Ông Thắng khẳng định, VFF có biểu hiện của việc đấu đá, mất đoàn kết trong nội bộ VFF , nhưng để đưa ra kết luận phải là các cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông điều gì đã dẫn đến những chuyện mâu thuẫn, lùm xùm ở thượng tầng VFF trong thời gian vừa qua?
- Nếu tất cả những xung đột, mâu thuẫn vì mục đích chung, vì BĐVN thì tất cả dễ thống nhất để không xảy ra những bất cập. Nhưng với những người đặt lợi ích cá nhân lên trên cái chung thì sẽ xảy ra những vấn đề xung đột không thể thống nhất được.
Đặc biệt, ở LĐBĐ thì chỉ có các thành viên được giới thiệu ứng viên và được tham gia bầu cử. Thế nên vấn đề ở đây, khi chuẩn bị Đại hội, các thành viên khi giới thiệu và bầu ra người đứng đầu phải sáng suốt, công tâm lựa chọn ra người đại diện nhưng phải đại diện cả cho BĐVN chứ không tư lợi cho cá nhân mình, tổ chức của mình.
Có thể, với nhiều thành viên khi lựa chọn ứng viên để bầu thấy phù hợp nhưng khi ngồi vào các vị trí lãnh đạo, trong quá trình làm việc, có người thể hiện được năng lực bản thân và cũng có những cá nhân đó cũng dần bộc lộ những khuyết điểm, thế nên phải trải qua quá trình làm việc mới kiểm chứng được là thế. Chính vì vậy, trong bối cảnh đó việc xảy ra những mâu thuẫn, xung đột, đấu đá.
Còn việc VFF để xảy ra những vấn đề lùm xùm trong thời gian qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bởi trong quá trình điều hành, quản lý cũng để xảy ra những sơ suất nhất định, không giải quyết kịp thời nên để có lý do khiếu nại, tố cáo, trong đó có cả những ứng xử, hành vi ứng xử không chuẩn mực.
Kể cả chuyện thống nhất tiêu chí để bầu các chức danh chủ chốt ở VFF, thưa ông?
- VFF cũng phải thống nhất, đề ra được các tiêu chí làm sao lựa chọn được những người tốt nhất. Vừa qua xảy ra rất nhiều lùm xùm, tranh cãi liên quan đến vấn đề tiêu chí cho các ứng viên. Có người cho rằng VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên không cần đề ra quá nhiều tiêu chí. Nhưng có thể đại hội này chưa đặt ra được tiêu chí, rồi dần dần sẽ phải đặt ra, bởi mỗi tổ chức đều có những quy định, quy chế hoạt động riêng.
Các tiêu chí phải do tất cả các thành viên VFF thống nhất. Điều này liên quan đến những vấn đề nhận thức, chọn được những người xứng đáng nhất. Nên nhớ rằng đây là tổ chức xã hội, là cuộc chơi của riêng VFF nên đưa ra tiêu chí như thế nào là quyền của VFF miễn là thống nhất được với nhau, thực hiện theo dân chủ, đa số.
Tiêu chí này theo tôi không phải do BCH hay Tiểu ban nhân sự đại hội đưa ra mà phải do tất cả các thành viên, được đại hội thông qua. Tiêu chí vừa qua chỉ là ý kiến của Tiểu ban nhân sự và BCH để trình ra đại hội bàn và thông qua.
Trong tất cả những câu chuyện lùm xùm, bê bối xảy ra ở VFF trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng có sự mất đoàn kết nội bộ ở VFF và có việc các ứng viên Đại hội VFF khoá VIII dùng chiêu trò để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Bản thân ông có đồng quan điểm này?
- Như tôi đã nói, trong quá trình làm việc, với khối lượng công việc lớn, đa dạng ở nhiều hoạt động, VFF khó tránh khỏi những sai sót ở các cá nhân nhưng có nhiều sai sót bản thân người trong cuộc cũng không nhận thức được, không xử lý ngay được nên xảy ra khiếu nại.
Cũng có nhiều vấn đề vì nể nang nhau không được xử lý đến nơi đến chốn. Và khi tất cả tích tụ lại, để lâu lại thành vấn đề lớn. Điều này phải rút kinh nghiệm.
Cũng phải thừa nhận là có biểu hiện, hiện tượng của việc đấu đá, mất đoàn kết trong nội bộ VFF. Có biểu hiện của việc tuồn thông tin hạ bệ nhau, nhằm vào các cá nhân. Thế nhưng để kết luận chính thức, sự việc cụ thể thế nào thì phải nằm ở chính VFF và cơ quan có thẩm quyền.
Khi nghe được những chuyện bê bối ở thượng tầng VFF, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi rất buồn và lo lắng. Bởi quản lý hoạt động bóng đá rất quan trọng trong ngành thể thao. Những chuyện đã xảy ra ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh TTVN. Điều gì liên quan đến thẩm quyền Tổng cục TDTT thì chúng tôi sẽ xử lý.
Trong bộ máy lãnh đạo VFF, đa phần đều là những người có tâm huyết nhưng cũng có những người vì không kiềm chế được bản thân đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh của BĐVN, đặc biệt trong bối cảnh đang lấy lại niềm tin nơi NHM nhờ hiệu ứng U.23 Việt Nam tạo ra.
