Theo Washington Times, trong tất cả những cuộc phỏng vấn mà tạp chí này thực hiện với các quan chức tình báo cao cấp của Mỹ hay các nhà ngoại giao nước ngoài về chủ đề sự xuống dốc của mối quan hệ Nga – Mỹ, có một mốc ngày tháng quan trọng luôn được nhắc tới, đó là tháng 1/2012.
Đó chính là thời điểm mà ông Michael McFaul - người lúc đó mới được cựu Tổng thống Obama chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Nga - đặt chân tới thủ đô Moscow giá lạnh đầy tuyết trắng.
"Gấu Nga" bị chọc giận như thế nào?
Đáng chú ý, gần như ngay lập tức sau khi có mặt ở Nga, ông McFaul đã có các cuộc gặp gỡ với những lãnh đạo đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền chuyên chỉ trích Kremlin.
Đó là một động thái khiêu khích ở một thời điểm khá nhạy cảm, khi mà ông Vladimir Putin đã đủ tức giận khi biết rằng Mỹ chính là lực lượng đứng sau ủng hộ các cuộc biểu tình lớn chống lại ông [sau cuộc bầu cử Hạ viện 2011]. Vị Tổng thống Nga lúc đó cũng đang phải đối mặt với một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh trong khi ông đang nỗ lực lấy lại ảnh hưởng của Nga trên thế giới.
Ông McFaul, khi đó 49 tuổi, vốn là một học giả và là một nhân vật được "chỉ định chính trị", chưa từng có kinh nghiệm làm đại sứ trước đó, đã trải qua một tháng vật vã đầu tiên ở Moscow, theo như những gì ông từng viết trên blog cá nhân của mình.
Khi nghiên cứu kỹ những sự kiện xảy ra tiếp theo trong quan hệ Nga – Mỹ, cho tới tận thời điểm bùng nổ là khi Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, người ta thấy rằng hậu quả mà ông McFaul gây ra từ khi vừa đặt chân tới Moscow thực ra lớn hơn mọi sự phỏng đoán trước đó.
Ông McFaul từng là cố vấn của ông Obama trước khi được chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Nga năm 2012. Ảnh: Stanford News
Washington Times cho biết, hàng chục cựu quan chức, nhà ngoại giao mà họ đã phỏng vấn đều cho rằng việc ông McFaul tới Moscow giống như là một "vết ong đốt chọc giận chú gấu Nga".
"Sự việc khi đó đã làm ông Putin tức giận tới mức ông ấy đã thề sẽ phải trả đũa", một cựu quan chức tình báo Mỹ bày tỏ quan điểm về lý do mà ông cho rằng đã dấn tới việc Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
"Washington đã đánh giá thấp Moscow. Mọi việc là do ông Obama và bà Clinton bắt đầu, chứ không phải ông Putin", một nhà ngoại giao có quan hệ với ông Putin trả lời Washington Times. "Họ đã cử ông McFaul đến Nga để lật đổ ông Putin, và việc này đã làm ông ấy tức giận đến tái mặt".
Tuy nhiên, cựu đại sứ McFaul - người hiện đã ở trong danh sách bị Nga cấm nhập cảnh khi nước này trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ [không cấp visa cho các nhà ngoại giao Nga], trong email trao đổi với tờ tạp chí Mỹ, khẳng định rằng chính quyền Obama chưa bao giờ có chính sách hay mục tiêu lật đổ vị Tổng thống Nga.
Ông McFaul cho biết: "Ông Putin tất nhiên đã nhìn nhận chúng tôi một cách rất sai lầm rằng chúng tôi đang cố gắng làm tổn hại tới ông ấy, và đó có thể trở thành một trong những động cơ để ông ta can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 hay không? Câu trả lời là có".
Tất nhiên, Kremlin đã biết về ông McFaul trước thời điểm 2012 rất lâu.
Ông McFaul - nhà khoa học chính trị đến từ ĐH Standford – là người có vai trò lớn trong việc tạo dựng Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow vào giữa những năm 1990.
Đồng thời, ông McFaul cũng là nhà tư vấn chính sách hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Obama trong suốt thời kỳ chính quyền này nỗ lực [nhưng thất bại] việc "tái thiết lập" mối quan hệ với Nga từ 2009.
Cho tới khi ông McFaul trở thành Đại sứ Mỹ tại Nga, phía ông Putin vẫn coi McFaul là một "tay sai" của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton.
Ngay trước khi Đại sứ McFaul đặt chân tới Moscow, ông Putin và bà Clinton đã có một cuộc khẩu chiến công khai về cuộc bầu cử Hạ viện 2011 của Nga. Ngay sau cuộc bầu cử này là làn sóng biểu tình lớn nhất nước Nga từ sau khi Liên Xô tan rã vì những người biểu tình cho rằng bầu cử có gian lận.
Bà Clinton thậm chí đã phát biểu rằng cuộc bầu cử của Nga là "không tự do và không công bằng", đồng thời kêu gọi một "cuộc điều tra hoàn chỉnh" về cuộc bầu cử.
Ông Putin đã phản pháo, cáo buộc Mỹ ủng hộ những người biểu tình chống đối. "Chúng tôi cần phải tự bảo vệ mình khỏi sự can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi như thế này", ông Putin từng tuyên bố.
Kremlin luôn coi ông McFaul là "tay sai" của cựu Ngoại trưởng Clinton. Ảnh: Reuters
Nga trừng phạt bà Hillary?
