Theo đại diện của VTV, đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền Asiad 2018 tại Việt Nam là KJ Investment Group (KJI – Hàn Quốc). KJI đặt ra mức giá lên tới vài triệu USD. Nên biết, năm 2014 VTV từng nói không khi đối tác MP&Silva chào giá 400.000 USD.
Trước đó, tờ Tempo của Indonesia xác nhận Dentsu (Nhật Bản) là đơn vị nắm trong tay bản quyền Asiad 2018. Riêng tại Indonesia, Emtek Group sở hữu bản quyền.
Từ gần một năm trước, BTC Asiad 2018 đã mua lại bản quyền của cả giải đấu từ Ủy ban Olympic châu Á với giá 40 triệu USD. Nhờ đó, BTC sẽ nắm trọn vẹn các hợp đồng tài trợ cũng như doanh thu quảng cáo. Đồng thời, nước chủ nhà cũng trả Dentsu 3 triệu USD nhằm giúp chống xâm phạm bản quyền Asiad.
Dentsu từng bán bản quyền World Cup 2010 cho VTV.
Ngay từ cuối tháng 11/2017, 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được thông báo mua thành công bản quyền bao gồm: Qatar, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Đài Bắc Trung Hoa.
Tuy nhiên, KJI cũng đã thông báo từ giữa năm 2017 rằng đã có được quyền phân phối bản quyền Asiad 2018 tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á cũng như Bắc Mỹ.
Các kỳ Asiad trước, vấn đề phát sóng không đến mức quá gay gắt. Nhưng sau thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, sự quan tâm từ CĐV đang lên rất cao.
Với kỳ vọng lớn, thật khó tưởng tượng đến viễn cảnh người hâm mộ Việt Nam không thể theo dõi thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu trên sóng truyền hình.
CĐV có nguy cơ không được xem U23 Việt Nam thi đấu tại Asiad 2018.
VTV cũng đã đề nghị chỉ mua bản quyền môn bóng đá nam. Song KJI chỉ muốn bán cả gói Asiad 2018 với nhiều môn thể thao khác nữa với mức giá "trên trời".
Với người hâm mộ bóng đá nói riêng, KJI không phải là cái tên quá lạ lẫm. Đơn vị này từng 2 lần cắt sóng Champions League của VTV vì tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan.
Đầu mùa giải 2015/16, VTV chỉ có thể mua gói B bản quyền Champions League do gói A quá tốn kém. Người hâm mộ Việt Nam phải theo dõi nhiều trận đấu giữa các CLB khá vô danh thay vì các "đại gia".
Nhưng cuối cùng, tình trạng vi phạm bản quyền từ các kênh phát sóng "lậu" khiến KJI ngưng cung cấp cho VTV.
Bản quyền Champions League từng là chủ đề nóng tại Việt Nam.
Suốt nửa đầu mùa giải 2017/18, KJI vẫn giữ bản quyền Champions League trong tay song không có nhà đài nào ở Việt Nam mua được. Chính vì thế, các CĐV chỉ xem được trên kênh phát miễn phí từ UEFA và không ít người phải tìm đến các kênh "lậu".
Mãi tới nửa sau mùa giải, K+ mới đạt được thỏa thuận phát sóng Champions League cũng như Europa League trong 3 mùa giải liên tiếp tại Việt Nam với nhiều quy định ngặt nghèo.
Với những gì từng xảy ra cùng sự hiểu biết của KJI về thị trường Việt Nam, rõ ràng VTV đang ở vào thế khó khi đàm phán về bản quyền Asiad 2018.
Trên trang chủ của mình, KJI tự giới thiệu là một trong các tập đoàn dẫn đầu về thể thao và truyền thông trên thế giới. Nhưng thông tin cụ thể về tập đoàn này khá mù mờ, các trang mạng xã hội lập ra cũng chỉ… cho có, không tương tác, không bài đăng.
Ngoài Asiad 2018, KJI còn thông báo có bản quyền World Cup 2018 và Asian Cup 2019 ở vài quốc gia và vùng lãnh thổ. Tập đoàn này cũng khoe từng tổ chức show ca nhạc tại Mỹ với 20.000 theo dõi.