Venezuela bên bờ vực

Hoàng Phương |

Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo Mỹ đứng đầu âm mưu triển khai binh sĩ nước ngoài tại Venezuela để buộc ông từ chức.

Cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế ngày càng nghiêm trọng đang đe dọa đẩy Venezuela đến bờ vực sụp đổ, nhất là khi phe đối lập bắt đầu kéo quân đội vào cuộc.

Sắc lệnh “vi hiến”

Cuộc đối đầu mới nhất trên chính trường liên quan đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày được Tổng thống Nicolas Maduro ban bố và có hiệu lực từ ngày 16-5.

Sắc lệnh trao cho quân đội và cảnh sát nhiều quyền lực hơn trong việc đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế đang xấu đi từng ngày.

Tuy nhiên, quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát hôm 17-5 bỏ phiếu bác bỏ sắc lệnh trên vì cho rằng nó chỉ khiến khủng hoảng chính trị thêm tồi tệ.

Đáp lại, ông Maduro khẳng định sắc lệnh là cần thiết để đối phó những mối đe dọa giữa lúc đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc. Ông cũng nói thêm sẽ không tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu.

Trong bước đi gây nhiều lo ngại, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles thúc giục người dân phớt lờ “sắc lệnh vi hiến” của ông Maduro và xuống đường trong ngày 18-5.

“Chúng ta, những người Venezuela, sẽ không chấp nhận sắc lệnh này. Ông Maduro đang tự đặt mình lên trên hiến pháp...

Ông ấy sẽ phải triển khai máy bay chiến đấu và xe tăng ngoài đường phố để thực thi sắc lệnh bằng vũ lực” - ông Capriles cảnh báo.

Tình hình có thể thêm phức tạp khi chính khách này cho rằng đã đến lúc quân đội lựa chọn đứng về phía hiến pháp hoặc ông Maduro.

Tuy nhiên, ông Capriles nói thêm phe đối lập không kêu gọi đảo chính quân sự mà chỉ muốn tìm cách lật đổ ông Marudo bằng con đường pháp lý và hiến pháp.

Theo Reuters, quân đội đang đóng vai trò quan trọng đối với “sự sống còn” của ông Maduro. Không như người tiền nhiệm Hugo Chavez, ông Maduro không phải là binh sĩ.

Tuy nhiên, ông này cũng tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng vũ trang bằng cách bổ nhiệm một số thành viên quân đội làm bộ trưởng.

Con đường pháp lý mà ông Capriles nói đến chính là cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm ông Maduro.

Phe đối lập vào đầu tháng này đã trình kiến nghị có 1,85 triệu chữ ký của cử tri lên Ủy ban Bầu cử quốc gia - bước đầu tiên trong quá trình kêu gọi cuộc bỏ phiếu này.

Tuy nhiên, ông Maduro hôm 17-5 nói phe đối lập không đáp ứng thời hạn chót đề ra cho việc tiến hành trưng cầu ý dân, đồng thời cáo buộc họ giả mạo chữ ký.

Mối đe dọa lớn nhất

Nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước ngày 10-1-2017 và ông Maduro thất bại, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức.

Còn nếu sau ngày 10-1-2017, phó tổng thống đương nhiệm Aristobulo Isturiz sẽ thay ông Maduro giữ chức đến hết nhiệm kỳ vào năm 2019.

Phe đối lập dĩ nhiên không muốn kịch bản thứ hai song thời gian lại đang là thứ xa xỉ đối với họ.

Giới chức bầu cử cho đến giờ vẫn đang xem xét tính hợp lệ của kiến nghị - một động thái bị chỉ trích là “câu giờ”.

Ngay cả khi trưng cầu ý dân không diễn ra, ông Maduro cũng không dễ thở hơn.

Reuters bình luận sự giận dữ của người dân xem ra mới là mối đe dọa lớn nhất đối với chiếc ghế của nhà lãnh đạo 53 tuổi này.

Phần lớn người dân đang chật vật bởi tác động của siêu lạm phát, tình trạng thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, điện... trong lúc nạn tội phạm, tham nhũng tràn lan.

“Hoặc là họ xử lý các vấn đề của đất nước hoặc là chúng tôi sẽ xuống đường” - ông Wilson Fajardo, 56 tuổi, cảnh báo.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 70% người dân muốn đất nước có chính phủ mới.

Vì thế, các cuộc biểu tình diễn ra khắp Venezuela ngày 18-5 (giờ địa phương) không chỉ là phép thử đầu tiên đối với sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà còn là thước đo cho sự kiên nhẫn của người dân đối với ông Maduro.

Trong nỗ lực cứu vãn uy tín, ông Maduro khẳng định bản thân ông và chính phủ đang là nạn nhân của “một cuộc tấn công chính trị, ngoại giao và truyền thông”.

Ông đặc biệt tố cáo Mỹ đứng đầu âm mưu triển khai binh sĩ nước ngoài tại Venezuela và buộc ông từ chức.

Theo ông, một máy bay quân sự Mỹ đã xâm phạm trái phép không phận Venezuela 2 lần vào tuần rồi. Để đối phó, ông đã ra lệnh tiến hành tập trận trong ngày 21-5.

3 kịch bản

Theo tờ The Washington Post, giới chức tình báo Mỹ đã chỉ ra 3 kịch bản “thay đổi chính quyền” tại Venezuela.

Thứ nhất, nếu trưng cầu ý dân không diễn ra trong năm nay, phe đối lập sẽ lại trình một kiến nghị tương tự vào năm tới.

Thứ hai, một số thành viên chính phủ ông Maduro tìm cách lật đổ ông với sự giúp đỡ của một số thành phần quân đội.

Thứ ba, những sĩ quan cấp thấp và quân nhân đang chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế có thể thực hiện đảo chính quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại