Dự trữ ngoại hối của Venezuela đang cạn nhanh và có thể “sạch bách” trong vòng một năm tới, trang CNN Money cho hay.
Ngân hàng Trung ương Venezuela hiện chỉ còn 11,9 tỷ USD dự trữ ngoại hối, giảm mạnh từ mức 30 tỷ USD vào năm 2011.
Sắp tới, nước này tới hạn thanh toán một số khoản nợ lớn. Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, Caracas phải thanh toán loạt khoản nợ tổng trị giá 4,7 tỷ USD.
Dồn sức trả nợ
Quốc gia Nam Mỹ này đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và nhân đạo. Người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực-thực phẩm nghiêm trọng, trong khi các bệnh viện không có đủ các loại thuốc men và trang thiết bị cơ bản.
Trong khi đó, Venezuela hiện lấy việc trả nợ làm ưu tiên, thay vì ứng phó với tình trạng thiếu thốn hàng hóa thiết yếu.
“Trong vòng một năm tới họ sẽ hết tiền”, ông Russ Dallen, chuyên gia về nợ của Venezuela thuộc công ty đầu tư Caracas Capital ở Miami, Mỹ, nhận định.
Ông Dallen nói rằng trong bối cảnh hiện nay, việc Venezuela tập trung vào trả nợ có thể xem như là hành động “tự sát”.
Các chuyên gia đưa ra dự báo khác nhau về thời điểm Venezuela cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, tất cả cùng đồng tình rằng với tốc độ như hiện nay, nước này sẽ nhanh chóng không có đủ dự trữ ngoại hối để thanh toán tất cả các khoản nợ.
Phần lớn dự trữ ngoại hối của Venezuela là vàng. Nước này đã chuyển một phần dự trữ từ Thụy Sỹ về nước để phục vụ cho việc trả nợ.
“Có vẻ Venezuela sẽ không thể trả được tất cả các khoản nợ trong năm tới. Khả năng vỡ nợ của nước này trong năm tới là cao hơn năm nay”, chuyên gia kinh tế Mauro Roca thuộc ngân hàng Goldman Sachs nói.
Đây là một tình cảnh thực sự bết bát đối với quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa thuộc hàng lớn nhất thế giới. Giá dầu giảm sâu đã khiến nguồn thu ngoại tệ của Venezuela lao dốc theo.
Chưa kể, phần lớn số tiền mà nước này thu được từ dầu lửa đều được dùng để trả nợ cho các chủ nợ như Trung Quốc, các nhà đầu tư trái phiếu, các công ty khoan tìm dầu…
Ngay cả các công ty khoan tìm dầu cũng đã bắt đầu cắt hợp tác với Venezuela.
Vào tháng 4 năm nay, công ty Schulumberger cho biết sẽ giảm hoạt động của Venezuela do nước này còn nợ công ty nhiều khoản chưa thanh toán. Đó là một trong những lý do chính khiến sản lượng dầu của Venezuela giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm.
Hy vọng Trung Quốc
Theo dữ liệu của ngân hàng Bank of America, nhập khẩu của Venezuela, bao gồm lương thực-thực phẩm và thuốc men, đã giảm khoảng 40-45 % trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhập khẩu giảm chóng mặt, vì họ đang cố sức trả nợ”, ông Sebastian Rondeau, chuyên gia kinh tế của Bank of America, nói. Ông ước tính Venezuela có thể trả nợ cho tới tháng 4 năm sau. “Đến nửa cuối của năm sau, tình hình sẽ rất phức tạp”, ông nói.
Thậm chí, Venezuela vẫn có khả năng vỡ nợ trong năm nay. Giới chức nước này hiện đang đàm phán với chủ nợ trái phiếu của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA để hoán đổi nợ ngắn hạn đáo hạn vào tháng 10-11 năm nay thành nợ dài hạn hơn. Nếu chủ nợ không chấp nhận, thì vấn đề sẽ phát sinh.
Tuy vậy, Trung Quốc có thể sẽ ra tay “giải cứu” Venezuela. Theo một số nguồn tin, Venezuela đang đàm phán với Trung Quốc để xin hoãn thời hạn trả nợ một năm. Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 65 tỷ USD và Venezuela chủ yếu trả dần số nợ này bằng dầu lửa.
Năm ngoái, mỗi ngày Venezuela trả cho Trung Quốc trung bình 579.000 thùng dầu. Có thể Trung Quốc sẽ cho phép Venezuela giảm số dầu phải trả nợ mỗi ngày xuống, từ đó Caracas có dư dầu để bán lấy tiền.
Nhưng cho dù Trung Quốc có giúp, thì các chuyên gia cho rằng hướng đi hiện nay của Venezuela là không bền vững. “Cũng giống như nói về việc bạn có thể nhịn thở dưới nước được bao lâu vậy”, chuyên gia Dallen nói.