Hôm 2-4, ông Mora nói rằng việc sử dụng đồng Petro trong giao dịch quốc tế nằm trong chương trình nghị sự của Ủy ban liên chính phủ cấp cao Nga - Venezuela. Cụ thể, đồng tiền ảo này sẽ được dùng để mua hàng từ Công ty KAMAZ của Nga.
"Các vấn đề hợp tác bao gồm việc mua phụ tùng và bộ phận ô tô, lốp xe, pin cũng như lắp ráp các loại xe này ở đất nước chúng tôi" – ông Mora nói với hãng tin AVN.
Ngược lại, Moscow đang bày tỏ sự quan tâm đến một số mặt hàng của Caracas như thép, nhôm, hoa, cafe và ca cao.
Venezuela là quốc gia đầu tiên triển khai hệ thống tiền ảo, bắt đầu từ tháng 3. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro có kế hoạch tạo ra 4 đặc khu kinh tế sử dụng đồng Petro để giao dịch. Việc chuyển sang đồng Petro trong mua sắm công và mua bán tài sản dùng tiền ảo cũng nằm trong kế hoạch của ông.
Trước đó, hồi tháng 2, Tổng thống Maduro thông báo Venezuela đang chuẩn bị cho ra đời một loại tiền ảo khác được hỗ trợ bởi vàng và các kim loại quý.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Venezuela Wilmar Castro Soteldo nói rằng Venezuela và Nga muốn tăng 30% khối lượng thương mại song phương trước cuối năm nay. Vào năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức 459 triệu USD.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong cuộc gặp các bộ trưởng tại Caracas hôm 22-3. Ảnh: Reuters
Liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ diễn ra ở Lima – Peru vào tuần tới, tân Bộ trưởng Ngoại giao Peru Nestor Popolizio tuyên bố Tổng thống Maduro sẽ không được mời tham gia sự kiện này.
"Đây là quyết định phản ánh quan điểm của hơn 10 quốc gia nhằm gây áp lực để Venezuela tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng" – Bộ trưởng Popolizio nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Maduro khẳng định ông vẫn sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ bất chấp lệnh cấm của Peru, đồng thời cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski là một phần của âm mưu quốc tế do Mỹ khởi xướng để lật đổ mình cũng như kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ của Venezuela.