Thực tế, tất cả đều lường trước được vấn đề lùm xùm trước mỗi kỳ đại hội. Bởi nhiệm kỳ nào cũng có những chuyện tương tự liên quan đến lùm xùm, kiện cáo. Thế nhưng lần này lại dồn dập và tập trung vào một số lãnh đạo nên tôi rất lo lắng. Bởi việc lựa chọn ra BCH và bộ máy lãnh đạo VFF sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của tương lai cả nền bóng đá.
Nếu lựa chọn không chuẩn, không tốt sẽ ảnh hưởng xấu, kéo sự phát triển của bóng đá chững lại, rồi phải xây dựng lại và mất một quãng thời gian để đi chắp vá những lỗ hổng.
Sức ép mà chúng tôi chịu nhiều nhất là từ dư luận, NHM. Lãnh đạo cấp trên cũng có chỉ đạo để sao phối hợp với VFF tiến hành giải quyết các vấn đề.
Nhiệm kỳ VFF khoá VII, lần đầu tiên Chủ tịch là doanh nhân. Trong thường trực, số doanh nhân cũng chiếm quá nửa thay vì những người từ nhà nước, người làm nghề. Có phải vì sự thay đổi này đã dẫn đến nhiều những xung đột như vậy?
- Thực ra không hẳn như vậy. Anh Lê Hùng Dũng là doanh nhân nhưng đã tham gia VFF nhiều khoá. Trong công tác quản lý cũng nhiệt tình, công tâm, chúng tôi cũng đánh giá cao những đóng góp cho BĐVN. Chỉ tiếc một thời gian dài anh Dũng không trực tiếp tham gia điều hành VFF vì lý do sức khoẻ. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến nội bộ VFF có những bất đồng trong thời gian qua khi không có sự trao đổi công việc thường xuyên.
Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng trong công tác điều hành, tổ chức, có một số vấn đề chưa thể hiện được sự trao đổi, bàn bạc một cách công khai minh bạch dẫn đến những hoài nghi. Những mâu thuẫn, đấu tranh lẫn nhau không giải quyết được ngay nên cứ tích tụ lại thành vấn đề.
Hiện tại, Thường trực VFF đang có 4/5 thành viên xin rút không tham gia tranh cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở đại hội tới. Ông có lo ngại về việc bộ máy lãnh đạo VFF khoá VIII sẽ không còn nhân tố thạo việc?
- Tôi rất lo lắng vì điều này. Nhìn bên ngoài thì hoạt động bóng đá có thể rất bình thường nhưng thực tế khối lượng công việc rất lớn và nhạy cảm, đòi hỏi những người hiểu biết và có kinh nghiệm. Đây là mối quan tâm của lãnh đạo bộ và Tổng cục TDTT. Vấn đề là giữa quan tâm và tham gia phải tuân thủ quy định, trong khuôn khổ được phép vào tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Còn trường hợp Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn sẽ được rút từ VFF về Tổng cục TDTT có ảnh hưởng gì đến việc tranh cử Đại hội VFF khoá VIII?
- Thực tế thì đây chỉ là việc mà Tổng cục TDTT làm theo quy định đã có từ trước. Tức là chúng tôi không cử cán bộ, công chức nhà nước về các liên đoàn để làm việc nữa.
Tổng cục TDTT đang hoàn thành thủ tục để rút PCT VFF Trần Quốc Tuấn và TTK Lê Hoài Anh về Tổng cục TDTT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người vẫn liên quan đến các hoạt động bóng đá. Nếu các anh ấy vẫn được VFF giới thiệu, bầu vào BCH hoặc các vị trí lãnh đạo chủ chốt, chúng tôi sẽ căn cứ trên công việc cụ thể để tạo điều kiện.
Tức là trong trường hợp này, các anh ấy là cán bộ của Tổng cục TDTT nhưng sẽ kiêm nhiệm công việc ở VFF chứ không “biệt phái” như trước đây. Việc tham gia tranh cử ở Đại hội VFF vẫn diễn ra bình thường nếu được giới thiệu, đề cử. Nếu trúng cử thì anh Tuấn vẫn là người của Tổng cục TDTT và kiêm nhiệm chức danh ở VFF.
Vấn đề chốt thời gian tổ chức Đại hội VFF khoá VIII đang được dư luận rất quan tâm. Trong khi đó, Bộ VHTTDL vẫn chưa chính thức giới thiệu ai ra tranh cử trong 4 ứng viên Chủ tịch VFF. Điều này có phải do lùm xùm VFF trong thời gia qua?
- Thực tế, chỉ VFF mới là tổ chức quyết định được thời gian tổ chức Đại hội. Vấn đề quan trọng là phải chuẩn bị nhân sự tốt và kỹ lưỡng. Hiện tại, việc chốt danh sách sau khi những lùm xùm xảy ra, một số ứng viên xin rút vẫn chưa được giải quyết xong. Chính vì thế bộ cũng chưa thể giới thiệu ai.
Quan điểm của chúng tôi, chuẩn bị tốt, chu đáo thì hãy tổ chức, đặc biệt là trong công tác nhân sự. VFF vẫn là tổ chức quyết định, Tổng cục TDTT và Bộ VHTTDL cũng không thể can thiệp vào vấn đề này.