Sputnik đưa tin, hôm 3/4, Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), cơ sở vốn được xem như “căn cứ của Mỹ” ở Đài Loan , đã lên tiếng xác nhận có kế hoạch triển khai lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tới bảo vệ tòa nhà mới được xây dựng nằm ở quận Neihu của Đài Bắc.
Viện Mỹ ở Đài Loan.
AIT cũng xác nhận quân đội Mỹ được triển khai tới Đài Loan để bảo vệ hoạt động của cơ sở này từ năm 2005 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, sự xuất hiện của quân đội Mỹ ở Đài Loan là hành động mang tính khiêu khích.
Thông tin cơ sở mới xây dựng của AIT sẽ được lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ lần đầu tiên được hé lộ vào mùa hè năm ngoái. Việc điều động thủy quân lục chiến Mỹ tới bảo vệ tòa nhà Viện Mỹ là dấu hiệu cho thấy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn siết chặt thêm mối quan hệ với Đài Loan.
Bởi trên thực tế, Mỹ thường triển khai lực lượng thủy quân lục chiến tới bảo vệ các đại sứ quán, lãnh sự quán cũng như các tòa nhà chính phủ chính thức hoạt động trên khắp thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, khi Mỹ tuyên bố công nhận Đài Loan thuộc Trung Quốc , Washington đưa lính thủy quân lục chiến tới Đài Loan.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về động cơ của Mỹ khi đưa ra quyết định này là gì.
"Sự phá hoại nghiêm trọng. Động thái này không khác gì là một cuộc xâm lược của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc", một bài báo đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hồi tháng 7/2018 nhấn mạnh.
Được thành lập trên cơ sở của Đạo Luật các mối quan hệ với Đài Loan năm 1979, AIT được xem là cơ quan ngoại giao không chính thức của Washington tại đây.
Buổi lễ khai trương tòa nhà mới của AIT diễn ra vào ngày 12/6/2018, đúng ngày Tổng thống Trump gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore.
Trước đó, Mỹ được cho từng có kế hoạch cử Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tới dự lễ khai trương AIT. Tuy nhiên, để tránh kích động Trung Quốc giữa lúc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp mặt, Washington chỉ cử trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Marie Royce tới dự lễ khai trương.
Còn trong năm nay, lễ kỷ niệm 40 năm Mỹ thông qua Đạo Luật các mối quan hệ với Đài Loan và thành lập AIT sẽ được tổ chức vào ngày 10/4 tới.
Do đó, thông báo về việc cơ sở mới của AIT nằm ở quận Neihu của Đài Bắc sẽ do lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ đã gây ra cú sốc lớn với không ít người.
"Kể từ năm 2005, nhân sự của chính phủ Mỹ được điều động tới AIT bao gồm các quân nhân biên chế bao gồm các thành viên của lực lương hải quân, không quân, lục quân và thủy quân lục chiến", phát ngôn viên AIT Amanda Mansour chia sẻ với hãng thông tấn trung ương Đài Loan TCNA hôm 3/4.
Khi chia sẻ với phóng viên, ông Mansour cho biết thêm lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không mặc quân phục khi làm nhiệm vụ để tránh gây ra sự chú ý với dư luận cũng như tránh kích động Trung Quốc. Ngoài ra, ông Mansour không công bố cụ thể số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được huy động tới bảo vệ AIT.
Đoạn video đăng trên trang Facebook của AIT cho hay, cơ sở mới xây dựng của AIT có tổng trị giá 250 triệu USD sẽ chính thức được mở cửa hoạt động vào ngày 6/5.
Theo TCNA, những lời bình luận trước đây của cựu Giám đốc AIT Stephen Young hồi năm 2017 cũng đã ám chỉ tới sự hiện diện lâu nay của quân đội Mỹ ở AIT.
Căng thẳng Mỹ - Trung vì Đài Loan
Hồi tháng Tám năm ngoái, ông Yang Xiyu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc chia sẻ với Sputnik rằng, động thái của phía Mỹ "sẽ gây ra những hậu quả khôn lường".
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.
"Đầu tiên và trên hết, vấn đề Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi gay gắt nhất trong các mối quan hệ Mỹ - Trung. Bất cứ hành động nào coi thường chính sách ‘ một Trung Quốc ’ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ song phương.
Nếu thủy quân lục chiến Mỹ được điều động tới AIT, hành động này sẽ làm khắc sâu thêm những yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng tới quan hệ Washington – Bắc Kinh. Mỹ lại một lần nữa khiêu khích Trung Quốc nhằm thử mức độ kiên nhẫn", ông Yang nói.
"Nếu tình trạng căng thẳng tiếp diễn, nó sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho tình hình ở Đài Loan", ông Yang nhấn mạnh thêm.
Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ có động thái gia tăng quan hệ mật thiết với Đài Loan thông qua thương vụ bán 60 chiến đấu cơ hiện đại F-16V "Viper" cho Đài Loan. F-16V "Viper" của Mỹ được đánh giá ngang tầm với chiến đấu cơ J-10 Menglong mới được Trung Quốc phát triển.
Trên thực tế, kể từ năm 1992, Mỹ chưa bán bất cứ chiến đấu cơ hiện đại nào cho Đài Loan. Vào năm 1992, chính quyền của Tổng thống Mỹ George HW Bush ra thông báo về việc bán 150 chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan. Tới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã từ chối đề nghị của Đài Loan về việc mua các tiêm kích mới. Nhưng vào năm 2011, Mỹ đồng thuận nâng cấp các chiến đấu cơ cho Đài Loan.
"Mỹ đang dùng lá bài Đài Loan theo cách ngày càng tiêu cực và những hành động táo bạo như trên sẽ chỉ gây ảnh hưởng xấu tới toàn bộ mối quan hệ Mỹ - Trung", ông Li Haidong, Giáo sư tại Viện Đối ngoại thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định trong một bài báo đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 1/4.
Trong một động thái bất thường vào ngày 31/3, hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã cố tình vượt qua "đường giới tuyến" trên eo biển Đài Loan, khu vực phân tách Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Theo truyền thông Đài Loan, lần gần nhất các chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua "đường giới tuyến" là vào năm 2011.
Hành động của hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc được xem là đòn đáp trả sau sự việc một tuần Mỹ điều động tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ và tàu tuần duyên Bertholf thuộc Lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 24/3.
Hoạt động của tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington với Đài Bắc, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép để buộc Đài Loan sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.