trị con người của chúng ta bị hạ thấp trong mắt những người xung quanh.
Ngay tới một chuyện nhỏ như dùng bữa cùng nhau mà đã để mất điểm như vậy, mọi việc đương nhiên sẽ khó có được sự thuận lợi, thăng tiến.
Thực ra, tác phong ăn uống của mỗi cá nhân sẽ phản ánh vận số của người đó. Người có tướng ăn tốt sẽ khiến cho bản thân càng thêm ghi điểm.
Tác phong ăn uống cũng giống như tấm danh thiếp vô hình của mỗi chúng ta. Và sự thực là những cử chỉ trong lúc dùng bữa đã vô tình trở thành nhãn dán thương hiệu của bạn.
Văn hóa ăn uống - câu chuyện chưa bao giờ cũ!
Mạnh Tử có câu: "Thực sắc tính dã". Cổ nhân cũng quan niệm: "Có thực mới vực được đạo".
Ăn cơm là thời điểm con người thả lỏng và dễ dàng bộc lộ những bí mật từ trong tiềm thức.
Cũng bởi vậy mà người xưa mới có quan niệm: Muốn biết phẩm hạnh của một người như thế nào, chỉ cần ăn cùng họ một bữa cơm là hiểu.
Có cô gái trẻ đưa người yêu về ra mắt bố mẹ. Người bạn trai ấy sở hữu vẻ ngoài sáng sủa, gia cảnh khá giả, cũng rất có chí tiến thủ.
Nào ngờ, bố mẹ cô gái kịch liệt phản đối mối quan hệ của họ, còn cấm cô không được qua lại với cậu thanh niên kia.
Hỏi ra mới biết, nguồn cơn mọi chuyện đều bắt nguồn từ một lần họ dùng bữa chung với nhau.
Trong bữa cơm hôm ấy, mẹ cô gái có làm món thịt tứ hỷ, cả đĩa chỉ có 4 viên. Gia đình cô gái đã có 3 người, vừa vặn có thêm anh bạn trai, như vậy là mỗi người vừa đủ một miếng.
Thế nhưng không ai ngờ rằng, cậu bạn trai kia vừa nếm một viên thịt đã khen lấy khen để, sau đó "tiện tay" gắp liền 3 viên.
Khi gắp tới đĩa rau, câu liên tục dùng đũa lật lật, bới bới. Vốn không thích ăn tỏi, hễ cứ gắp được miếng rau xào nào có chút tỏi, cậu sẽ giũ tới mấy lần rồi mới bỏ vào bát.
Chứng kiến tướng ăn này của chàng trai trẻ, bữa cơm ngon mà gia đình cô gái cất công chuẩn bị bỗng dưng khiến cả nhà chẳng ai còn khẩu vị.
Sau khi biết được thái độ phản đối của gia đình cô gái, cậu bạn trai quay sang mắng mỏ người yêu mình vì lý do: Chỉ toàn người nhà với nhau mà cũng bày vẽ quy củ ăn cơm.
Có đôi khi, chúng ta vẫn thường trách cứ người khác xét nét, chi li mà không hay biết rằng chính tướng ăn đã tố cáo con người của mình.
Một người nếu khi dùng bữa chỉ biết lo cho mình ắt sẽ cư xử rất ích kỷ. Từ xưa tới nay, người ích kỷ không mấy khi có được sự tín nhiệm và tin tưởng từ phía người khác.
Rèn luyện tác phong và văn hóa ăn uống là điều mà ai cũng cần làm. (Ảnh minh họa).
Có thể nói, ăn uống là một việc vô cùng quan trọng. Bởi chỉ một phút lơ đễnh trên bàn ăn, nhân phẩm và giáo dục của bạn sẽ vô tình bị hạ thấp.
Người khiến cho đối phương cảm thấy dễ chịu và có được thiện cảm trên bàn ăn chính là người cẩn thận, tinh tế và nho nhã.
Trước khi gọi món, họ sẽ hỏi mọi người dùng bữa chung muốn ăn cái gì, không ăn dược cái gì.
Khi bồi bàn mang thức ăn lên, họ sẽ nhã nhặn nói lời cảm ơn. Họ cũng không chẳng bao giờ vô tư tới mức vừa nhai vừa nói chuyện.
Lúc muốn gắp thức ăn trong đĩa chung, họ sẽ cẩn thận dùng một đôi đũa riêng. Họ thậm chí còn không bao giờ ép người khác uống rượu chỉ vì những lý do như "chú lại không nể anh".
Một người có tác phong ăn uống lịch thiệp không chỉ thể hiện thông qua hành động mà còn bộc lộ qua cách họ quan tâm tới những người dùng bữa chung với mình.
Chính bởi người khác có thể âm thầm đánh giá chúng ta thông qua tướng ăn, cho nên ai cũng cần rèn luyện cho mình một tác phong ăn uống từ tốn, lịch sự. Đừng để tác phong ăn uống ảnh hưởng tới những mối quan hệ xã hội cũng như con đường thăng tiến sự nghiệp của bạn.