Theo những cựu quan chức từng làm việc với bà Clinton về chính sách đối với Nga, mọi việc đã bị đẩy lên mức cá nhân rất cao. Việc ông Putin đã trả đũa bà Clinton như thế nào, mãi tới 4 năm sau cuộc khẩu chiến đó người ta mới lờ mờ nhận thấy, và có lẽ Washington sẽ mất rất nhiều năm nữa mới có thể hiểu được ông Putin thực sự đã làm gì.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), ông Michael Hayden cho rằng những nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ của Nga là "chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật thành công nhất trong lịch sử".
"Những người Nga đã muốn trừng phạt bà Hillary và làm xói mòn niềm tin vào quá trình bầu cử của Mỹ", ông Hayden nói.
Trở lại năm 2012, Đại sứ McFaul lúc đó đã ngay lập tức cảm nhận được sự tức giận của Kremlin. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi ông McFaul nhậm chức ở Moscow, truyền thông chính thống Nga đã có cả một chiến dịch chỉ trích ông vì các cuộc gặp với phía đối lập.
Hàng đoàn người trẻ tuổi ủng hộ Kremlin đứng biểu tình trước đại sứ quán Mỹ và thậm chí còn mỉa mai sự liên can của Mỹ trong các cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập khi đó đang diễn ra khắp Trung Đông. Ông McFaul đã phải tăng cường an ninh cho đại sứ quán của mình.
Trả lời báo giới thời gian đó, vị đại sứ mới của Mỹ tại Moscow nói rằng ông chưa bao giờ tiên liệu được rằng "chủ nghĩa chống Mỹ" lại mạnh mẽ đến thế ở thủ đô Nga.
5 năm sau thời điểm 2012, đại sứ McFaul đã trở lại ĐH Standford và tuần qua cũng trả lời tạp chí Times rằng việc ông liên hệ với các nhân vật chống đối Kremlin đã bị "cố ý thổi phồng bởi truyền thông chính thống Nga".
"Kremlin cần một cách để hạ thấp các lực lượng đối lập, vì thế họ đưa ra cáo buộc phía đối lập là những con rối của phương Tây, của Obama và của tôi", ông McFaul nói. "Theo tôi, chiến dịch tuyên truyền đó của họ đã thành công".
Nhiệm kỳ đại sứ làm Kremlin "dựng tóc gáy"?
Một cựu quan chức tình báo bí mật nằm vùng ở khu vực đã nhận định với Washington Times rằng ông McFaul đã đánh giá thấp mức độ "bị đe dọa" mà ông Putin đã cảm nhận thấy.
"McFaul đã làm cho Kremlin dựng tóc gáy" – một nhà báo phương Tây hoạt động tại Moscow đưa ra bình luận với Washington Times về nhiệm kỳ đại sứ của McFaul.
Vào tháng 11/2012, đúng 10 tháng sau khi McFaul đến Nga làm đại sứ của Mỹ, ông Putin đã bổ nhiệm Tướng Valery Gerasimov – một nhân vật bí ẩn trong hàng ngũ đầu não của quân đội Nga – lên làm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nga.
Học thuyết "Chiến tranh lai"của Tướng Gerasimov
Năm 2013, vị chỉ huy mới của quân đội Nga đăng tải một bài viết trên một tạp chí bằng tiếng Nga và bài viết đó được coi là nền tảng chiến lược của Kremlin từ đó tới nay.
Nền tảng chiến lược đó được biết đến trong quân đội Nga với cái tên "Học thuyết Chiến tranh Lai của Gerasimov" – với nội dung kết hợp chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là mở rộng các mặt trận quân sự tới vô hạn, bao gồm cả không gian mạng.
"Trong thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến xu hướng xóa nhòa các ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình", vị tướng người Nga viết. "Các cuộc chiến vẫn diễn ra dù không có lời tuyên chiến nào, và chúng bắt đầu, diễn tiến theo những cách khác thường. Cái được gọi là ‘luật của chiến tranh’ đã thay đổi".
Vị tướng chỉ huy Valery Gerasimov, cha đẻ của học thuyết "Chiến tranh lai" nổi tiếng trong quân đội Nga. Ảnh: Russia Insider
Tổng chỉ huy quân đội Nga cũng nhắc tới phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Ông Putin, người được phương Tây cho là không thích các cuộc biểu tình hàng loạt dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô, cũng được cho rằng ông tin có "bàn tay bí mật" của Mỹ gây ảnh hưởng lớn trong các cuộc "cách mạng màu" ở một số nước thuộc Liên Xô cũ như Georgia hay Ukraine, và năm 2011 là ở các nước Hồi giáo Trung Đông.
Kremlin được đánh giá là đặc biệt quan ngại trước sức mạnh của Twitter và những mạng xã hội khác vì chúng đã chứng tỏ khả năng kêu gọi, tập hợp và bày tỏ quan điểm trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Trong bài viết của mình, Tướng Gerasimov cảnh báo rằng những sự kiện kiểu như của Mùa Xuân Ả Rập là "đặc trưng của chiến tranh trong thế kỷ 21".
Về quan điểm trên, theo Times, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng ông McFaul và Tướng Gerasimov của Nga đã có điểm chung.
Năm 2012, ông McFaul đã rất giỏi trong việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ ngoại giao để kết nối với nhưng người ở phe đối lập với Kremlin.
4 năm sau, năm 2016, Kremlin đang bị cáo buộc là dùng chính những mạng xã hội đó để xoay chuyển cục diện chính trị của nước Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống.
Và giờ thì không ai có thể biết rõ được liệu cộng đồng tình báo Mỹ hay hàng loạt các ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ, chưa kể tới những lực lượng đặc biệt của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, có thể ngăn chặn được người Nga nếu họ lại làm một cuộc "can thiệp" tương tự.